19/09/2011 12:10 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - Ông Lê Tiến Anh cho biết, ngay sau khi nhận được lời mời của BTC Hội thảo “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam”, ông đã lập tức đồng ý dù công việc đang bề bộn. Tuy thế, tại Hội thảo ông vẫn chưa bộc bạch hết những tâm tư của mình. TT&VH tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc những suy nghĩ của ông Tiến Anh.
TIÊU CHÍ CHỌN LÃNH ĐẠO VFF CẦN KHẮT KHE HƠN
Ông Lê Tiến Anh cho rằng bóng đá Việt Nam cần có những sự thay đổi
từ tận gốc rễ để có thể phát triển hơn nữa. Ảnh: Quang Nhựt
* Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn từng trả lời báo TT&VH rằng bóng đá Việt Nam cần những người dám “tử vì đạo” để cho bóng đá Việt Nam phát triển hơn. Ông nghĩ sao?
- Nói “tử vì đạo“ thì có vẻ tín đồ quá, nhưng tôi khẳng định những người làm bóng đá hiện nay đa số là những người đam mê bóng đá, có tình yêu và trách nhiệm với bóng đá Việt Nam trước Tổ quốc và người hâm mộ. Lợi ích của bóng đá đem lại hầu như không có so với tiền bạc và công sức họ phải bỏ ra.
Tôi đánh giá cao những gì mà bầu Tuấn, bầu Long cùng HP.HN làm cho bóng đá. Họ âm thầm đầu tư bài bản cho cả hệ thống bóng đá trẻ đến đội một. Họ có tiềm lực mạnh về tài chính nhưng không ồn ào, phô trương để đạt thành tích nhất thời, đẩy giá chuyển nhượng vô lối.
Việc HP.HN bỏ bóng đá là sự mất mát lớn cho sự phát triển bóng đá Việt Nam thời điểm này. Đồng thời tạo ra tác động tâm lý không nhỏ đến các doanh nghiệp làm bóng đá nghiêm túc như chúng tôi.
Tôi nghĩ VFF cần có cái nhìn sâu sắc hơn về sự cố này. Phải tìm bản chất và nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ đâu? Đấy mới là điều quan trọng. Vì tôi biết chắc chắn rằng số tiền làm bóng đá hàng năm của HP.HN cũng chỉ là số lẻ của lợi nhuận họ làm ra. Họ bỏ bóng đá không phải vì tài chính eo hẹp hay vì không đam mê bóng đá, mà là vì VFF chưa tạo được niềm tin nơi họ.
* Ông có nghĩ rằng, nếu bóng đá Việt Nam muốn sạch, thì BTC giải và VFF phải sạch? Bóng đá Việt Nam muốn mạnh thì VFF phải mạnh? Ông có nghĩ tổ chức xã hội này vẫn chưa bắt kịp với sự tiến bộ của bóng đá chuyên nghiệp và sự phát triển của xã hội?
- Tôi nghĩ không chỉ riêng bóng đá, mọi lĩnh vực hoạt động muốn phát triển đều phải lành mạnh, minh bạch và công bằng có tính dân chủ của cả hệ thống từ người đứng đầu đến các bộ phận chuyên môn và các thành viên.
Bóng đá Việt Nam đã lên chuyên nghiệp và đã được xã hội hoá, sân chơi bây giờ phải thuộc về các doanh nghiệp, không giống như thời bao cấp trước đây hay khi chưa lên chuyên nghiệp. Khi đó, sự quản lý điều hành còn mang tính hành chính, phong trào.
Đã đến lúc cần phải thay đổi cơ chế quản lý và điều hành như một hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thường trực VFF như HĐQT, Tổng thư ký như TGĐ, đánh giá năng lực bằng hiệu quả của sự phát triển. Môi trường bóng đá không còn là nơi để làm chính trị hay cơ cấu cho đủ ban bệ chức năng mà không tính tới hiệu quả thiết thực của nó.
Tôi nghĩ tiêu chí, điều kiện cần để chọn các vị trí lãnh đạo VFF bây giờ phải khác với trước đây, mới phù hợp với tình hình thực tế.
CƠ CHẾ QUẢN LÝ CẦN CÔNG KHAI, MINH VẠCH
* Đã có những ý kiến cho rằng, VFF đã có lúc bị bộ phận điều hành qua mặt, ông nghĩ sao?
- Thời gian qua dư luận xã hội chỉ trích nhiều đến BTC và HĐTT, tôi cũng đồng quan điểm với một số ý kiến này. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên đổ hết lỗi cho 2 bộ phận này. Xét trên nhiều góc độ, các anh của BTC và HĐTT cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng ta phải thấy những sai phạm tồn tại đã diễn ra là lỗi của cả một hệ thống mà những người làm công tác quản lý VFF đến các ông bầu của các CLB không thể chối bỏ trách nhiệm để tồn tại những ung nhọt này.
Tôi có thể nêu ra các lỗi hệ thống như: cơ chế quản lý từ VFF đến BTC giải, HĐTT đã thật sự là công khai minh bạch chưa? Những người có trách nhiệm trong VFF có thật sự không biết gì, không nắm gì diễn biến phức tạp của bóng đá đang diễn ra hay cố tình làm ngơ hoặc sợ đụng chạm, sợ mất lòng vì mối quan hệ?
Các ông “bầu” làm bóng đá có được bao nhiêu người làm bóng đá vì sự phát triển chung ? Bao nhiêu người chạy theo thành tích bằng mọi giá? Bao nhiêu người làm bóng đá không vì mục tiêu vì bóng đá?
Không giải quyết lỗi hệ thống này thì có thay BTC giải hay thành lập ban Trọng tài thì cũng không giải quyết được cốt lõi của vấn đề .
KHÁN GIẢ CHỊU ĐẾN SÂN, KHI ĐÓ MỚI LÀ BÓNG ĐÁ CHUYÊN NGHIỆP
* Rõ ràng, quan điểm làm bóng đá của K.KH đã thể hiện rất rõ từ trước: không dùng tiền đấu tiền như ông từng nói, không thỏa hiệp với yêu sách vô lối của cầu thủ dù Khánh Việt năng lực tài chính đủ sức mua cả chục đội bóng? Nhưng, thực tế là những người làm bóng đá như ông, như bầu Thắng, bầu Kiên, bầu Đức vẫn ít. Nhiều ông bầu vẫn làm bóng đá theo cách riêng của mình, góp phần làm cho bóng đá Việt Nam loạn lên. Ông nghĩ sao?
- Các doanh nghiệp làm bóng đá đều có tiềm lực tài chính, kinh doanh đa ngành. Nói về tiềm lực tài chính của các ông bầu làm bóng đá, tôi tin chắc rằng chẳng ai giàu hơn anh Kiên (HN. ACB), anh Đức (HA.GL), anh Long (HP.HN) … Có điều, những anh này có vung tiền vô lối đâu?
Thử hỏi nếu những người này cũng vung tiền ra để mua cầu thủ bất cứ giá nào, thưởng thật to để cầu thủ mới đá … thì có lẽ bóng đá Việt Nam loạn từ lâu rồi. Nhiều người than vãn cầu thủ bây giờ hư quá! Vậy ai làm hư họ?
Chính nhiều ông bầu vung tiền mà không xem xét đến mặt bằng chung của xã hội và chất lượng cầu thủ hiện nay. Rồi đây ai sẽ làm bóng đá trẻ? Tuyển 100 cháu U15 đào tạo trong 5 năm mà có được 3-5 cầu thủ đủ trình độ đá V-Luegue là thành công lớn.
Chi phí biết bao nhiêu mà kể. Vây mà khi đủ lông cánh là các CLB khác lấy mất với giá trên trời. Ai còn ham muốn đào tạo trẻ nữa? Lương cao, thưởng cao, chuyển nhượng cao nên có mấy cầu thủ nào dám hy sinh hết mình cho ĐT để giữ chân về đá cho CLB ?
Thưởng cao mới đá, thưởng cao vậy mà không tiêu cực mới lạ! Có thể các ông bầu không tiêu cực nhưng khi có thưởng cao, ai dám chắc cầu thủ không “châm chích” nhau, kể cả châm chích trọng tài? Tình trạng này cũng không thể đổ lỗi hết cho doanh nghiệp làm bóng đá.
Vai trò của VFF hết sức mờ nhạt khi họ chính là quản lý và tổ chức sân chơi. Họ có quyền ra quyết định, ra quy chế buộc các CLB phải thực hiện nhưng họ không làm. Tôi không phản đối chuyện các CLB vung tiền, họ có quyền của họ, đây là sân chơi tự nguyện, không ai ép ai.
Nhưng cuộc chơi phải tuân thủ khuôn khổ quy định chung. Quy định chung đó đảm bảo sự phát triển cho bóng đá Việt Nam, nếu không nó trở thành cái chợ phục vụ mục đích ngắn hạn nhất thời cục bộ.
* Theo ông, việc bầu Kiên nói có những kẻ đã “gạ gẫm” bầu Long chi 500 triệu để HP.HN thắng ĐT.LA vòng 25 có lạ với ông? Đã bao giờ ông bị trọng tài “gạ gẫm” kiểu đó chưa? Ông có nhất trí quan điểm cơ quan chức năng sẽ mở chuyên án điều tra từ nghi án 500 triệu đồng ai đó mua trọng tài cho HP.HN thắng ĐT.LA?
- Nói thật, chẳng ai dám gạ gẫm tôi vì họ biết tôi là con người như thế nào. Khatoco làm bóng đá từ năm 1998 chứ không phải năm 2005 mới làm. Nhưng vì tiêu cực hoành hành nên năm 2001 chúng tôi bỏ không làm bóng đá nữa. Năm 2006 thật lòng chúng tôi cũng định nghỉ sau vụ bị TT-Huế “chích” hụt.
Tôi cũng có nghe râm ran này nọ như trọng tài A thân với đội X, trong tài B thân với đội Y... Nhưng chúng ta cũng cần phải tỉnh táo suy xét. Tôi cho rằng tiếng còi lệch lạc hay có sự gạ gẫm (nếu có) xảy ra cũng từ lỗi cơ chế quản lý mà ra. Tức là chưa minh bạch về phân công và đánh giá trọng tài. Chưa xử lý triệt để và có biện pháp chế tài từ các CLB.
Cũng cần phải xem xét đôi khi trọng tài là nạn nhân hoặc sự lợi dụng từ một thế lực nào đó. Vấn đề anh Kiên nêu ra vụ 500 triệu đồng tôi nghĩ đừng quá tập trung vào việc tìm ra ai là thủ phạm, khó lắm, mà nên tìm hiện tượng và nguyên nhân thì tốt hơn. Nếu không sẽ vẫn còn nhiều vụ 500 triệu đồng khác nữa nếu vẫn cách quản lý và điều hành như thế này.
* Theo ông, bóng đá Việt Nam có cần đại phẫu, cần mở chiến dịch bàn tay sắt như năm 2005? Ông có nghĩ rằng bóng đá Việt Nam đã bị thao túng bởi một nhóm người nào đó?
- Như tôi đã nói ở trên, có đại phẫu mà không cải tổ lại bộ máy thì vài năm sau lại đại phẫu lại thôi, cuối cùng chỉ làm cơ thể của nền bóng đá suy yếu. Tôi đã đề nghị cần phải cải tổ lại bộ máy VFF thông qua đại hội bất thường. Đừng xem đó là cái gì to tát cả.
Đại hội bất thường sẽ rà soát lại để điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của từng lĩnh vực, chọn người đủ tâm đủ tài dám hy sinh cho sự nghiệp bóng đá nước nhà. Đó là cách tốt nhất để người hâm mộ tin tưởng, và VFF củng cố lại niềm tin.
Đến bao giờ tất cả những người làm bóng đá, những doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá xác định được đối tượng duy nhất để phục vụ là người hâm mộ bóng đá nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, mới hy vọng bóng đá Việt Nam phát triển được.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúc Tổng Công ty Khánh Việt tiếp tục có những đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
NGỌC HÒA (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất