Ghế chủ tịch VFF: Lâu năm lên lão làng?

24/04/2013 20:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải đợi đến sau rất nhiều những sự rút lui, bộ đôi đương kim phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Phạm Văn Tuấn và Lê Hùng Dũng mới trở thành những ứng viên hàng đầu ngồi chiếc ghế chủ tịch. Người ta đồ rằng, đã có cả một chiến dịch vận động tranh cử suốt thời gian dài qua. Nhưng…

Khi ứng viên chủ tịch chỉ thích hợp làm phó

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, SJC và là đương kim phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính các khóa V và VI. Kể từ khóa đầu tiên (sau đại hội vào tháng 8/1989) đến nay, với ngay cả thời điểm ông thứ trưởng Bộ bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực từng ngồi chiếc ghế chủ tịch VFF (khóa IV), vẫn không một “đế chế” nào kiếm tiền giỏi hơn các khóa V và VI, khi ông Lê Hùng Dũng ngồi ghế phó chủ tịch phụ trách tài chính. Rất nhiều các gói tài trợ được ông Dũng kéo về cho VFF, các giải đấu quốc nội, cũng như các đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, điểm mạnh của ông Dũng lại được xem là… điểm yếu của chính ông, trong cuộc đua tới chiếc ghế chủ tịch. Lý là bởi, người ta không cần tìm một ông chủ VFF, chỉ để kiếm tiền hay vận động tài trợ, mà vai trò này thích hợp với một vị phó hơn, vị trí mà ông Dũng đã và đang nắm giữ.


Cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF chỉ còn hai ứng cử viên sáng giá Lê Hùng Dũng và Phạm Văn Tuấn. Ảnh: Kim Ngọc

Theo tiêu chí chung, chủ tịch VFF phải là người có uy tín xã hội cao, tất nhiên song song đó là các mối quan hệ rộng và một bộ não xử lý các vấn đề liên quan đến bóng đá, cũng như việc chấp bút cho một chiến lược phát triển dài hơi, khả thi.Ông Dũng chỉ thích hợp làm phó tướng, vậy ứng viên còn lại, ông Phạm Văn Tuấn thì sao?

Ông Tuấn được giới thiệu là dân trong nghề, với cả bụng về bóng đá, lại là người của tổng cục, đơn vị quản lý nhà nước theo ngành dọc, hẳn nhiên là hợp. Nhưng ngay cả khái niệm am tường về bóng đá cũng khá trừu tượng, và Việt Nam, đâu chỉ có mỗi ông Tuấn hiểu biết về bóng đá? Ngoài ra, cũng cần phải có thời gian kiểm chứng bằng hành động cụ thể, xem uy tín và các mối quan hệ xã hội của ông Tuấn giúp được gì và bao nhiêu cho nền bóng đá.

Vài tháng trước đại hội nhiệm kỳ VII (tháng 6/2013), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, ông Phạm Văn Tuấn, bất ngờ được giới thiệu vào chức danh phó chủ tịch VFF. Giới thạo tin cho rằng, đây là một bước đệm để cựu giám đốc Sở Thể dục thể thao Gia Lai (cũ) tiến tới chiếc ghế chủ tịch VFF. Suy luận này không phải không có cơ sở, khi cũng bằng sự điều chuyển, giới thiệu theo ngành dọc, năm 2005, ông Nguyễn Trọng Hỷ đã giành chiến thắng trước một ứng viên nặng ký khác là Dương Nghiệp Chí, nguyên viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao, để rồi trụ lại suốt hai nhiệm kỳ.

Vận động hành lang sẽ quyết định?

Ông Phạm Văn Tuấn vẫn ngại đề cập đến cuộc đua và rằng, mình là người của tổ chức (ý nói Tổng cục TDTT và cao hơn là Bộ VH-TT&DL), nên chịu sự phân công của tổ chức! Ngoài sự “chống lưng” của Tổng cục, ông Tuấn cũng có những điểm mạnh khác. Suốt thời gian dài gắn bó với thể thao, với bóng đá từ năm 1975, lợi thế của ông trong cuộc chạy đua là mối quan hệ với các sở phụ trách thể thao cũng như các liên đoàn bóng đá ở địa phương, hai trong số những đơn vị sở hữu phần lớn phiếu bầu trong Ban chấp hành VFF.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các cuộc bầu bán trước đây, ông Dương Nghiệp Chí cho rằng, cuộc vận động hành lang sẽ mang tính quyết định. Ông Phạm Văn Tuấn được xem là người đi đầu trong việc kết hôn bóng đá với doanh nghiệp với sự ra đời của Hoàng Anh Gia Lai, nhưng ở tầm vĩ mô, ông chưa có sáng kiến hay đóng góp thực sự lớn nào cho nền bóng đá. Trong khi từ bao năm qua, ông Lê Hùng Dũng, đã đem về rất nhiều “gói” cho VFF. Mới đây nhất là vụ “áp-phe” Arsenal đến Việt Nam vào trung tuần tháng 7 tới.

Cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế và vấn đề lạm phát, bóng đá Việt Nam đang ở trong giai đoạn rất khó khăn. Chức vô địch AFF Cup năm 2008 chỉ có thể chấn hưng tạm về mặt thời tâm lý, chứ không đủ để giúp bóng đá Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Và bằng chừng là mọi cấp độ đội tuyển quốc gia đều lụn bại tại hầu hết các giải đấu quốc tế sau đó, còn các giải đấu quốc nội đã “sổ mũi”, khi những ông bầu chỉ mới “hắt hơi”. V-League và giải hạng Nhất 2013 tưởng chừng như đã bị hoãn vì vấn đề tài chính.

Những thời điểm khó khăn nhất, thì ông Dũng xuất hiện, mà gói tài trợ nhiều chục tỷ đồng của Eximbank với V-League là một ví dụ. Triết học đã chỉ ra rằng, vật chất quyết định ý thức. Khó để tổ chức một cuộc bầu cử công khai cho chiếc ghế chủ tịch VFF, như nguyện vọng của ông Lê Hùng Dũng, bởi VFF vốn dĩ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, thuộc quản lý của Bộ VH-TT&DL, theo ngành dọc. Cộng thêm tiếng nói của lịch sử, khi hiếm một vị lãnh đạo chủ chốt nào của VFF từng thành công khi đá quá nhiều sân, ông Tuấn đâm ra lại có lợi! 

Tất nhiên, cuộc đua thế nào, hạ hồi phân giải!

8 đề cử, 5 rút tên

Trong 45 nhân vật được giới thiệu đề cử vào ban chấp hành, có 8 người được đề cử cho chức danh chủ tịch VFF khóa VII, bao gồm ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng Ban Nội chính trung ương), ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Đồng Tâm Long An), ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch Tập đoàn T&T), ông Lê Hùng Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, SJC), ông Hoàng Anh Xuân (Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel), ông Phạm Văn Tuấn (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao), ông Lê Quý Phượng (Hiệu trưởng Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) và ông Lê Khánh Hải (thứ trưởng Bộ VH-TT&DL). Tuy nhiên, các ông Nguyễn Bá Thanh, Võ Quốc Thắng, Đỗ Quang Hiển, Hoàng Anh Xuân và Lê Quý Phượng đã rút tên, ngay sau khi bản danh sách ứng viên được công bố.

Ứng cử viên Lê Hùng Dũng

Sinh năm 1954 tại An Giang. Trình độ học vấn : Cử nhân. Trong suốt quá trình công tác, ông Dũng từng nắm những chức vụ quan trọng tại Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) Ngân hàng Eximbank. Từ đại hội ban chấp hành VFF khóa V (2005 - 2009) và khóa VI (2009 - 2013), ông Lê Hùng Dũng tham gia và được bầu vào vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính.

Ứng cử viên Phạm Văn Tuấn

Sinh năm 1958 tại Gia Lai. Trình độ học vấn : Thạc sĩ. Từng là cầu thủ Gia Lai, đá giải Trường Sơn dành cho các đội miền Trung và Tây Nguyên, trước khi làm cán bộ sở, rồi giám đốc Sở Thể dục thể thao Gia Lai (cũ). Cách đây vài năm, ông Tuấn được tiến cử ra Tổng cục Thể dục thể thao giữ chức phó tổng cục trưởng và tháng 10/2012, tại đại hội VFF khóa VI, ông Tuấn được giới thiệu và trúng cử chức phó chủ tịch VFF.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm