Đấu giá tủ tranh sơn mài hơn 7,5 tỷ đồng của Lê Quốc Lộc

27/10/2024 09:01 GMT+7 | Văn hoá

Tại phiên đấu giá Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX của Le Auction House (Việt Nam) sẽ diễn ra từ lúc 17h ngày 2/11, một tác phẩm sơn mài của Lê Quốc Lộc có giá ước lượng cao nhất phiên, từ 200.000 đến 300.000 USD, tương đương gần 5,1 đến 7,6 tỷ đồng.

Phiên này có đến 168 lô hàng, tác phẩm Tủ gỗ sơn mài (sơn mài, 131,5 x 94,5 x 51,8 cm) của Lê Quốc Lộc (1918 - 1987) ở lô số 72. Việc họa sĩ này trở lại với nhà đấu giá và tạo được điểm nhấn là một sự bất ngờ. Nhiều dự đoán tác phẩm này có thể bán ở mức giá 400.000 USD, hơn 10 tỷ đồng.

Đấu giá tủ tranh sơn mài hơn 7,5 tỷ đồng của Lê Quốc Lộc - Ảnh 1.

Tác phẩm "Tủ gỗ sơn mài" chuẩn bị đấu giá

Dấu ấn sơn mài của Lê Quốc Lộc rất sâu đậm, qua nhiều tác phẩm bề thế ở trong nước và quốc tế, với nhiều giải thưởng lớn, sớm được thị trường ưu chuộng. Thế nhưng có điều lạ, lâu nay trong danh sách các học viên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thường không thấy nhắc tên của Lê Quốc Lộc.  

Đấu giá tủ tranh sơn mài hơn 7,5 tỷ đồng của Lê Quốc Lộc - Ảnh 2.

Họa sĩ Lê Quốc Lộc

Lê Quốc Lộc quê ở Phùng Hưng, Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, học chuyên ngành sơn mài tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 12 (1937-1942), nhưng vì tham gia quốc sự, nên đến năm 1943 ông mới tốt nghiệp. Lâu nay, trong hầu khắp các tài liệu về Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 12 dường như chỉ kể tên mỗi họa sĩ Nguyễn Văn Bình (1917-2004). Khóa 11 có Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ…; khóa 13 có Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp, Huỳnh Văn Thuận…

Trong các tài liệu về các khóa học kế cận này, cũng ít khi nhắc đến Lê Quốc Lộc, quả là một chuyện lạ và còn nhiều uẩn khúc cần tìm hiểu. Thành ra, khi xét về nguyên quán, học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tỉnh Hưng Yên chỉ có mỗi danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954), ông quê gốc ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Tô Ngọc Vân học khóa 2 (1926 - 1931), cùng với Vũ Cao Đàm (kiến trúc), Hồ Văn Lái…

Lê Quốc Lộc có 7 người con, trong đó có các họa sĩ thành danh như Lê Huy Văn, Lê Kim Mỹ, Lê Trí Dũng… Các con ông, vì tự trọng, nên cũng chỉ nhắc về việc học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của cha mình một cách chừng mực. Chính vì vậy, khoảng 5 năm trở lại, việc các nghiên cứu độc lập và thị trường mỹ thuật phục dựng lại vị trí của Lê Quốc Lộc trong Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là điều rất thú vị.  

Đấu giá tủ tranh sơn mài hơn 7,5 tỷ đồng của Lê Quốc Lộc - Ảnh 3.

Tác phẩm "Les rapides de Cho Bo" (Ghềnh Chợ Bờ)

Về thị trường, đơn cử như bức bình phong sơn mài 6 tấm Les rapides de Cho Bo (Ghềnh Chợ Bờ) của Lê Quốc Lộc từng là tiêu điểm của nhà đấu giá Aguttes hồi 3/10/2022, kết quả đấu 445.800 EUR, hơn 12,2 tỷ đồng.

Hoặc như bức Paysage de Phnom Penh (Phong cảnh Phnom Penh) từng được nhà đấu giá Millon-Asium bán tối 21/10/2021 với giá 1,21 triệu EUR (khoảng 32 tỷ đồng), trong phiên đấu giá Những tác phẩm nghệ thuật châu Á. Ban đầu tác phẩm này được ước lượng giá từ 200.000 đến 300.000 EUR, với mức khởi điểm là 150.000 EUR.

Đấu giá tủ tranh sơn mài hơn 7,5 tỷ đồng của Lê Quốc Lộc - Ảnh 4.

Tác phẩm "Paysage de Phnom Penh" (Phong cảnh Phnom Penh)

Trở lại tác phẩm Tủ gỗ sơn mài của Lê Quốc Lộc đề cập ở đầu bài. Xét về tình trạng bảo quản, có thể nói là còn khá hoàn chỉnh, các vấn đề oxy hóa ít, vì nó ở châu Âu nhiều năm, thời tiết thuận lợi. Vì sao ở châu Âu thì ít bị oxy hóa?

Theo nghiên cứu của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, "thông thường nếu tranh sơn mài vẽ bạc thì sẽ bị oxy hóa (theo tiến sĩ Nguyễn Đình Đăng là bị lưu huỳnh hóa) sau 20 năm trở lên (bằng chứng là các tranh sơn mài Mỹ thuật Đông Dương trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, phần lớn các mảng bạc đã bị đen). Chỉ có 2 ngoại lệ mà bạc vẽ sơn mài không đen là: 1) Nếu dán lá bạc nguyên - như tranh Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng của họa sĩ Nguyễn Cương từ năm 1974 (bài tốt nghiệp mà hồi đó tôi chứng kiến lúc đang làm) cho đến giờ tất cả các mảng bạc còn sáng láng; 2) Nếu tranh được sưu tập sang bên Âu-Mỹ thì do khí hậu lạnh và ít ô nhiễm, nên giữ được màu bạc tốt, kể cả bạc xay hoặc bạc rây trộn với sơn cánh gián để tả da mặt, mái nhà tranh, mái rạ, đống rơm... là thường bị oxy hóa nhất - thế mà các tranh sơn mài Việt Nam sang đó cả gần thế kỷ cũng vẫn nguyên màu".

Còn về phong cảnh này vẽ ở đâu? Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa suy đoán: "Đây là cảnh điển hình của vùng Tây Bắc Việt Nam - các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghĩa Lộ (cũ)… với núi đá cao và nhiều ruộng bậc thang. Suốt từ thời Mỹ thuật Đông Dương đến nay đã có rất nhiều người vẽ vùng này". Nhà nghiên cứu Phạm Long cũng nghĩ là gần khu Chợ Bờ của Hòa Bình.

Họa sĩ Lê Huy Văn (con trai Lê Quốc Lộc) thì cho rằng: "Bức tranh này có núi nên không phải là tỉnh Hưng Yên, dù ông cụ cũng khá gắn bó với quê nhà. Vì nó ra đời quá xa về mặt thời gian, nên tôi cũng không giám khẳng định chính xác địa danh này ở đâu. Nhưng nó giống rất nhiều phong cảnh của đồng bằng Bắc bộ mà cụ thường vẽ. Đặc điểm là những lũy tre, những thửa ruộng lúa nước và xa xa là nhấp nhô vài ngọn núi".

Việc nhà Le Auction House mang Tủ gỗ sơn mài từ châu Âu trở lại nhà đấu giá, để góp phần tái hiện một gương mặt của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập trường này - cũng là việc rất ý nghĩa.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm