Biển Đông vào đề thi tốt nghiệp THPT

05/06/2012 13:47 GMT+7

Những câu hỏi về biển, đảo đã gây được nhiều sự chú ý của thí sinh với giới truyền thông. Có lẽ đây là lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được đưa vào đề thi tốt nghiệp THPT.

Trong phần 2 của câu 2, đề thi yêu cầu thí sinh trình bày ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản xa bờ đối với kinh tế và an ninh quốc phòng. Rõ ràng việc tranh chấp trên Biển Đông và đặc biệt là hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của phía Trung Quốc gần đây khiến nội dung này của đề thi đã tạo nên sự chú ý.

Trong phần 2 của câu 4, đề thi cũng yêu cầu thí sinh phân tích ý nghĩa của hệ thống cảng biển của Duyên hải Nam Trung Bộ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng.



Trong phần 2 của câu 2, đề thi yêu cầu thí sinh trình bày ý nghĩa của việc đánh bắt hải sản xa bờ đối với kinh tế và an ninh quốc phòng

Đề thi ở hệ Giáo dục từ xa, câu 3 phần 1 cũng yêu cầu thí sinh phải dựa vào Atlat địa lý Việt Nam để kể tên các trung tâm du lịch và hai quần đảo xa bờ của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng và huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa). Nội dung của câu 3 phần 2 ngay sau đó cũng yêu cầu thí sinh trình bày các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển tổng hợp kinh tế biển ở nước ta.

Nhìn chung, hầu hết thí sinh được hỏi đều cho rằng những câu hỏi trên không quá khó vì đều nằm trong chương trình giảng dạy ở lớp 12. Những kiến thức cũng được các thầy cô giảng dạy môn Địa lý hết sức quan tâm trong thời gian gần đây. Do đó, việc đa số thí sinh hoàn thành bài thi một cách khả quan cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều thầy giáo nhận xét rằng: “Đây là một dạng câu hỏi hay. Nước ta có nguồn lợi thủy, hải sản lớn chưa khai thác hết. Đề thi đòi hỏi các em phải nắm rõ ưu thế nguồn lợi hải sản trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong phát triển kinh tế. Đánh bắt xa bờ cũng là một hoạt động có thể hỗ trợ nắm bắt tình hình phục vụ công tác an ninh biển đảo”.

Theo các nhà giáo, việc hoàn thành bài thi cũng là cơ hội để các em ý thức rõ thực trạng an ninh quốc phòng và trách nhiệm của các em với việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

Các câu liên quan đến biển đảo không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết mà còn yêu cầu phải vận dụng hiểu biết thực tế, đồng thời cũng cho học sinh có cơ hội thể hiện ý thức của mình trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Nhà giáo Cù Thùy Linh, Trường Châu Á Thái Bình Dương, TP HCM  nhận xét: “Không thể hô khẩu hiệu với học sinh rằng phải yêu tổ quốc hay thế này thế kia. Thông qua những câu hỏi như của đề thi Địa lý, phần nào những người làm giáo dục biết được thái độ, sự quan tâm của giới trẻ đối với vấn đề biển đảo. Giáo dục nước nhà đang hướng đến mục đích cao hơn của việc học, học không chỉ để biết, để khẳng định mình mà học để chung sống”.

Đã có ý kiến các chuyên gia kiến nghị đưa nội dung biển đảo Việt Nam vào chương trình chính thức. Trong khi chờ đợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được một việc có ý nghĩa là giáo dục tình yêu biển đảo cho ít nhất gần 1 triệu thí sinh trong lần thi này, thật đáng hoan nghênh!

Theo Năng Lượng Mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm