Để hội sách không chỉ… bán sách (kỳ 1): Cần 'nâng tầm' tại những đô thị lớn

20/04/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Phát triển rất mạnh trong những năm qua, hội sách là mô hình đã trở nên quen thuộc với độc giả và gần như là một sự kiện không thể thiếu tại các đô thị lớn trong dịp đón Tết hay tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4).

Nhưng ở hướng ngược lại, các hội sách hiện nay cần thêm những gì để hoàn thiện, cũng như đáp ứng được sự kỳ vọng vào sự tác động của nó với văn hóa đọc?

Phát triển về "lượng"

Như chia sẻ của giới xuất bản, mô hình mang tên gọi "hội sách" chỉ thực sự xuất hiện tại Việt Nam vào cuối thập niên 1990, khi đời sống văn hóa bắt đầu được cải thiện. Thời điểm ấy, những đơn vị liên kết xuất bản chưa ra đời, nên tất yếu, mô hình này chỉ dành cho những nhà xuất bản trên cả nước, và cũng được tổ chức khá hạn chế với thời lượng 2 năm/lần, luân phiên tại Hà Nội và TP.HCM.

Phải tới sau cột mốc lịch sử của ngành xuất bản vào năm 2004 - khi công ước Bern (về bảo hộ quyền tác giả trong văn học nghệ thuật) có hiệu lực tại Việt Nam, đồng thời Luật Xuất bản sửa đổi 2004 có bổ sung quy định về vai trò của tư nhân trong lĩnh vực này - mô hình hội sách mới có sự phát triển mạnh. Rất nhanh, với lượng ấn phẩm của mình, các đơn vị liên kết xuất bản nhanh chóng chiếm vai trò nổi bật tại các hội sách - thậm chí là chủ động kết nối cùng nhau để tổ chức mô hình này, thay vì chờ các đơn vị "quốc doanh".

'Chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam' - Để hội sách không chỉ… bán sách (kỳ 1): Cần 'nâng tầm' tại những đô thị lớn  - Ảnh 1.

Hội sách Xuân Quý Mão tại Phố sách 19.12 - một trong những hội sách lớn tại Hà Nội vào năm nay

Để rồi, ở thời điểm hiện tại, với hàng loạt các hội sách thường xuyên được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội hàng năm, không dễ để độc giả có thể thống kê hết các sự kiện này. Đơn cử, chỉ tính riêng những hội sách định kỳ, phải kể tới các Hội Sách Xuân thường niên (luôn tổ chức vào dịp cận Tết), Hội sách TP.HCM (diễn ra 2 năm/lần), Hội sách Xuyên Việt (diễn ra thường niên tại TP.HCM), Hội sách thiếu nhi TP.HCM (tổ chức thường niên), Hội sách tháng Tư (tại Hà Nội, do một số công ty sách phối hợp tổ chức hàng năm tại Bảo tàng Phụ nữ), Hội sách tháng 10 (tại Hà Nội, tổ chức thường niên gắn với dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô)….

Hoặc, xoay quanh Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, bên cạnh các sự kiện "chính thống", nhiều đơn vị liên kết xuất bản cũng đứng ra hưởng ứng bằng các hội chợ sách của mình, như Hội sách 0 đồng 2023 của nhóm AZ Việt Nam, Skybooks… tại phố Chùa Láng, Hội sách Cầu Giấy thiên về sách cũ tại Trung tâm thương mại Discovery Complex (đều thuộc Hà Nội) hoặc Nhã Nam có Hội sách 3 miền tổ chức đồng thời tại Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Đáng nói, ở một chừng mực, khái niệm "hội sách" đang được sử dụng khá rộng rãi khi nhiều đơn vị nhỏ lẻ, nhà sách thiếu tên tuổi - thậm chí là các cá nhân kinh doanh sách - cũng có thể kết nối, tìm địa điểm để tổ chức hoạt động bán sách dưới tên gọi này. Bởi vậy, như đánh giá của dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, giám đốc Công ty sách Binh Book, hàng chục hội sách được tổ chức mỗi năm tại Hà Nội và TP.HCM đang "trải rộng" từ quy mô nhỏ của các hội chợ sách cũ - sách cân, hội chợ cho sinh viên (tổ chức trong các trường đại học), hội chợ tại các trung tâm thương mại, cho tới các hội chợ được tổ chức thường niên có quy mô lớn.

"Dù sao, nhìn ở góc độ tích cực, mọi hoạt động liên quan tới sách đều có ích" - ông Bình nói - "Chúng góp phần cổ vũ văn hóa đọc, quảng bá hình ảnh của giới làm sách, đưa tác phẩm tới gần bạn đọc. Điều này càng có giá trị với trường hợp của các hội sách được tổ chức tại địa phương, nơi việc tiếp cận sách vở còn khó khăn".

'Chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam' - Để hội sách không chỉ… bán sách (kỳ 1): Cần 'nâng tầm' tại những đô thị lớn  - Ảnh 2.

Sự phát triển của các hội chợ sách là một tín hiệu tích cực cho văn hóa đọc

Nhưng cần nâng cao về "chất"

Tuy nhiên, như lời dịch giả Nguyễn Tuấn Bình, nếu ưu điểm của sự tăng bội các hội chợ sách là việc "cổ vũ phong trào" phát triển văn hóa đọc, thì nhược điểm của nó cũng nằm chính ở vấn đề đó. Bởi, tại khá nhiều hội sách ít tên tuổi, các phía  tham gia thường đặt nặng vấn đề kinh doanh - thậm chí là xả hàng tồn kho - và khó lòng bỏ ra kinh phí dành cho các hoạt động giao lưu, tương tác để có một hội sách theo đúng nghĩa.

Thậm chí, theo chia sẻ của những người trong cuộc, thông thường tại các hội chợ sách, khu vực "hot" nhất vẫn là những quầy hàng giảm giá với các mức độ khác nhau: Phổ biến là từ 20%- 30% giá bìa, giảm sâu là từ 50%-70% giá bìa, và rẻ nhất là sách đồng hạng với mức 10 ngàn - 30 ngàn đồng/cuốn.

Ở một góc độ khác, thông thường mảng đem lại lợi nhuận chính cho các đơn vị tham gia vẫn là mảng sách hướng tới số đông như sách kỹ năng, sách dạy kinh doanh, sách khởi nghiệp cho sinh viên hay sách thiếu nhi cho các bậc cha mẹ.

Không khó để giải thích điều này, khi về cơ bản, mô hình hội chợ sách tại Việt Nam vẫn không thể tách rời mặt bằng chung về văn hóa đọc và thói quen chọn sách - vấn đề được xác định là còn nhiều hạn chế qua những con số thống kê. Và, cũng bởi những hạn chế cố hữu đó, cũng khó có thể đặt kì vọng tức thời vào việc biến hội sách thành nơi gặp gỡ, trao đổi, thiết lập các mối quan hệ cộng tác, ký kết các hợp đồng bản quyền… giữa giới xuất bản trong nước và quốc tế như mô hình phổ biến trên thế giới.

'Chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam' - Để hội sách không chỉ… bán sách (kỳ 1): Cần 'nâng tầm' tại những đô thị lớn  - Ảnh 3.

Nhưng chắc chắn, ở bối cảnh hiện tại, nếu có giải pháp phù hợp, các hội sách tại những đô thị lớn vẫn có thể được "nâng tầm" về chất lượng, từ đó tạo tác động tích cực tới văn hóa đọc ở việc mở ra những tương tác thật sự bổ ích giữa tác giả và độc giả, giúp giới xuất bản tiếp cận nhu cầu của người đọc hoặc khơi gợi hứng thú, giúp cộng đồng chọn và hiểu rõ hơn về những cuốn sách hay.

Như quan điểm của ông Đỗ Kim Cơ - Giám đốc Tri Thức Trẻ Books - trước mắt, các hội sách trọng điểm tại Việt Nam nên được đầu tư mở rộng quy mô về chất lượng, cũng như hình thức tổ chức, để nâng cao phần giá trị văn hóa đi kèm. Và, điều này phụ thuộc rất lớn vào năng lực, cũng như nhiệt huyết, của các đơn vị liên kết xuất bản - thành phần quan trọng để làm nên thành công của mỗi hội sách.

"Có rất nhiều vấn đề và giải pháp cần được bàn thảo quanh việc này. Chẳng hạn, như nhiều đơn vị khác, nguyện vọng của chúng tôi là được chủ động hơn trong việc tổ chức các hoạt động của mình khi tham gia hội chợ" - ông Cơ nói - "Khi đó, thay vì đăng ký chờ xếp lượt và tập trung các hoạt động quanh sân khấu chính, các đơn vị có thể thông tin tới phía tổ chức, sau đó tự lên kế hoạch thực hiện các chương trình giao lưu, ra mắt sách hoặc các hoạt động sáng tạo như xếp sách nghệ thuật, biểu diễn phụ trợ… tại gian hàng của mình".

Lấy ví dụ về các hội sách từng tổ chức tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), ông Đỗ Kim Cơ cho biết: Theo quan sát, các gian hàng sách tại đây thường chỉ xếp dọc trục đường dẫn ra sân khấu chính. Trong trường hợp có giải pháp mở rộng không gian hội chợ ra toàn bộ công viên, mỗi đơn vị tham gia hoàn toàn có thể được giao một diện tích đủ rộng cho những hoạt động sáng tạo, tương tác quanh gian hàng của mình, qua đó mở ra một không gian hội sách sôi động trên quy mô lớn.

"Tôi biết, kinh phí tổ chức các hội sách có quy mô luôn là điều khó khăn và cần tới sự hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội hóa. Thật ra, trong xu thế phát triển hiện nay, văn hóa đọc đang chịu tác động rất lớn từ quá trình chuyển đổi số" - ông Cơ chia sẻ - "Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khá nhiều, và trong quá trình làm việc, tôi được biết họ cũng rất sẵn sàng tham gia các hội chợ sách nếu có giải pháp phù hợp. Như thế, vấn đề nằm ở cách tổ chức và kết nối, để mỗi phía đều nhận về những giá trị mình cần".

Nên có giải pháp hỗ trợ các đơn vị tham gia

Để tham gia những hội chợ sách có quy mô lớn, các đơn vị xuất bản thường phải đóng một khoản kinh phí nhất định. Theo ông Đỗ Kim Cơ, trong bối cảnh khó khăn giai đoạn hậu Covid-19, khoản kinh phí này có thể khiến các đơn vị phải tính toán thêm.

"Thông thường, mỗi lần tham gia hội chợ, các đơn vị liên kết xuất bản thường đặt câu hỏi xem nên ưu tiên mục đích nào hơn: Khẳng định và phát triển thương hiệu, hay chạy theo doanh thu? Thực tế, ngoài chi phí để tham gia, các đơn vị thường phải trả thêm các khoản khác cho các hoạt động đi lại, vận chuyển sách và đặc biệt là truyền thông" - ông Cơ cho biết - "Nếu có giải pháp thu hút tài trợ để giảm chi phí, hoặc thậm chí miễn phí tham dự, chúng tôi sẽ có điều kiện để tổ chức các hoạt động phụ trợ phong phú hơn, qua đó góp phần tạo thêm hiệu ứng cho hội sách".

(Còn tiếp)

Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm