Cựu Thủ tướng Yingluck 'biến mất' sau khi đến trình diện quân đội

23/05/2014 22:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nguồn tin quân đội Thái Lan cho biết quân đội ngày 23/5 đã giam giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và một số thành viên gia đình bà sau khi bà tới trình diện theo triệu tập của giới cầm quyền quân sự.

Sau khi tuyên bố đảo chính ngày 22/5 lật đổ chính phủ tạm quyền của bà Yingluck, chính quyền quân sự Thái Lan đã triệu tập hơn 100 nhân vật cấp cao đến trình diện, bao gồm toàn bộ thành viên trong chính phủ bị lật đổ và cả các thủ lĩnh đối lập. Quân đội giải thích rằng việc này là nhằm bảo vệ tính mạng người dân, ngăn chặn xung đột leo thang và đưa tình hình đất nước sớm trở lại bình thường.

Trợ lý của bà Yingluck, Wim Rungwattanachinda cho biết bà Yingluck cùng nhiều quan chức đã đến một trụ sở quân đội ở thủ đô Bangkok vào trưa 23/5. Khoảng 30 phút sau đó, bà Yingluck đã rời trụ sở trên và được các binh sĩ đưa đến một địa điểm khác.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Hãng tin Reuters dẫn lời một sĩ quan cấp cao của quân đội Thái Lan cho biết quân đội đã giữ bà Yingluck cùng chị gái và anh rể của bà - hai người từng giữ những chức vụ hàng đầu trong nội các của bà Yingluck. Theo sĩ quan này, việc giữ các nhân vật này "chỉ để thu xếp các vấn đề của đất nước trước tiên", và thời gian tạm giữ không quá 1 tuần. Nguồn tin này không cho biết bà Yingluck đang bị giam giữ ở đâu, song truyền thông đưa tin bà đang bị giữ tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Saraburi phía Bắc Bangkok.

Trước đó, tư lệnh lục quân Prayut Chan-O-Cha đã ra lệnh cấm 155 chính trị gia và thủ lĩnh biểu tình của cả hai phía ủng hộ và phản đối chính phủ không được ra nước ngoài nếu không xin phép. Quân đội Thái Lan đã siết chặt an ninh  tại biên giới Thái Lan - Lào.

Ngoài Thủ tướng Yingluck, nhiều nhân vật đến trình diện quân đội cũng vẫn đang bị giữ, trong đó có Tổng thư ký đảng Puea Thai Pumtham Vejjachai và người phát ngôn của đảng này Prompong Nopparit. Ngoài ra, còn có thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và một số thủ lĩnh phong trào Áo đỏ.

Tướng Prayut, người đứng đầu cuộc đảo chính khẳng định muốn giới công chức phải hợp tác tổ chức lại đất nước, thực hiện các cải tổ kinh tế, xã hội và chính trị trước khi tổ chức bầu cử. Tướng Prayut nhấn mạnh: "Nếu tình hình yên bình trở lại, chúng tôi sẽ trao trả lại quyền lực cho chính quyền dân sự”.

Dự kiến, tướng Prayut sẽ diện kiến nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej để giải thích cuộc đảo chính, hiện vẫn chưa có thông tin về phản ứng của hoàng gia Thái Lan trước cuộc đảo chính.

Thảo Vy (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm