15/10/2022 21:50 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Chim cánh cụt New Zealand là loài chim thuộc số ít đẻ quả trứng đầu ra chỉ để bỏ đi và ấp các quả trứng sau.
Các nhà nghiên cứu đã giải thích được lý do tại sao những con chim cánh cụt mào ở New Zealand lại luôn từ chối những quả trứng đầu tiên của chúng. Theo đó, chim cánh cụt non phải xui xẻo vô cùng để làm "con đầu lòng" của chúng.
Luôn bỏ quả trứng đầu
Những con chim cánh cụt này giao phối theo cặp một vợ một chồng, chỉ đẻ một quả trứng để bỏ nó đi và chuyển sang ấp quả trứng thứ hai đến khi nở. Đẻ trứng tốn nhiều năng lượng và vì vậy hành vi này rất bất thường ở chim, nhưng một nghiên cứu được công bố ngày 12/10 trên tạp chí PLOS One đã cung cấp cái nhìn sâu sắc mới về tập tính kỳ quái này.
Sau khi nghiên cứu sinh học sinh sản của chim cánh cụt mào dựng (Eudyptes sclateri), một loài nguy cấp được biết đến với chiếc mào đầy gai nhọn của nó, các nhà nghiên cứu từ Đại học Otago ở New Zealand đã xác định rằng chim cánh cụt bố mẹ thực ra cố tình cho quả trứng đầu vào quên lãng để đảm bảo ấp quả sau thành công, và chúng biết chắc mình không thể nuôi cả 2 con.
Một trong những loài duy nhất được biết đến thực hiện hành vi tương tự là chim cánh cụt macaroni có quan hệ họ hàng gần - Eudyptes chrysolophus sống ở Nam Cực.
Chưa hết, khi các tác giả nghiên cứu so sánh các quả trứng từ một đàn chim cánh cụt gồm 158 con, họ phát hiện ra rằng quả trứng thứ nhất và thứ hai, dù thường chỉ đẻ cách nhau 5 ngày, có kích thước khác nhau đáng kể.
"Những quả trứng thứ hai lớn hơn nhiều so với những quả trứng đầu tiên, và sự khác biệt (về kích thước) giữa hai quả là lớn nhất so với bất kỳ loài chim nào", Lloyd Davis, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư khoa học truyền thông tại Đại học Otago nói với Live Science. "Ở hầu hết các loài chim, ổ trứng nhỏ dần nếu càng được đẻ sau, nhưng trong trường hợp này, quả trứng thứ hai trung bình lớn hơn quả trứng thứ nhất 85%".
Kể từ năm 1998, Davis và nhóm của ông đã nghiên cứu về loài vật này và "hành vi kỳ lạ" của nó xung quanh việc đẻ trứng. Các nhà nghiên cứu gần đây đã dành 250 giờ quan sát chim cánh cụt và trứng của chúng "dưới mưa phùn" tại khu vực sinh sản của chim trên các đảo Bounty và Antipodes - ở Nam Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía đông nam của đất liền New Zealand.
Davis nói: "Chúng tôi nhận thấy rằng khoảng 45% chim cánh cụt thậm chí không thèm ấp quả trứng đầu tiên của chúng - chúng chỉ nhìn vào nó sau khi đẻ. Hầu hết các loài chim cánh cụt sẽ làm tổ bằng đá, gậy và cỏ, nhưng hơn 90% chim cánh cụt mào thẳng đẻ trứng trên một tảng đá không bằng phẳng và trứng có xu hướng lăn ra khỏi tổ".
Để giảm thiểu điều này, các nhà khoa học đã thiết lập một "vòng đá" xung quanh 14 chiếc tổ để ngăn trứng lăn khỏi phần nhô ra ngoài. Nhưng ngay cả điều đó cũng không khuyến khích những con chim cánh cụt nuôi dưỡng những quả trứng đầu tiên mà chúng đẻ ra.
Davis nói: "Chúng vẫn từ chối quả trứng đầu tiên".
Sự "ngoan ngoãn" khó hiểu
Ngoài việc theo dõi những con chim, các nhà khoa học cũng thu thập mẫu máu, từ đó tiết lộ một mảnh ghép khác khi chúng được phân tích trong phòng thí nghiệm.
Davis cho biết: "Thông thường, bạn sẽ mong đợi những con đực có mức testosterone cao hơn khi bắt đầu thời kỳ sinh sản, trong khi mức độ của những con cái sẽ thấp hơn, nhưng chúng tôi đã phát hiện ra điều gì đó khác biệt. Những con đực có testosterone thấp, trong khi mức độ của những con cái ít nhất cũng gọi là cao, hoặc có thể cao hơn những con đực, đặc biệt là trong quá trình chúng đẻ trứng".
Sự thay đổi testosterone này có thể giải thích một hành vi bất thường khác ở chim cánh cụt đực. Không giống như các loài khác trong vương quốc động vật, tại đó con đực trở nên hung dữ hơn đối với nhau trong thời kỳ sinh sản, con đực của chim cánh cụt mào vẫn ngoan ngoãn.
"Những con đực không thèm quan tâm", ông giải thích thêm. "Ở các loài khác, có rất nhiều cuộc chiến giữa những con đực trong một đàn. Nhưng với những con chim cánh cụt có mào, có rất nhiều con chỉ đứng xung quanh và không tham gia vào các cuộc chiến".
Trong số tất cả các loài chim cánh cụt trên hành tinh, chim cánh cụt mào dựng đứng là loài ít được nghiên cứu nhất do sự cô lập của chúng. Tuy nhiên, trong khi môi trường sống xa xôi của chúng có thể che chắn những loài chim này khỏi hoạt động của con người ở một mức độ nào đó, tương lai của chúng vẫn bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, làm tăng thêm tính cấp thiết của việc tìm hiểu thêm về những "chú chim cánh cụt bị lãng quên" này trước khi quá muộn, Davis nói.
"Người ta biết rất ít về chúng", ông nói. "Chúng là một bí ẩn".
Thạch Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất