05/02/2024 07:17 GMT+7 | Văn hoá
"Qua ngũ thập, bỗng thèm về thơ bé/ Nơi xa xôi, luôn hướng về Đất Mẹ/ Chợt thấy mình đang trẻ/ Trong khát vọng vượt đại dương vì Tổ quốc hùng cường!". Những câu thơ trong bài "Tình Việt" đó của Bùi Văn Nghị đã thôi thúc tôi gặp ông, một nhà thơ và cũng là một Đại sứ.
Năm 2024 là năm quan trọng trong ngoại giao của Việt Nam với Brazil, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ. Cuộc trò chuyện với Đại sứ Bùi Văn Nghị - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Brazil (kiêm nhiệm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Peru, Guyana, Bolivia, Suriname) - do đó tập trung vào chủ đề mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Việt Nam và Brazil.
Mở đầu câu chuyện, Đại sứ Bùi Văn Nghị cho biết:
- Brazil sở hữu 7.500 km bờ biển, cảng lớn nhất là Santos ở Sao Paulo, kinh tế cảng biển đóng góp 90% thương mại đất nước, mới có thêm tổ hợp cảng biển 1.800ha Porto Central. Việt Nam phát triển kinh tế biển không nên ngại xa khi ngày nay, hậu cần (logistics) đang phát triển mạnh. Là đối tác toàn diện với Việt Nam từ 2007, Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latin, thứ nhì châu Mỹ (sau Hoa Kỳ), chúng ta sẽ thúc đẩy đàm phán thương mại giữa Việt Nam với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Ta vẫn nhập đường, thịt bò, gỗ, bông, quặng, khoáng sản, máy móc xây dựng, máy bay thân hẹp, da thuộc... Ta xuất sang: điện thoại và linh kiện, phụ tùng, thủy sản, túi xách, da giày, sứ, nông sản, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ... Thương vụ Việt Nam tại Brazil đang làm việc với các đối tác tại Santa Cruz (lớn nhất Bolivia) để thúc đẩy xuất khẩu và chú ý tới thị trường Peru.
Ngay trên hành trình trở lại Brasilia, trong lúc chờ máy bay ở sân bay Sao Paulo (cửa ngõ thương mại lớn nhất Nam Mỹ), tôi đã tranh thủ gặp trao đổi với tham tán thương mại Ngô Xuân Tỵ thường trú tại đây (Sao Paulo). Hiện cảng Cát Lái (TP.HCM) thông hải trình qua cảng Santos và có 6 cảng biển Brazil hợp tác với Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tại Nam Mỹ; nhưng tâm lý sợ xa và không muốn chinh phục đất mới đang là hạn chế.
* Được biết Đại sứ luôn cố gắng làm việc cật lực không dừng nghỉ kể từ khi bay sang nhậm chức ngày 16/11/2023 tại Brasilia. Điều gì khiến ông phải áp lực bản thân cao như thế?
- Tôi luôn thấy ít thời gian trong khi nhiều việc cần làm, muốn làm. Tôi thích câu: Yêu nước là làm thật tốt công việc của mình. Tôi muốn làm xuất sắc và tự đòi hỏi cao ở chức trách của mình. Tôi không cho là mình "có tuổi rồi" khi đang ở tuổi 54, mà là người đàn ông mang nhuệ khí "chàng trai 7X".
Tôi có khát vọng là trong nhiệm kỳ của mình, sự giao thương giữa hai nước sẽ mạnh mẽ, nhất là sự phổ biến của nông sản Việt Nam. Hợp tác thương mại là thế mạnh của tôi, song tôi rất đề cao dấu ấn văn hóa Việt Nam tại Nam Mỹ.
* Và bằng tâm huyết ấy, ông đã làm tiếp thị (marketing) cho nông sản, công nghiệp Việt Nam, bằng mọi kênh?
- Đúng vậy. Dù không dễ dàng có nguồn đặc sản mang sang Brazil, tôi vẫn cố gắng lan tỏa hàng Việt Nam tới chính khách, doanh nhân, bạn bè Brazil và quốc tế. Tôi mang tranh thêu tặng các quan chức nước bạn, quà nông sản thì ai cũng thích nhưng phải dè sẻn. Giá các tập đoàn, doanh nghiệp nước ta mạnh dạn hơn thì đã không để thiếu vắng hàng Việt Nam như hiện nay.
Tôi xúc tiến tấp nập các cuộc gặp. Chiều 18/11/2023, Tổng thư ký Hội nghị Brazil - Việt Nam (ABRAVIET), hạ nghị sĩ Pedro da Oliveira đến thăm tôi, ông là bạn tốt của tôi. Ông đã chuyển từ Sao Paulo đến Brasilia để hỗ trợ tôi nhiệm kỳ này. Pedro nhiệt tình và làm đầu mối có hiệu quả để kết nối tới các nghị viên Thượng viện, các hiệp hội, chuyên gia đầu ngành...
* Tiếp nối câu chuyện nông sản, gạo, trái cây hay đồ ăn là phong vị Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam, cũng là chỉ dấu cho thương hiệu thu hút du lịch và sức hút cho đất nước. Món ăn cũng là ký ức, lịch sử mỗi đời người. Ông vẫn ăn cơm Việt Nam hằng ngày, thì mạch nối tình quê hẳn là sâu nặng?
- Thường xuyên được mời và có cơ hội thưởng thức ẩm thực nhiều quốc gia, dễ thích nghi, ưa khám phá, tôi vẫn yêu nhất món ăn Việt Nam. Tôi rất nhớ mẹ.
Mẹ tôi Phạm Thị Bồng (1940 - 2023) ra đi ở tuổi 84 vào ngày 12/11/2023. Lo mai táng mẹ chu toàn thì ngày 15/11/2023, tôi bay đi làm nhiệm vụ, không lùi ngày. Lên máy bay, ngồi hành trình 26 giờ, khi ấy mới rơi nước mắt.
Quê nhà Quảng Lãm, xã Hán Quảng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bên sông Đuống là nơi tôi sinh ra, lớn lên, có em gái ruột Kim Ngân đang sống tại ngôi nhà cũ, thay tôi hương khói bố mẹ, ông bà.
Tôi mang hồn quê trong nỗi nhớ trở về. Một lần thèm canh cua quá, tôi bèn bảo lái xe chở tôi ra các cánh đồng ngoại ô Brasilia. Mặc quần soóc, áo may ô, đi dép nhựa tổ ong để quyết... mò cua, thấy ruộng là chân trần lội xuống.
Thiếu niên, tôi nhiều lần mò cua, bắt ếch rồi. Tôi nhớ làng gốm Phù Lãng quê tôi, làm các loại đồ gốm sành, chủ yếu để chứa như ang, chum, vại, lọ, hũ và cả tiểu sành. Đất để sinh sôi và đất cũng là chuyến nâu cuối của kiếp đời. Nên tôi quý từng ngày, sống là phải cống hiến.
Không mò được cua, đành lấy tôm giã ra mà cho gia vị riêu cua "lừa vị giác". Tôi thích phở bò, gà, ăn sáng 365 ngày phở không chán; thích tái chín, tái nạm. Ở Brasilia, không có nhà hàng Việt Nam. Brazil thịt bò nhiều, rẻ mà Brasilia không có nổi quán phở bò, quá tiếc. Qua đây, tôi rất khuyến khích những tín đồ ẩm thực hãy sang kinh doanh nhà hàng Việt Nam tại Brazil.
Thỉnh thoảng, sau khi trao đổi công việc, tôi thích kéo bạn già - hạ nghị sĩ Pedro - đi uống bia. Trưa 4/1/2024, chúng tôi ăn trưa ở nhà hàng thủy sản Peixe na Rede, đồ ăn thường là salad, khoai nghiền, uống nước cam thôi vì chiều còn làm việc. Tối 6/1/2024, tìm được nhà máy cho Vinfast thì ô tô của Pedro hỏng. Đưa vào garage chưa 2 tiếng không xong, bạn gọi taxi đến đón tôi...
* Tình bạn đẹp giữa ông và hạ nghị sĩ Pedro là minh chứng sống động sự gắn bó của hai quốc gia. Pedro quả là yêu Việt Nam và quý mến ông…
- Sau khi tháp tùng Bộ trưởng Bộ KHCN và Đổi mới L.Santos, Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil, sang thăm Việt Nam, Pedro ở thêm 1 tuần. Chiều 7/12/2023, ông đến Trường Ngoại ngữ - Xã hội Nhân văn thuộc Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) để kết nối Duy Tân với các đại học ở Brazil và tiến tới mở khoa tiếng Bồ Đào Nha tại đây.
Trở về Brazil là Pedro tới gặp tôi ngay. Con người 76 tuổi này luôn năng động, nhiệt thành.
Tôi mang các đồ làm nem, cả hành phi, muối vừng, ruốc thịt lợn sang chia quà cho Pedro. Ông đã dùng bữa cơm Tất niên trưa 31/12/2023 với tôi.
Pedro đến Việt Nam lần đầu năm 2008. Lần 2 là năm 2022, khi nhận giải Nhất loại hình sách, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX, vào tối 5/11/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với cuốn Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp vị lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam mà NXB Anita Garibaldi tái bản nay đã 3 lần. Quan tâm tới Việt Nam từ 1968, Pedro say sưa nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là một trong những người sáng lập Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam (ABRAVIET) và đang là Tổng thư ký.
* Đại sứ có bài thơ "Tình Việt" với đoạn cuối thật xúc động: "Hơn 2 vạn km đường không đường biển/ Tình tự dân tộc bằng lòng ái quốc thiêng liêng/ Đón giao thừa cùng giờ Việt Nam/ (Không phải theo giờ Brazil, sau 10 tiếng)/ Chảy xiết dòng nhớ trào lên/ Sông Đuống Quế Võ Bắc Ninh/ Sông Hồng Long Biên Hà Nội/ Việt Nam của tôi/ Giáp Thìn, Tết đầu vắng Mẹ.../ Qua ngũ thập, bỗng thèm về thơ bé/ Nơi xa xôi, luôn hướng về Đất Mẹ/ Chợt thấy mình đang trẻ/ Trong khát vọng vượt đại dương vì Tổ quốc hùng cường!"…
- Brazil sau Việt Nam 10 tiếng nên đón giao thừa sau. Tôi thức đón 0h năm 2024, chụp ảnh, quay clip pháo hoa rợp Brasilia. Và nao lòng ngước lên bán cầu phía trên, nhìn hướng Bắc.
Hai nửa vòng Trái đất cách xa. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn về phía trên nửa địa cầu như "tìm" những gì thân thương nhất. Tôi ở nửa quả địa cầu phía dưới và nửa phía Nam bán cầu.
* Trân trọng cảm ơn Đại sứ và chúc ông một năm thắng lợi!
Bài thơ "Khứ hồi"
Mẹ Đại sứ Bùi Văn Nghị là cụ Phạm Thị Bồng (1940 - 2023) ra đi ở tuổi 84 vào ngày 12/11/2023. Lo mai táng mẹ chu toàn thì ngày 15/11/2023, Đại sứ bay đi làm nhiệm vụ, không lùi ngày. Lên máy bay, ngồi hành trình 26 tiếng, khi ấy, Đại sứ mới rơi nước mắt. Sau đây là bài thơ Khứ hồi của ông:
Mẹ an nghỉ được hai ngày con đã phải đi
Hai nửa vòng trái đất, con không lùi nhiệm vụ
Một tháng sau lại được về Hà Nội
Đúng Giáng sinh con về với mẹ rồi
Không bao giờ chia lìa
Cha mẹ vươn tay ôm con, từ đất lạnh
Khói hương trầm thơm, nước mắt đầy
Kéo cả mây bay qua núi Dạm
Tiếng gà gáy vang bốn huyện
Sông Đuống chảy trong con đưa tuổi thơ trở lại
Phù Lãng nung bao mẻ khóc cười
Gốm vỡ rồi ráp nối những mảnh đời
Những kỷ niệm đan xen chơi vơi
Cuối năm dương lịch con về bên mẹ cha
Cuối năm nguyệt lịch, con tít xa Nam Mỹ
Dặm nhớ đưa con khứ hồi Quế Võ
Đền Bà Tấm vọng âm cổ tích
Ngòi Con Tên từ đỉnh núi ra sông
Con thấy con thung thăng hương lúa, sen mùi mồ hôi mẹ
Con thấy con đang ở ngày thơ bé
Trong buổi trưa Noel tắm nắng cánh đồng
Đất làng người làng không lụy sắc - không
Đất nuôi ta bao dung vô hạn
Rồi con sẽ lại về, tháng Năm sinh nhật
Để được khứ hồi bỏ quên tuổi, thời gian!
Bùi Văn Nghị
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất