23/10/2023 14:09 GMT+7 | Văn hoá
Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, nơi được mệnh danh là cố đô Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Vì vậy, đưa Yên Tử trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh quốc gia là một trong những định hướng phát triển lâu dài và bền vững, đang được tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí quan tâm, đầu tư.
Yên Tử từ lâu đã nổi tiếng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây gìn giữ được gần như nguyên vẹn khoảng 2.700ha rừng nguyên sinh. Đặc biệt, Yên Tử là nơi gắn bó thiên nhiên cảnh quan đặc sắc với khu Di tích tâm linh độc đáo gồm hệ thống chùa chiền, am, tháp chứa đựng giá trị quý giá về kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc của các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn.
Vì vậy, trong những năm qua, TP Uông Bí luôn xác định giá trị, tiềm năng to lớn của Di tích danh thắng Yên Tử, nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc gắn với khai thác phát triển kinh tế, nhất là du lịch bền vững. Tuy nhiên, quá trình quản lý, bảo tồn, khai thác nảy sinh các vấn đề, như việc khai thác than với bảo tồn, phát triển rừng và di tích danh thắng; bảo vệ nguyên trạng di tích với việc trùng tu, duy trì "sức sống" bền vững của di tích… Cùng với đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, ít dịch vụ giữ chân khách dài ngày, chưa có sản phẩm đặc trưng hấp dẫn.
Để giải quyết những mâu thuẫn trên, tỉnh và TP Uông Bí đã định hướng phát triển du lịch Uông Bí nói chung và Yên Tử nói riêng theo quan điểm xuyên suốt là phát triển bền vững. Theo đó, từ năm 2002, tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết cho dừng khai thác than tại một số khai trường quan trọng của Công ty than Nam Mẫu, yêu cầu hoàn nguyên và khoanh định Rừng quốc gia Yên Tử để bảo vệ. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cư dân trong vùng, không chặt cây, phá rừng và săn bắn động vật; cơ bản chấm dứt chăn thả gia súc tự do; các lâm thổ sản đặc trưng có giá trị thay vì vào rừng khai thác đã được dân nuôi trồng, phát triển theo quy hoạch, trở thành thương hiệu địa phương như: Mai vàng Yên Tử, trầu tiên, mơ lông, măng trúc... Cùng với đó, khai thác du lịch có văn hóa, tu tạo di tích có hồn cốt, gắn giá trị tinh thần của Yên Tử với xúc tiến quảng bá du lịch.
Cùng với đó, tỉnh và thành phố cũng đã ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, biết đánh giá, khai thác giá trị vô giá của Yên Tử. Điển hình là chuỗi cơ sở vật chất, dịch vụ do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư rộng gần 20 ha, như Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử 133 phòng, hội trường Diên Hồng Ballroom 700 chỗ, Am Tuệ Tĩnh chăm sóc sức khỏe; Sân quảng trường Minh Tâm và Hoa Tâm có thể đáp ứng cho hàng vạn du khách tham gia lễ hội; hệ thống cáp treo hiện đại theo công nghệ của Pháp lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng, công suất gấp gần 10 lần so với năm 2002… Bên cạnh đó, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm văn hóa dân tộc, ẩm thực địa phương để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách.
Tỉnh và TP Uông Bí còn tập trung đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, tổng thể Yên Tử với Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Trong tương lai gần, sẽ nâng cấp quốc lộ 279 và tỉnh lộ 327 để kết nối Yên Tử với Bắc Giang, Lạng Sơn; tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long... Đặc biệt, UBND tỉnh đã và đang phối hợp với UBND hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương hoàn thiện hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới, góp phần nâng tầm Khu di tích danh thắng Yên Tử, giới thiệu và thu hút đông du khách quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nghiêm Xuân Cường, cho biết: Với mục tiêu xây dựng "Uông Bí trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước", Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng, phát triển du lịch Yên Tử một cách bền vững, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của Yên Tử. Cùng với đó, thu hút đầu tư vào phát triển dịch vụ, du lịch gắn với khai thác tiềm năng nổi bật của Khu di tích và danh thắng Yên Tử; huy động các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh, nguồn ngân sách thành phố để chỉnh trang, đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên thông Yên Tử với các di tích trong và ngoài tỉnh. Thành phố cũng sẽ tăng cường tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh để thu hút dự án về dịch vụ, du lịch. Hình thành chuỗi liên kết du lịch văn hóa tâm linh giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, đặc biệt giữa các địa phương nằm trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
Bên cạnh đó, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn Khu du tích danh thắng Yên Tử, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước trong giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái Rừng Quốc gia Yên Tử. Đồng thời phối hợp tốt với Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, truyền thống văn hóa, giá trị tâm linh thiền phái Trúc Lâm Việt Nam tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử.
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử
Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.
Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).
Về địa lý, Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc, như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử…, nơi có những kiến trúc cổ truyền như hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ.
Khu vực Yên Tử có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2686ha, trong đó có 1736ha rừng tự nhiên, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng Đông Bắc, nơi còn bảo tồn được nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm... Xen kẽ với thiên nhiên là hệ thống chùa, am, tháp… Ven lối dẫn lên các chùa, am, tháp thường trồng rất nhiều tùng. Trong khu vực này hiện còn khoảng hơn 200 cây tùng đại thụ, thuộc 4 nhóm quý hiếm, được trồng cách đây khoảng 700 năm. Ngoài đường tùng cổ thụ, rừng trúc ở đây cũng nổi tiếng từ ngàn xưa... Trúc là sản phẩm độc đáo của Yên Tử, tượng trưng cho sức sống dẻo dai, vẻ đẹp thanh bạch và tao nhã của tạo hóa. Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà Trần Nhân Tông đã chọn nơi đây để tu hành và lấy tên "rừng Trúc", tức Trúc Lâm, để đặt tên cho dòng Thiền do ông sáng lập.
Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hằng năm và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.
Khu vực Yên Tử bao gồm một số địa điểm và kiến trúc Phật giáo chính như:
Chùa Bí Thượng
Chùa Bí Thượng xưa được khởi dựng từ thời Hậu Lê, trên mặt nền kiến trúc hình chữ Nhất, từng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần trong lịch sử. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1993, chùa được dựng lại trên mặt nền kiến trúc hình chữ Đinh, quay hướng Tây Nam, hệ khung bằng bê tông, tường xây gạch, mái lợp ngói Tây. Tiền đường gồm ba gian, hai chái nối với ba gian hậu cung. Hai dãy tả vu, hữu vu mỗi bên 9 gian, kiến trúc đơn giản, thờ Thập bát La Hán. Nhà tổ ở phía sau chùa chính, được dựng trên mặt nền hình chữ Nhất, gồm năm gian, mái lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi bít đốc, vì kèo nóc kiểu giá chiêng chồng rường con nhị.
Chùa Suối Tắm
Được dựng dưới chân núi, sát bên bờ suối Tắm, bố cục mặt bằng kiến trúc dạng chữ Đinh, gồm ba gian hai chái bái đường và một gian hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, có đầu đao ở bốn góc mái trang trí hình mây cuộn và rồng, trên bờ nóc trang trí hình rồng. Kiến trúc nhà tổ được bố trí trên mặt nền hình chữ Nhất, gồm ba gian hai chái, mái lợp ngói mũi hài, đầu đao bốn mái. Hai dãy Tả vu, Hữu vu mỗi bên có mái lợp ngói mũi hài, đầu đao ở bốn góc mái trang trí hoa văn mây xoắn.
Chùa Cầm Thực
Nằm về bên trái con đường vào Yên Tử. Chùa cũ được dựng từ thời Trần, bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm 6 gian, nay chỉ còn nền móng. Dựa trên những dấu tích còn lại, chùa (mới) đã được xây dựng lại vào năm 1993, gồm các hạng mục: chùa chính, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ. Chùa chính có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái, mái lợp ngói vẩy. Nhà Mẫu có bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm ba gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy.
Chùa Lân
Chùa Lân xưa được dựng từ thời Trần. Đây vốn là một ngôi chùa lớn, với những công trình đồ sộ nhưng đã bị hủy hoại theo thời gian, nay chỉ còn lại một vài dấu tích trên mặt đất. Năm 2002, Chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử) đã được xây dựng lại, gồm các hạng mục chính điện, nhà tổ, lầu trống, lầu chuông, tam quan, nhà trưng bày, nhà khách, nhà tăng, nhà ni... Chính điện được xây theo khối vuông, chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói vẩy. Nhà tổ ở phía sau chính điện, cao hơn tòa chính điện.
Chùa Giải Oan
Chùa Giải Oan xưa được dựng vào thời Trần. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1994, nhân dân công đức xây dựng lại chùa, gồm các hạng mục: chùa chính, nhà Mẫu, nhà tổ, nhà tu lễ, nhà bếp và một số công trình khác. Chùa chính được dựng trên mặt nền kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái tiền đường và một gian hậu cung. Nhà Mẫu nằm bên phải chùa chính, dựng trên mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái bái đường và một gian hậu cung. Nhà tổ nằm bên trái chùa chính, dựng trên mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm ba gian, mái lợp ngói vẩy, đầu kìm nóc đắp nổi hình rồng.
Cụm tháp Hòn Ngọc
Cụm tháp Hòn Ngọc nằm trên một gò đất khá rộng, bằng phẳng, gồm ba tháp đá và một tháp gạch. Các tháp đá được làm bằng đá gạo, một tầng, do các phiến đá được tạo mộng ghép lại với nhau. Bệ tháp làm theo kiểu thót ở giữa, giật cấp ra hai bên. Một mặt thân tháp có cửa vòm, bên trong đặt bát hương và bài vị. Mái tháp đua ra so với thân tháp, bốn diềm mái cong. Trên đỉnh tháp đặt một bình nước cam lồ.
Vườn tháp Huệ Quang (khu tháp Tổ)
Vườn tháp Huệ Quang nay chỉ còn 64 ngọn tháp và mộ, trong đó có 40 tháp mới được trùng tu năm 2002, 11 tháp đá, 13 tháp gạch, một số ngôi tháp đã bị đổ chỉ còn lại dấu tích. Tháp Tổ Trần Nhân Tông hay còn gọi là Tháp Huệ Quang mặt bằng rộng khoảng 180m2, cao 10m, với 6 tầng, được ghép từ các phiến đá xanh, đặt ở vị trí trung tâm của vườn tháp. Sân tháp hình vuông, có tường bao quanh. Nền tháp xòe rộng, hình lục lăng, mặt ngoài chạm nổi hình sóng nước. Tầng bệ tháp tạc đài sen 102 cánh, chạm nổi trang trí hoa dây. Trong lòng tầng 2 của tháp đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, cao 62cm, bằng chất liệu đá cẩm thạch, trong tư thế một nhà sư ngồi thiền định, mình khoác áo cà sa hở ngực phải, các nếp áo chảy tràn ra mặt bệ tượng.
Chùa Hoa Yên
Chùa Hoa Yên được dựng từ thời Lý và được tôn tạo nhiều lần trong lịch sử. Chùa tọa lạc trên lưng chừng núi, quay hướng Tây Nam, gồm có các hạng mục: chùa chính, nhà tổ, tả vu, hữu vu, nhà khách, nhà ni, nhà bếp và một số công trình phụ trợ khác. Chùa chính có mặt nền kiến trúc kiểu chữ Công, vì kèo kết cấu, theo thức thượng giá chiêng chồng rường, hạ bẩy. Nhà tổ có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm ba gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài kép. Hai dãy tả vu, hữu vu kiến trúc giống nhau, dạng hai tầng tám mái. Nhà khách gồm một gian, hai chái, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài.
Am Thiền Định
Am Thiền Định xưa vốn là một ngôi tháp cổ đặc biệt ở Yên Tử, đứng đơn lẻ một mình, phía sau chùa Hoa Yên. Tháp xây bằng gạch đỏ tráng men xanh, bề mặt đúc nổi nhiều hoa văn và mặt thú lạ. Am Thiền Định nay chỉ còn lại dấu vết của nền móng cũ.
Chùa Một mái
Chùa Một Mái nằm nép mình bên sườn núi cao. Một nửa chùa ẩn sâu trong hang núi, nửa còn lại phô ra bên ngoài và chỉ có một mái. Không gian trong chùa rất hẹp. Kiến trúc chùa được làm bằng gỗ, mái lợp ngói ta. Xung quanh là hệ thống ván bưng, có hai cửa sổ chấn song, được bố trí ở giữa để tạo độ thoáng cho không gian bên trong.
Am Thung, Am Dược
Am Thung và Am Dược hiện nay chỉ còn là các phế tích. Dấu vết kiến trúc còn lại cho thấy, các am này được xây bằng đá. Am Dược có mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh, gồm ba gian chính điện và một gian hậu cung. Am Thung có mặt nền kiến trúc gồm ba gian bái đường và một gian hậu cung.
Chùa Bảo Sái
Chùa Bảo Sái nằm trên sườn núi, quay hướng Tây Nam. Chùa chính có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái bái đường và một gian hậu cung. Nhà tổ có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, gồm ba gian, thấp hơn so với chùa chính khoảng 1m, mái lợp ngói vẩy.
Chùa Vân Tiêu
Chùa Vân Tiêu toạ lạc trên sườn núi. Hai bên chùa có 2 dãy núi cao, tạo thành thế tay ngai bao bọc lấy chùa. Bên phải chùa có một dòng suối. Các hạng mục kiến trúc chính của chùa gồm: chùa chính, thiêu hương, nhà tăng, nhà bếp và một số công trình phụ trợ khác. Chùa chính có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm ba gian, hai chái.
Chùa Đồng
Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, được đúc từ chất liệu đồng. Mặt bằng kiến trúc của chùa dạng chữ Nhất, kết cấu vững chắc, được đặt trên sập đồng, dạng chân quỳ, dạ cá. Dáng chùa như một bông hoa sen nở, ngự trên sập đồng. Chùa quay hướng Tây Nam, diện tích khoảng 20m2, chiều cao từ mặt nền đến mái là 3,35m. Chùa được làm thành khối vuông bốn mái, lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ giải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng.
Những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của khu di tích đã đưa Yên Tử trở thành một chốn thiêng trong đời sống tinh thần của người Việt. Để khẳng định giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết đinh số 1419/QĐ-TTg ngày 27/09/2012).
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất