Thế giới 247 triệu ca mắc Covid-19, hơn 5 triệu người không qua khỏi

01/11/2021 13:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 1/11 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 247.446.503 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.014.748 ca không qua khỏi. Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,3 triệu ca, trong đó có hơn 72.700 ca trong tình trạng nguy kịch.  

Châu Á có nhiều ca mắc Covid-19 nhất với gần 80 triệu bệnh nhân

Châu Á có nhiều ca mắc Covid-19 nhất với gần 80 triệu bệnh nhân

Châu Á hiện là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất (hơn 79,3 triệu ca), nhưng châu Âu là khu vực có nhiều ca tử vong nhất (1.302.039 ca).

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 326.539 ca nhiễm mới và 4.567 ca tử vong, trong đó Nga ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 40.993 ca và 1.158 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 46,8 triệu ca nhiễm và 766.299 ca tử vong.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo bà đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 31/10. Trước đó, bà Psaki đã quyết định không tham gia chuyến công du châu Âu cùng Tổng thống Joe Biden do nhiều thành viên trong gia đình bà mắc COVID-19.   

Theo bà Psaki, bà không tiếp xúc gần với Tổng thống hoặc các thành viên cấp cao Nhà Trắng từ ngày 27/10. Lần gần nhất bà gặp Tổng thống Biden là vào ngày 26/10, đứng cách xa và đeo khẩu trang. Bà Psaki cho biết bà chỉ có triệu chứng nhẹ, nhờ đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và sẽ làm việc ở nhà, cách ly 10 ngày trước khi xét nghiệm để trở lại công việc.   

Chú thích ảnh
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. AFP/TTXVN

Trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chuyên gia đánh giá "đại dịch còn lâu mới kết thúc”, nhiều nước trên thế giới đã chuyển từ chiến lược "Zero COVID-19" sang "thích ứng, sống chung an toàn với COVID-19".   

Ngày 1/11, Australia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới được áp đặt trong 18 tháng qua, với việc cho phép khoảng 14 triệu người dân nước này đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 tại các bang Victoria, New South Wales và thủ đô Canberra được đi lại tự do, bao gồm ra nước ngoài và về nước. Khoảng 47.000 công dân Australia và người có thẻ đăng ký thường trú tại nước này nhưng đang ở nước ngoài cũng được phép nhập cảnh trở lại. Điều này giúp nhiều gia đình đã được đoàn tụ lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái.     

Các du khách từ quốc gia láng giềng New Zealand đã tiêm đủ vaccine cũng được phép vào Australia từ ngày 1/11. Trong khi đó, hầu hết du khách quốc tế - kể cả những người đã tiêm đủ vaccine - vẫn sẽ tiếp tục phải chờ quy định tiếp theo.     

Một máy bay của hãng hàng không Qantas khởi hành từ Los Angeles (Mỹ) đã hạ cánh xuống thành phố Sydney, thuộc bang New South Wales, vào 6h00 sáng 1/11 theo giờ địa phương (2h00 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Lần đầu tiên sau nhiều tháng, những người Australia đã tiêm chủng được rời khỏi máy bay mà không phải cách ly. Những người chưa tiêm chủng vẫn phải cách ly và tất cả mọi người cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay.     

Australia đã đóng cửa biên giới khi đại dịch bắt đầu bùng phát và chỉ cho phép một số công dân và thường trú nhân trở về từ nước ngoài, với thời gian cách ly 14 ngày bắt buộc trong khách sạn.     

Ngày 1/11 cũng đánh dấu sự mở cửa trở lại của Thái Lan đối với du khách nước ngoài, đồng thời đánh dấu sự trở lại đối với những học sinh đã xa trường lớp và bạn bè trong nhiều tháng qua sau đợt bùng phát thứ 3 dịch COVID-19 vào đầu tháng 4.      

Chú thích ảnh
Du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 làm thủ tục tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok khi tới du lịch Thái Lan ngày 22/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) tuần trước đã công bố danh sách 63 trường học tại thủ đô sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/11 - thời điểm bắt đầu học kỳ hai của năm học 2021-2022. Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cho biết những trường học được phép mở cửa trở lại phải tuân thủ các biện pháp an toàn trong trường học của Bộ Giáo dục. Những biện pháp này được chia thành 2 bộ quy tắc gồm DMHT-RC (giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay, xét nghiệm COVID-19, giảm đông đúc và vệ sinh) và SSET-CQ (tự chăm sóc, chia thức ăn bằng dụng cụ, ăn thức ăn nóng, theo dõi di chuyển, kiểm tra bản thân và cách ly).      

Trong trường hợp một ca mắc COVID-19 được xác nhận trong lớp học, BMA sẽ ra lệnh đóng cửa lớp học trong 3 ngày để khử trùng. Nếu có nhiều bệnh nhân trong một lớp, nhà trường có thể xem xét đóng cửa toàn bộ cấp học trong 3 ngày để khử trùng. Nếu học sinh, giáo viên hoặc nhân viên nghi mắc COVID-19 có thể tự cách ly ở nhà trong 14 ngày để theo dõi các triệu chứng. Những người tiếp xúc gần với người nghi mắc có thể tiếp tục đến trường, nhưng phải theo dõi chặt chẽ các triệu chứng.        

Bộ Giáo dục Thái Lan xác định đưa trẻ em trở lại trường học là ưu tiên và đã chuẩn bị cho các lớp học mở cửa trở lại, cho rằng giảng dạy trực tuyến là không đủ và bầu không khí trong lớp học và các hoạt động ở trường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em.     

Trong khi đó, Ai Cập thông báo đã chi 400 triệu USD để mua vaccine ngừa COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau và đến nay đã tiêm hơn 35 triệu liều cho 25 triệu người dân.     

Theo ông Mohamed Awad Tag El-Din, Cố vấn các vấn đề y tế của Tổng thống Ai Cập, nước này đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn vaccine ngừa COVID-19 để đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 40 triệu công dân vào cuối năm nay.      

Ai Cập hiện đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ tư dịch COVID-19, với số ca nhiễm mới hằng ngày hiện cao gấp 10 lần so với thời điểm cuối tháng 7/2021. Theo báo cáo của Bộ Y tế Ai Cập, ngày 30/10 nước này ghi nhận 948 ca nhiễm mới và 57 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại Ai Cập tính đến nay là 330.084 ca, trong đó có 18.592 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Bộ Y tế Ai Cập lưu ý rằng các số liệu được công bố có thể chỉ bằng 1/10 số ca nhiễm thực tế tại nước này.   

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm