10/09/2014 15:00 GMT+7 | Phim
“Cách PR tốt nhất là để chính những người làm phim “thì thầm” với khán giả. Nhưng cốt lõi là sản phẩm phải tốt thì mới có cái để thì thầm”, đạo diễn 5S Online chia sẻ.
* Thể loại sitcom đã vào Việt Nam từ 5 - 6 năm nay nhưng cho đến bây giờ vẫn “bâng khuâng” lắm. Anh nhìn thấy tiềm năng gì khi quyết tâm đầu tư vào thể loại này?
- Sitcom xuất hiện ở Mỹ từ thập niên 90 thế niên 20 mà đến giờ vẫn thịnh vượng đấy thôi. Ở Việt Nam, sitcom sở dĩ chưa thu hút được khán giả, vì các đơn vị làm phim đánh giá thấp thể loại này, đầu tư đơn giản, làm để cốt lấy lãi. Chúng tôi thì nhìn thấy sitcom rất có tương lai ở Việt Nam, vì thế mạnh của nó là ngắn gọn, hài hước, rất phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Khi bắt tay vào dự án tôi thấy khán giả trẻ xem phim truyền hình rất ít. Khái niệm giờ vàng cũng đã thay đổi. Vì khán giả bây giờ ngoài màn hình ti-vi, còn màn hình smartphone, iPad, họ xem mọi lúc mọi nơi. Cuối năm 2013, người ta có bàn chuyện kỷ nguyên số giết dần truyền hình như thế nào. Tôi cho rằng trong mối lo, lại có điểm sáng vì giờ đây có rất nhiều cách tiếp cận khán giả, kéo họ trở lại với truyền hình. Trong đó muốn làm được thì các đơn vị phải nỗ lực làm nội dung tốt nhất có thể. Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của chất lượng nội dung.
* Nhìn sitcom rất đơn giản (cả về bối cảnh, nội dung), thực chất làm sitcom có đơn giản vậy không?
- Với hoàn cảnh ở Việt Nam, tổ chức sản xuất không hề đơn giản. Một bộ phim truyền hình 30 tập, thuê một căn nhà với giá 3 triệu một ngày có thể tập trung quay từ sáng đến tối cho hết các cảnh ở căn nhà này. Phim sitcom chỉ quay vài cảnh cũng phải thuê với giá đó. Kịch bản sitcom thì phải cập nhật làm mới liên tục, lần sau quay lại phải mất tiền thuê thêm lần nữa. Xem phim sitcom thấy quay chỗ này một tí, chỗ kia một tí, đúng là có ngày chúng tôi đánh võng tới 10 địa điểm trong thành phố, nhưng đi đến đâu cũng phải trả bằng tiền mặt hết, không có gì là cho không.
Sắp tới làm phần hai 5S Online thay vì thuê một chung cư với giá 15 triệu, tôi đã thuê một mặt sàn 600m, cải tạo thành trường quay để có điều kiện làm tốt nhất. Làm như vậy không phải vì thuận lợi cho sản xuất, mà là để đảm bảo yêu cầu nghệ thuật.
* Hiện nay rất ít đơn vị đầu tư làm sản phẩm truyền hình cho giới trẻ, tại sao vậy?
- Các nhà tài trợ quảng cáo hiện nay đang trông vào người có tiền: bà nội trợ, dân văn phòng. Nhưng thực ra nhóm đối tượng từ 13-17 tuổi, 18-24 dù chưa kiếm ra tiền, nhưng lại là người tiêu tiền và là người trả tiền trong tương lai. Cứ nhìn cách Coca-Cola tạo thói quen cho người tiêu dùng thì biết, có người dùng loại nước ngọt này tới 40 năm. Năm 2011 tôi tổ chức cho Backstreet Boys đến Việt Nam, vé toàn mấy triệu đồng mà rất nhiều bạn trẻ mua. Tôi cho rằng các nhà quảng cáo trong tương lai sẽ phải thay đổi quan điểm.
* Anh đánh giá thế nào về phong trào các bạn trẻ làm phim trên mạng?
- Tôi quá mừng vì chứng tỏ thị trường đang mạnh hơn, khán giả quan tâm tới phim ảnh nhiều hơn. Các bạn ấy cũng chính là nguồn lực cho ngành điện ảnh, truyền hình. Tôi đang cộng tác với Hưng Zino hiện đang rất nổi trên mạng với các clip Phở, tôi cũng dự định cộng tác với Toàn Shinoda, tiếc là cậu ấy đã qua đời.
Những người viết kịch bản cho 5S Online hiện nay ngoài biên kịch còn có nhà văn, nhà báo, thậm chí người bán quần áo. Tôi luôn mơ ước sân chơi sáng tạo sẽ ngày một rộng ra để chúng ta không còn quanh quẩn mãi với anh A, chị B…Sự thay đổi của thị trường, sự lớn mạnh của đội ngũ sáng tác sẽ làm cách nhìn của những người trong cuộc chơi thay đổi.
* Những bạn trẻ làm phim độc lập, phát hành trên mạng, liệu họ có muốn hòa vào dòng chính không?
- Khái niệm dòng chính chị nói đang bị xóa nhòa. Các bạn trẻ có thể coi YouTube là một đài truyền hình, vì ở đây có cả truyền hình trực tiếp, có giao lưu với bạn đọc người xem, có vô vàn công cụ để giúp các bạn ấy trở thành người cung cấp nội dung trong cộng đồng mạng. Các bạn ấy chẳng bao giờ kỳ vọng làm sản phẩm cho VTV, HTV… mà chỉ ước ao sản phẩm tiếp cận nhiều khán giả nhất. Đó là ước mơ đúng. Còn những người chỉ ao ước làm phim truyện nhựa bằng tiền của Bộ VHTT&DL là ước ao sai.
Ngày xưa ra trường về hãng phim nhà nước làm việc, tôi chỉ mong ước làm phim truyện nhựa, cho đến khi được giao thì không muốn làm nữa. Vì họ chỉ yêu cầu làm phim bình thường, tiết kiệm, không ai quan tâm nó có được chiếu hay không. Người quản lý thì chỉ muốn có dự án để múc ra chia nhau, phim bị ăn chặn ngay từ đầu vào của sản phẩm. Làm như thế này chẳng khác nào ông kinh doanh đồ ăn, chỉ muốn mua bắp cải ôi, về thêm nhiều gừng vào cho đỡ hôi. Ông làm kinh doanh mà làm theo cách đó thì bó tay rồi.
* Thế bây giờ anh ước gì?
- Tôi từng gặp một họa sĩ người Đức, sau khi làm xong một phim anh ấy đủ tiền để nghỉ ngơi trong vòng 2 năm. Trong khoảng thời gian đó anh ta tự trau dồi nâng cao kiến thức, tìm kiếm các dự án mới. Tôi cũng gặp một cô diễn viên Hàn, sau một bộ phim nhựa cô ấy kiếm được cả triệu USD, tương tự cô ấy cũng có thời gian giãn việc để nghiên cứu cho những vai diễn mới. Tôi mơ ước bao giờ thị trường của mình lớn lên, để những con người lao động nghệ thuật được trả công thích đáng, có quyền thỏa mãn với cuộc sống và sáng tạo. Tuy nhiên đây vẫn là câu chuyện con gà quả trứng quanh quẩn. Người sáng tạo cũng phải tự cố gắng, chứ không thể suốt ngày kêu chúng tôi khổ lắm, vừa ngồi trông xe, vừa viết kịch bản sao mà hay được.
Tôi thực sự mong muốn cộng đồng làm phim phát triển, những người làm phim phải tự trau dồi, cùng lớn lên thay vì dè bỉu, chê bai nhau thì mới làm ra cái tốt hơn, có giá trị cao hơn.
* Lúc mới ra trường mất bao lâu anh mới thoát khỏi “giấc mơ con đè nát cuộc đời con” đó?
- Tôi không nhớ mất bao lâu, chỉ biết là cùng với sự mở cửa của đất nước, sự lớn mạnh của thị trường, sự phát triển của công nghệ, bản thân mình cũng tự học hỏi nhiều nên dần thay đổi cách nhìn. Tôi nghĩ người nghệ sĩ làm điện ảnh cũng phải học thêm kinh doanh vì phim ảnh là sản phẩm sáng tạo tập thể, được đánh giá bằng lượng khán giả tiếp cận, doanh thu nên không thể bỏ qua yếu tố thị trường. Yếu tố nghệ thuật và kinh doanh phải được xếp ngang nhau.
Cứ vỗ ngực tôi làm phim tiền tỷ để làm gì khi phim làm xong chiếu không ai xem. Những người đó hãy đặt mình vào vai trò người sản xuất, người chỉ có duy nhất một cái nhà đem ra làm phim, lỗ là đứng đường.
* Anh học kinh doanh thế nào?
- Có thời gian tôi đi học MBA, nhưng đa phần là tự học qua anh em bạn bè với mục đích để nhìn cuộc chơi đúng hơn.
Thế giới ngày xưa kinh doanh mua vào 20, bán ra 21, 22, bây giờ mua vào 20, bán 16, lãi 5. Khi ông anh dạy tôi điều đó tôi cứ đần mặt ra không thể tin lại có kiểu kinh doanh như thế. Nhưng hãy nhìn Google đi, bạn sử dụng cả ngày, xem YouTube thoải mái mà không hề mất tiền, nhưng họ có cách thu lại khoản lợi nhuận khổng lồ trên cả hành tinh này. Đấy, chính công nghệ, kinh doanh đang tác động ngược trở lại ngành nghề sáng tạo nội dung.
* Nghe nói anh được một người anh từ thung lũng Silicon (Mỹ) tư vấn. Anh ấy là ai vậy?
- Anh Nam Đỗ là anh họ của tôi, hiện là thành viên Hội đồng quản trị, chịu trách nhiệm tư vấn định hướng phát triển, kinh doanh công ty của tôi. Anh ấy sáng lập Công ty Emotiv Systems ở Mỹ, tạo ra bộ mũ điều khiển có thể đọc được suy nghĩ, cảm xúc và biểu cảm của con người qua việc thu tín hiệu từ vỏ não. Phim Avatar trước khi công chiếu đã dùng mũ này đo hiệu ứng khán giả để sửa phim. Hiện tại Nam Đỗ lập Công ty mới SeeSpace InAir, nếu thành công trên thị trường quốc tế sẽ thay đổi cục diện quảng cáo truyền hình.
* Anh có một người cha nổi tiếng (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần), cha con anh có hỗ trợ nhau được gì không?
- Trong cuộc sống thì hai cha con rất hợp nhau nhưng trong công việc tôi chẳng bao giờ làm gì với bố. Bố tôi có thể rất giỏi trong việc kể những câu chuyện dung dị mộc mạc, người ta gọi ông là “ông Phần nông thôn” mà. Còn tôi làm những sản phẩm có nội dung khác ông quá. Từ xưa đến giờ gần như tôi chẳng biết bố làm gì, nhiều người gọi điện hỏi “bố của anh dạo này đang làm gì”, tôi chịu. Thỉnh thoảng nếu cần thì tôi hỏi ông tư vấn cho, còn lại hai bố con làm việc độc lập.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 1994, từng làm việc tại Hãng phim truyện 1. Không chỉ là một đạo diễn truyền hình thành công, anh còn là một nhà sản xuất mát tay đưa nhiều dự án game show, phim hợp tác với nước ngoài vào Việt Nam. |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất