Dấu ấn sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol

09/05/2023 09:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 10/5/2023 sẽ đánh dấu 1 năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Sau 1 năm đảm nhiệm cương vị lãnh đạo Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol đã để lại nhiều ấn tượng với người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.

Điều hành công việc nhà nước hiệu quả

Về đối nội, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đưa ra 120 nhiệm vụ quốc gia ưu tiên, trong đó "cơ cấu lại chi tiêu theo chiều sâu" và "cải cách thể chế công" là những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trọng tâm là đảm bảo sinh kế của người dân và tiến hành đổi mới mạnh mẽ nhằm duy trì động lực tăng trưởng và tìm các lĩnh vực tăng trưởng mới bền vững trong tương lai. Chính phủ xác định phương châm hành động trong giai đoạn này là: cải cách, tốc độ và nguyên tắc.

Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng thông qua khoản ngân sách bổ sung lần 2 năm 2022 trị giá gần 40.000 tỷ won (hơn 30,5 tỷ USD) để bù đắp thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra cho khoảng 3,71 triệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Để ứng phó phù hợp và linh hoạt trong bối cảnh giá năng lượng, lương thực tăng cao do xung đột Nga-Ukraine kéo dài, chính phủ đã đưa ra các gói biện pháp như cắt giảm các loại thuế, phí, hỗ trợ tài chính, giãn nợ, tăng các khoản cho vay ưu đãi để khôi phục sản xuất và khởi nghiệp, hỗ trợ chi phí vận tải, kiềm chế lạm phát. Kết quả là kinh tế Hàn Quốc trong quý II/2022 đạt tăng trưởng 2,9%, tăng 0,7% so với quý I, và đây là quý thứ 8 liên tiếp Hàn Quốc giữ được đà tăng trưởng. 

Dấu ấn sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Dù tính cả năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giảm mạnh chỉ đạt 2,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,1% trong năm 2021 do xuất khẩu suy yếu trong bối cảnh suy thoái kinh tế gia tăng bắt nguồn từ chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phục hồi dần dần vào năm 2023 và tăng ở mức 1,5%. Dẫu vậy, cơ cấu nợ quốc gia của Hàn Quốc lại được dự báo có chiều hướng xấu đi khi tăng mạnh trong năm 2023, ước tính vào khoảng 1,134 triệu tỷ won (hơn 860,3 tỷ USD), tăng thêm khoảng 66.700 tỷ won (50,6 tỷ USD) so với tài khóa 2022.

Trong lĩnh vực phát triển công nghệ, Tổng thống Yoon nhấn mạnh Hàn Quốc không những cần thay đổi cơ cấu ngành nghề mà còn phải duy trì vị thế dẫn đầu thông qua đổi mới công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã củng cố nền tảng của các ngành công nghiệp bán dẫn, vũ trụ và sinh học bằng cách nuôi dưỡng các tài năng khoa học và công nghệ. Để duy trì khoảng cách công nghệ trong ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là cốt lõi của các ngành công nghiệp tương lai và tài sản an ninh quốc gia, chính phủ Hàn Quốc đã công bố chiến lược phát triển trở thành siêu cường về chất bán dẫn.

Theo đó, Hàn Quốc tập trung đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khoảng 150.000 người. Với sự thành công của vụ phóng tàu thám hiểm Mặt Trăng Nuri, với thiết kế, sản xuất và công nghệ phóng nội địa hóa, Hàn Quốc đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp vũ trụ tập trung vào khu vực tư nhân. Hàn Quốc đã đưa ra tầm nhìn về nền kinh tế vũ trụ với tư cách là cường quốc không gian lớn thứ 7 thế giới. Với việc mở rộng đầu tư phát triển công nghệ, công nghiệp nhà máy điện hạt nhân trở thành ngành chiến lược mũi nhọn của đất nước.

Để đối phó với đại dịch COVID-19, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã nỗ lực giảm số ca mắc, giúp cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, du lịch… Sau khi tình hình lây lan dịch bệnh được kiểm soát ổn định, Hàn Quốc đã hoàn tất việc xây dựng phương hướng sửa đổi các quy định phòng COVID-19 và hạ cấp dịch theo 3 giai đoạn.

Dấu ấn sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol - Ảnh 2.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu tại cuộc họp ở Seoul ngày 4/4/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Nỗ lực ứng phó hạn hán và biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng được ghi nhận. Hồi tháng 4 vừa qua khi các địa phương miền Nam Hàn Quốc hứng chịu đồng thời cả hạn hán và lũ lụt chưa từng có trong lịch sử do hệ quả của biến đổi khí hậu, Tổng thống Yoon đã chỉ thị tích cực vận hành hồ chứa nước của 4 đập lớn được dự trữ trong thời gian qua, tập trung sửa chữa, thay thế các đường ống dẫn nước đã cũ. Ông cũng chỉ thị các cơ quan hữu trách dồn toàn lực để lên phương án đối phó khẩn cấp, tích trữ nước sông vào hồ chứa nước để đảm bảo cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, vận hành tàu khử mặn để đảm bảo nước sinh hoạt ở các vùng hải đảo. Kế hoạch trung và dài hạn đề phòng hạn hán, trong đó có đánh giá tình hình hạn hán trong quá khứ và dự đoán tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đã được thông qua ngay trong tháng.

Xử lý tốt quan hệ đối ngoại

Về đối ngoại, Chính phủ của Tổng thống Yoon đã công bố các định hướng chính sách đối ngoại mới với tầm nhìn của quốc gia quan trọng toàn cầu xứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới.

Dấu ấn sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol - Ảnh 3.

Trong khuôn khổ chuyến công du Mỹ kéo dài 6 ngày nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden ngày 26/4/2023 đã thông qua "Tuyên bố Washington", nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác song phương truyền thống và cam kết phòng thủ chung. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm chính thức Hàn Quốc ngay sau khi ông Yoon nhậm chức cho thấy phương hướng củng cố liên minh chiến lược với Mỹ vốn được ông Yoon theo đuổi từ giai đoạn tranh cử đã được phía Mỹ ủng hộ mạnh mẽ. Mối quan hệ Hàn-Mỹ đã được nâng cấp thành "liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu", theo đó, hai nước thúc đẩy liên minh quân sự, thiết lập liên minh kinh tế, khoa học và công nghệ. Hai nước cũng triển khai các kênh tham vấn để điều phối chính sách trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và chuỗi cung ứng.

Tổng thống Hàn Quốc cũng lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Madrid (Tây Ban Nha), qua đó thể hiện vị thế và sức mạnh bằng cách gia tăng vị thế trong các cơ chế khu vực và toàn cầu. Mục tiêu này thể hiện rõ qua việc Hàn Quốc đã tích cực ủng hộ Mỹ trong Khuôn khổ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), tham gia Liên minh công nghệ "Chip-4" và nhiều cơ chế đa phương khác.

Dấu ấn sau 1 năm cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol - Ảnh 4.

Tổng thống Yoon Suk-yeol (trái) và Thủ tưởng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc gặp ở Tokyo ngày 16/3/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong quan hệ Hàn-Nhật, ông Yoon cũng quyết tâm đưa quan hệ song phương quay trở lại thời kỳ tốt đẹp nhất. Mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo đã ấm lên đáng kể sau khi Hàn Quốc hồi đầu tháng 3 công bố phương án bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến thông qua một quỹ do các doanh nghiệp tư nhân nước này đóng góp, thay vì yêu cầu các công ty Nhật Bản liên quan chi trả trực tiếp. Chuyến thăm Hàn Quốc trong 2 ngày 7 và 8/5 của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đánh dấu việc nối lại toàn diện "ngoại giao con thoi" giữa lãnh đạo hai nước sau 12 năm.

Với Trung Quốc, Tổng thống Yoon chủ trương phát triển quan hệ song phương dựa trên các giá trị và chuẩn mực chung, hợp tác thực chất và tăng cường trao đổi cấp cao để đảm bảo triển khai các vấn đề đôi bên cùng quan tâm.

Về chính sách với Triều Tiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc Yoon có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với các vấn đề đối ngoại nhạy cảm và đảm bảo duy trì hòa bình ổn định thông qua cách tiếp cận hợp lý nhằm thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trước việc Triều Tiên liên tiếp khiêu khích tên lửa, Tổng thống đối phó bằng cách "tăng cường năng lực răn đe Bình Nhưỡng" dựa trên nền tảng là quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ và hợp tác an ninh Hàn-Mỹ-Nhật.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng công bố định hướng chính sách mở rộng tầm nhìn ngoại giao với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn.

Một dấu ấn đối ngoại nữa của Hàn Quốc là nước này đã đóng góp vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm lượng khí thải carbon. Với đạo luật trung hòa khí thải carbon có hiệu lực vào tháng 3/2022, Hàn Quốc đã chính thức vạch ra tầm nhìn hướng tới trung hòa khí carbon vào năm 2050 và giảm lượng khí thải nhà kính.

Dù chặng đường còn dài và sẽ còn không ít thách thức song điều hành công việc nhà nước hiệu quả và những thành tựu đối ngoại của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã được ghi dấu đậm nét sau 1 năm lãnh đạo "Xứ Kim chi".

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm