Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương

13/10/2024 16:27 GMT+7 | Văn hoá

Như giá ước lượng trần, nếu bán hết, phiên đấu Les légendes de L'école des Beaux-arts d'Indochine (Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương) tối 12/10 của nhà Millon sẽ thu về hơn 1,8 triệu EURO (€), tương đương 50 tỷ đồng. Thế nhưng, kết quả 58/59 lô hàng đã được gõ búa, thu về khoảng 2,8 triệu €, tương đương hơn 76 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi còn yếu sau đại dịch Covid-19, những hoạt động có tính cách xa xỉ phẩm như đấu giá thường không quá mong đợi về thành công lớn doanh thu, mà nghiêng sang các duy trì kiểu hoạt động văn hóa, kích cầu đời sống.

Không ngoài dự đoán, các bức mà báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nêu ra ở bài trước đều làm nên "công chuyện".

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên đấu giá từ đầu cầu Hà Nội

Ở lô hàng số 5, nghĩa là khi phiên đấu mới khởi động, nhiều nhà sưu tập chưa kịp đến dự, bức Femme dans la rizière (Phụ nữ làm đồng, sơn dầu, 110 x 120 cm, 1928) của Joseph Inguimberty đã bán 102.000 €, trong khi giá ước lượng từ 60.000 € đến 80.000 €, xem như tăng giá 200% từ mức sàn.

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh 2.

Bức "Phụ nữ làm đồng" của Joseph Inguimberty

Tiêu điểm thứ nhì của phiên đấu này là bức Le don de la Mère (Quà của mẹ, lụa, 61 x 45,1 cm, trước 1945) của Lê Phổ, bán 600.000 €, hơn 16,2 tỷ đồng, trong khi giá ước lượng từ 200.000 € đến 300.000 €, xem như tăng giá 300% từ mức sàn.

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh 3.

Tiêu điểm thứ nhì của phiên đấu bán 600.000 €, hơn 16,2 tỷ đồng

Bức này hiện lưu giữ ở Los Angeles, nhưng kịch tính đấu giá lại rơi vào một gia đình sưu tập danh giá tại Hà Nội và một nhà sưu tập tại Pháp. Liên tục tăng giá để kết quả chiến thắng thuộc về gia đình sưu tập Hà Nội. Gia đình này đang có dự định xây dựng bảo tàng mỹ thuật, nên khoảng 10 năm gần đây đã tập trung mua tác phẩm theo hệ thống.

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh 4.

Kịch tính nhất phiên đấu là bức "Les baigneuses" (Tắm) của Nguyễn Tường Lân

Kịch tính nhất phiên đấu là bức Les baigneuses (Tắm, lụa, 58,5 x 46 cm, khoảng 1935) của Nguyễn Tường Lân (1906-1946), với giá ước lượng từ 30.000 € đến 40.000 €. Rượt đuổi liên tục từ mức khởi điểm thấp, với 5-6 nhà sưu tập tham gia, để cuối cùng chỉ còn gia đình sưu tập Hà Nội và nhà sưu tập tại Pháp so kè. Kết quả bán 310.000 €, xem như tăng giá hơn 1.000% từ mức sàn.

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh 5.

Trưng bày trước phiên đấu để các nhà sưu tập đến thưởng lãm

Nếu có gì đáng tiếc, là gia đình sưu tập Hà Nội đã không theo đến cùng, khi họ dừng lại ở mức giá 300.000 €. Trong khi xét về giá trị lịch sử, tính thẩm mỹ và độ quý hiếm, bức này hoàn toàn có thể được đấu ở mức 500.000 €, tương đương 14 tỷ đồng.

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh 6.

Bức "Du Xuân" của Lê Văn Xương

Bức L'Éveil du Printemps (Du Xuân, lụa, 38 x 25 cm, 1950) của Lê Văn Xương cũng là một điểm nhấn của phiên đấu, khi bán đến 21.000 €. Đây có lẽ là mức giá cao nhất cho một bức tranh của Lê Văn Xương trên sàn đấu giá quốc tế. Với đà này, trong tương lai gần, tranh của Lê Văn Xương sẽ còn tăng giá nhiều lần nữa.

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương - Ảnh 7.

Bức "Hương mùa Hạ" của Phạm Hậu

Phạm Hậu nổi tiếng bởi tranh sơn mài, nhưng cũng có giai đoạn giao lưu, học hỏi về tranh thủy mặc của Trung Hoa và Nhật Bản. Bức Parfum d'été (Hương mùa Hạ, màu nước trên giấy, 42 x 62 cm, 1948) của ông đã bán với giá 17.000 €. Nếu xét ở khía cạnh kiện toàn bộ sưu tập về Phạm Hậu, những bức như Hương mùa Hạ thì không thể thiếu.

Một bức kích thước nhỏ là Bouquet de fleurs (Lọ hoa, sơn dầu, 40 x 27cm, thập niên 1960) của Lê Phổ, nhưng đã làm nên chuyện, khi bán 62.000 €. Đây có lẽ là bức "nhỏ nhưng có võ", được các nhà sưu tập đã mau chóng nhận ra vẻ đẹp của nó, nên đấu rất khí thế.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm