Đề thi cảnh tỉnh các “fan cuồng”

10/07/2012 08:20 GMT+7

(TT&VH) - 1.Mấy năm gần đây, đề thi môn Văn học thường có câu dạng mở, bám sát các vấn đề thời sự xã hội của đất nước. Tuy vậy, ít ai có thể tưởng tượng ra đề thi lại “chọc” ngay vào vấn đề nóng trong giới trẻ, vốn tạo sóng trên nhiều diễn đàn mạng như đề năm nay.

Đề thi môn Văn khối D có yêu cầu thí sinh viết suy nghĩ của mình về nhận định: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là một thảm họa".

Mê muội thần tượng thì đích thị là “fan cuồng”, một bộ phận vốn đang xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ hiện nay.

Tôi tự hỏi, có bao nhiêu sĩ tử ngày hôm qua đã từng vật vã khóc lóc khi không được gặp thần tượng, hay gào thét, dẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu để được tận mắt nhìn thấy mấy thần tượng của mình. Có bao nhiêu sĩ tử khắc tên thần tượng lên bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, dán hình ảnh thần tượng khắp nơi, cả trên sách vở, có bao nhiêu người từng phát cuồng xúm xít hôn ghế thần tượng ngồi. Nếu họ không đủ tỉnh táo để nhận ra mình đang là fan cuồng thì sẽ bất lợi cho họ, bởi họ sẽ có những bài viết cực đoan hoặc những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, khó đạt diểm cao. Và đương nhiên, họ phải trả giá. Một đề thi hay cũng là một lời cảnh tỉnh về một cách sống trong giới trẻ. Người trẻ được bày tỏ những suy nghĩ chủ quan của mình, nghiêm túc và đúng đắn.

2. Văn học là nhân học, nó là đời sống con người được đưa vào các tác phẩm. Xưa nay, chúng ta coi trọng các kiến thức kiểu kinh viện, với các tác phẩm kinh điển được giảng dạy trong nhà trường. Dù tác phẩm văn học có đời sống riêng của nó, và mỗi người đọc, người học có một cách cảm riêng. Nhưng các tác phẩm này đã trải qua nhiều thế hệ nhà phê bình, các GS, TS, các thầy cô giáo soi xét, bình giảng, nghiền ngẫm. Sau bao nhiêu năm, bao nhiêu con người thay nhau “nấu cháo” tác phẩm như vậy, thì đầu óc của các em học sinh có “thần đồng” đến mấy cũng không thể sáng tạo ra được những ý kiến, nhận định, phát hiện mới.

Vì thế, dù cố gắng bao nhiêu đi nữa, các thí sinh dù có là học sinh giỏi cũng không thể vượt qua được các kiến thức mô phạm đã được học “thuộc làu” từ các bài giảng. Sự hơn thua nhau của các thí sinh chỉ là kỹ năng trình bày hệ thống lại kiến thức chứ không phải khả năng sáng tạo, nêu chủ kiến bản thân.

3. Kỳ thi ĐH là một kỳ vượt vũ môn, được sàng lọc rất kỹ càng. Đây là một cánh cửa để các em học sinh bước vào đời. Các em vốn là những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, bắt buộc các em phải có nhận thức về tình hình xã hội của đất nước.

Những suy nghĩ này coi như một bước sang lọc cần thiết để thấy rằng các em có nhận thức xã hội, con người, cuộc sống nhất định chứ không chỉ là những “con vẹt”.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm