26/01/2023 09:17 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Chỉ sau bốn ngày khởi chiếu, Nhà bà Nữ của Trấn Thành đã vượt ngưỡng 100 tỷ đồng doanh thu tại rạp. Dù đạt doanh thu khủng, phim vẫn không tránh khỏi nhận về những bình luận trái chiều.
Nhà bà Nữ là một trong hai tác phẩm Việt Nam duy nhất ra rạp trong mùa phim Tết Quý Mão 2023. Ngay từ thời điểm chính thức phát hành vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, phim đã nhanh chóng vượt lên dẫn đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé và liên tục duy trì vị trí top 1 trong bốn ngày sau đó. Tính đến hết ngày 25/1, tức mùng 4 Tết, Nhà bà Nữ đã cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Phim kiếm về 116 tỷ đồng chỉ sau bốn ngày khởi chiếu (theo số liệu thống kê của Box Office Vietnam).
Với thành tích mà Nhà bà Nữ vừa đạt được, Trấn Thành đã trở thành đạo diễn điện ảnh có hai tác phẩm liên tiếp lọt vào "Câu lạc bộ doanh thu trăm tỷ" của điện ảnh Việt. Đây là bộ phim điện ảnh thứ hai mà Trấn Thành đảm nhận vai trò đạo diễn sau Bố già (2021). Bố già từng được lên kế hoạch phát hành vào dịp Tết Nguyên đán 2021 nhưng sau đó phải thay đổi kế hoạch vì ảnh hưởng của Covid-19. Phim đã phá kỷ lục của Hai Phượng (2019) và trở thành tác phẩm có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt.
Xoay quanh thành công của Bố già, từng có câu hỏi đặt ra là Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành, ai mới là người có đóng góp quan trọng hơn vào tác phẩm. Thời điểm ấy, Trấn Thành có tên tuổi và tay nghề, nhưng điểm mạnh của anh lại nằm ở mảng sân khấu cũng như web drama chiếu trên YouTube. Vũ Ngọc Đãng là đạo diễn lành nghề, nhưng đã 5 năm không có phim điện ảnh mới kể từ Khi con là nhà (2018). Năm 2022, không hẹn mà gặp, hai người đều có phim ra rạp dịp Tết. Trấn Thành có Nhà bà Nữ còn Vũ Ngọc Đãng tung Chị chị em em 2, tạo ra một cuộc cạnh tranh ngầm về cả tay nghề làm phim lẫn sức lan tỏa thể hiện qua doanh thu.
Tính đến hết ngày 25/1, hai cái tên đang chia nhau vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp doanh thu phòng vé Việt Tết Nguyên đán Quý Mão vẫn là các tác phẩm Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2. Trong đó, Nhà bà Nữ dẫn đầu với tổng doanh thu 116,8 tỷ đồng. Chị chị em em 2 hiện bị bỏ lại khá xa với chỉ khoảng 29,7 tỷ đồng. Với tình hình này, cột mốc tiếp theo mà Nhà bà Nữ hướng tới có thể sẽ là con số doanh thu 200 tỷ đồng, còn Chị chị em em 2 cần tăng tốc để hoàn thành mục tiêu hòa vốn trước khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc.
Trước thời điểm Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2 ra rạp - với tựa phim của Trấn Thành có phần nhỉnh hơn một phần nhờ danh tiếng của Bố già trong năm 2022 cũng như tiếng tăm của chính nam nghệ sĩ - cục diện đường đua phim Tết từng được dự đoán là sân khấu cho cuộc đối đầu giữa hai tác phẩm với một cú lộn ngược dòng từ ngày mùng 2 Tết. Kịch bản này đã xảy ra, khi ngoài Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2, số phận các tựa phim Tết còn lại đều đìu hiu. Xác ướp: Cuộc phiêu lưu đến London hiện là phim Tết Quý Mão có doanh thu cao thứ ba, nhưng chỉ bán được hơn 8 tỷ tiền vé. Tuy nhiên, cú lộn ngược dòng nhờ hiệu ứng truyền miệng đã không xảy ra, và cuộc chiến giữa các mỹ nhân Sài Thành đầu thế kỷ XX đã không được lòng khán giả bằng cuộc "xào xáo" trong một gia đình lao động Sài Gòn những năm 2020.
Dù kể những câu chuyện khác biệt, với các mốc thời gian cách nhau cả trăm năm, Nhà bà Nữ và Chị chị em em 2 vẫn cho thấy một sự "tư tưởng lớn gặp nhau". Cả hai tác phẩm đều nói về khát vọng của người phụ nữ. Dù là cô gái bán thân cứu mẹ sống ở những năm 1930 hay bà bán bánh canh ở thế kỷ XXI, ước vọng của họ lúc nào cũng là một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và những người thân yêu - dù điều ấy có phải đánh đổi bằng cái giá đắt đỏ tới mức nào. Và rồi trên hành trình theo đuổi mục đích ấy, họ lãng quên mất điều mình luôn mưu cầu.
Nhà bà Nữ của Trấn Thành, đúng như tên gọi, kể câu chuyện về bốn người phụ nữ trong gia đình bà Ngọc Nữ (Lê Giang) - chủ một tiệm bánh canh cua tại Sài Gòn. Bị chồng bỏ, bà Nữ ôm mối hận đàn ông, một mình nuôi lớn hai cô con gái, dành cho các con trọn vẹn niềm hy vọng vào một tương lai thành công sự nghiệp, hạnh phúc đời tư. Tuy nhiên, các con gái bà nữ lớn lên lại luôn muốn chống đối, đi ngược mong muốn, kỳ vọng của mẹ. Con gái cả (Khả Như) lấy một anh chồng (Trấn Thành) nhu nhược trái ý bà, còn cô út - người bị mẹ kèm chặt hơn cả - không chừa bất cứ cơ hội nào để phản kháng.
Với Nhà bà Nữ, Trấn Thành vẫn phát huy được thế mạnh của mình: Anh nghe thấy những ẩn ức trong lòng khán giả của mình, và biết được cách khiến chúng bùng nổ trên màn ảnh. Khán giả không nhất thiết phải yêu mến hoặc thông cảm cho các lựa chọn của nhân vật - thậm chí họ có thể khinh thường, ghét bỏ. Nhưng từ những câu chuyện ấy, họ sẽ nhìn thấy ít nhiều ánh phản chiếu các vấn đề của chính mình. Nhà bà Nữ kể về sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái, nói thay cảm giác bất lực khi những nỗ lực không bao giờ được ghi nhận hay chia sẻ nỗi tuyệt vọng khi ta thấy mình đã đâm đầu vào ngõ cụt mà không biết đã rẽ sai ở chỗ nào…
Điểm chung của các bộ phim do Trấn Thành đạo diễn là chúng luôn tràn đầy những cảnh cãi lộn to tiếng. Lấy ví dụ như Nhà bà Nữ - phim dài 102 phút, nhưng phân nửa thời lượng đã được dành cho việc nhân vật trách móc, luận tội, dằn vặt lẫn nhau. Đây có thể là một sự giải tỏa tâm lý với những khán giả vốn đã chất chứa nhiều tiêu cực trong lòng nhưng vì nhiều lý do không có được cái ngang ngược, gàn dở để tung hê mọi thứ như mẹ con nhà bà Nữ. Nhưng nó cũng là điểm trừ lớn nhất của phim, được nhắc đến trong hầu hết các bài cảm nhận, đánh giá
Đầu xuân năm mới, người ta kiêng kị những chuyện tranh cãi nặng nề, gia đình xáo xáo. Thế nhưng khi bước vào rạp xem Nhà bà Nữ, khán giả buộc phải xem cảnh mẹ chửi con, con cãi mẹ, vợ chửi chồng, mẹ chồng càm ràm con rể, chủ quán chửi khách, vợ đánh ghen, tình nhân cãi vã… với âm lượng cực đại xen lẫn những cảnh ném bát gạt đũa. Sau những màn mắng chửi giật gân ấy, phim tiếp tục đưa người xem kinh qua những màn trách cứ, dằn vặt, luận tội lẫn nhau giữa các nhân vật - mà ai cũng đồng thời kiêm nhiệm hai vai trò thủ phạm và nạn nhân.
Trước khi Nhà bà Nữ ra mắt, khán giả đã phán đoán nhân vật chính của phim sẽ là vai Phú Nhuận của Trấn Thành cũng như cuộc đời "thân trai mười hai bến nước" hết bị vợ chửi lại đến mẹ vợ chửi. Nhưng hóa ra bộ phim lại được kể từ góc nhìn của cô con gái út (Uyển Ân). Rồi khi phim kết thúc, ngẫm lại, khán giả lại không tránh khỏi cái giật mình ngỡ ngàng "Hình như nữ chính phim này phải là nhân vật Ngọc Nữ". Nhưng dù nhân vật chính của phim có là cô con gái út hay người mẹ, họ vẫn không phải kiểu nhân vật dễ gây được thiện cảm với khán giả.
Bà Ngọc Nữ, ngay từ đầu, đã là một phụ nữ cay nghiệt. Bà hận chồng phụ bạc, ghét lây cả anh con rể, rồi thù ghét cả bạn bè của con út. Để mô tả nhân vật này, chỉ có thể nói là bàn ngang ngược còn hơn con cua trong tô bánh canh vẫn bán hàng ngày. Trong phim, khoảnh khắc gây tranh cãi nhất của bà Nữ chính là cảnh bà xông đến hành hung bạn trai của con gái út (Song Luân) vì anh này khiến con gái bà mang bầu. Thói cay nghiệt của bà Nữ từng hủy hoại cuộc hôn nhân của bà, và giờ đây, thói cay nghiệt ấy cũng đang trực tiếp hủy hoại hạnh phúc của các con gái bà - những người dù ít dù nhiều cũng đều được thừa hưởng tính cách ấy từ mẹ.
Cô con gái út của bà Nữ lúc nào cũng ra mặt cưỡng lại sự sắp đặt của mẹ. Nhưng rõ ràng so với người chị gái (Khả Như), cô mới là người giống mẹ hơn cả, với quá nhiều điểm trừ trong tính cách. Cô con út là kiểu nhân vật được mẹ bao bọc, bị mẹ kiểm soát từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Cô không hiểu rõ mình là ai không chắc chắn mình muốn gì ngoài ý tưởng về "tự do" - tự do yêu người mình muốn, làm việc mình thích - mà không mảy may biết rằng đi cùng với sự toàn quyền tự quyết ấy là biết bao trách nhiệm. Cô hành xử tùy tiện, ích kỷ, ngang ngược, và đã có lúc trở thành bản sao kém chất lượng của mẹ mình. Kết quả, người dẫn truyện của Nhà Bà Nữ lại là nhân vật ít uy tín nhất, ít tạo thiện cảm với khán giả nhất.
Tất nhiên, ta hiểu Trấn Thành đang chủ tâm vẽ nên một cái vòng luẩn quẩn của bi kịch: càng muốn tránh cho người ta yêu bị tổn thương ta lại càng vô tình làm tổn thương họ, càng muốn thoát khỏi cái bóng của cha mẹ, con cái lại càng có xu hướng hành xử giống y như họ. Chỉ đến khi vấp ngã, nếm trải khổ đau, họ mới có thể thấu hiểu cho đối phương. Và sự thấu hiểu ươm mầm cho những thay đổi. Thế nhưng, dàn nhân vật chính quá nhiều khuyết điểm, kết hợp với một cốt truyện lúc nào cũng trong trạng thái "căng như dây đàn" đã khiến Nhà Bà Nữ như một tô bánh canh bị chan thứ nước dùng nêm quá muối, quá đường. Người xem khó lòng tập trung vào việc gạn đục khơi trong, tìm ra những giá trị tích cực của bộ phim khi liên tục bị đẩy vào giữa những cơn lên đồng kinh niên của ba mẹ con nhà bà Nữ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất