Văn học lịch sử: Đâu là hư cấu, đâu là xuyên tạc?

08/09/2012 09:56 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - "Nhà văn giải mã lịch sử chứ không làm nô lệ của lịch sử. Biên độ của hư cấu trong sáng tác là không giới hạn, nhưng phải hư cấu để hướng đến sự thật", nhà văn Hoàng Quốc Hải nêu ý kiến về văn học lịch sử.

Hội thảo "Sáng tác văn học về đề tài lịch sử" diễn ra sáng 7/9 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội. Đây là một trong những hội thảo lớn, có chủ đề hấp dẫn của Hội trong năm nay.

Sau 50 năm mới nên coi là lịch sử

Nhiều nhà văn đi đến thống nhất về quan niệm: một đề tài, sự kiện phải trải qua ít nhất 50 năm mới nên coi là lịch sử. Vì đó là quãng thời gian tạm đủ để người ta nhìn nhận và đánh giá thấu đáo về một sự kiện, nhân vật lịch sử.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả Hồ Quý Ly Mẫu thượng ngàn, coi đó là mốc "lịch sử gần", bên cạnh những "lịch sử xa" cách đây hàng thế kỷ, thiên niên kỷ. Nhà văn đầu thế kỷ 20 Nguyễn Triệu Luật cũng nhắc đến tiêu chí này trong lời đề dẫn cuốn tiểu thuyết Bà chúa chè. Đây là một quan niệm du nhập từ phương Tây, và đến nay vẫn thể hiện được tính đúng đắn.

Phân biệt vai trò của nhà chép sử và nhà văn viết về lịch sử, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói đầu buổi hội thảo: "Việc chép sử dừng lại ở việc ghi chép, tổng hợp các tư liệu, chi tiết lịch sử, còn nhà văn tái hiện toàn bộ con đường, ý chí, khát vọng của con người dẫn đến sự kiện, giai đoạn lịch sử đó. Văn học dựng nên nhân cách và tinh thần con người làm nên lịch sử. Nếu không làm được điều đó thì nhà văn kém cỏi và vụng về".

Theo tiêu chuẩn đó, đề tài biển Đông, như nhiều người nhắc đến trong hội thảo nhưng chưa đào sâu, rõ ràng là đề tài lịch sử, không những thế còn là một đề tài lớn, cực kỳ bao quát bởi nó trải dài suốt từ thời cận đại đến hiện đại và hiện nay vẫn còn nóng hổi. Việc thiếu các tác phẩm văn học viết đích đáng về đề tài biển Đông cũng là vấn đề đáng quan tâm.


Toàn cảnh hội thảo sáng 7/9. Ảnh: Hạ Huyền.

Có đất cho người trẻ?

Khi được hỏi câu này, cả hai nhà văn lão làng về tiểu thuyết lịch sử là Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải đều khẳng định ngay: "Có chứ". Lớp nhà văn đi trước tỏ ra rất tin ở lớp trẻ, nhưng mọi việc xem ra không đơn giản.

Bởi viết tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi nhiều thời gian. "Nhà văn phải làm việc như một nhà khoa học, như một học giả. Phải đọc rất nhiều, nghiên cứu thật kỹ lưỡng về đề tài mình viết. Phải về thăm các di tích, tìm lại những dư ảnh của thời đã qua, hỏi chuyện ông bà, cha mẹ, những người đi trước", nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nói. Công việc của nhà viết tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi nhiều thời gian, mà với thời gian thì trẻ cũng thành già.

Trong hội thảo, các cây bút như Lưu Sơn Minh (38 tuổi) hay thậm chí Sương Nguyệt Minh (54 tuổi) vẫn được các nhà văn lớn tuổi hơn giới thiệu như là "những gương mặt trẻ" trong sáng tác mảng đề tài lịch sử.

Vậy, trong việc sáng tác văn học lịch sử, hoặc có thể nói là không có đất cho người trẻ, hoặc phải xem lại khái niệm "trẻ". "35 tuổi vẫn được coi là trẻ", nhà văn Hoàng Quốc Hải khẳng định. "Người ta có thể xác định sẽ theo con đường này từ trước tuổi 20, bắt tay vào nghiên cứu, ít ra là sau 10-15 năm tích lũy là có thể viết được".

Hu cấu để hướng đến sự thật

Trong hội thảo, xảy ra sự va chạm giữa hai khái niệm về "hư cấu" và "xuyên tạc" của nhà văn khi sáng tác về đề tài lịch sử. Đến đây phải nhắc lại lời nhà văn Hoàng Quốc Hải khẳng định: "Biên độ của hư cấu trong sáng tác là không giới hạn".

Sau đó, có ý kiến của nhà văn Lưu Sơn Minh đặt câu hỏi: "Quyền hư cấu hay quyền hư vô?" và khẳng định, anh đặt bút viết vì sự nghi ngờ đến ám ảnh với những câu chuyện lịch sử mà theo anh là "không công bằng". "Người ta đã biến Nguyễn Bặc, Đinh Điền trở thành kẻ bán nước để tôn vinh Dương Vân Nga. Hay bà Thái hậu Thượng Dương hiền lành bị biến thành một phụ nữ lăng loàn để hình ảnh bà Ỷ Lan thêm đẹp.

Lịch sử không phải là con rùa để hết người này đến người kia lật ngửa để thể hiện bản lĩnh hay cá tính của mình", nhà văn Lưu Sơn Minh nói.

Nhưng, cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác, văn học dựa trên hư cấu nhưng để nói lên sự thật. "Hư cấu để đạt tới giá trị chân thực của cuộc sống, còn xuyên tạc là áp đặt cho lịch sử cái mà nó không có. Phải phân biệt giữa hai khái niệm đó", ông nói tiếp.

Chẳng hạn, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửaPhẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp từ khi ra đời đến nay vẫn gây tranh cãi về độ chân thực lịch sử và sáng tạo của nhà văn. Nhưng theo nhà phê bình Phong Lê, có tranh luận mãi thì các ý khen chê vẫn thế. Ông tổng kết một câu: "Trước hết không phải là xét đúng sai, mà là tâm thế của con người trước thịnh suy đất nước".

Mi Ly



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm