Cưỡi ngựa sẽ trở thành môn thể thao mới tại Việt Nam

24/05/2023 05:42 GMT+7 | Thể thao

Với sự ra đời của Ban vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao, Việt Nam đứng trước cơ hội có thêm môn thể thao mới...

Thúc đẩy phát triển phong trào trong nước

Ban vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam đã hình thành và có một số hoạt động nhằm xúc tiến quá trình thành lập trong thời gian qua. Trong buổi làm việc gần đây nhất vào trung tuần tháng 5 vừa qua các thành viên của Ban vận động tiếp tục bàn bạc và đóng góp ý kiến, xây dựng lộ trình phát triển và phương hướng hoạt động của Liên đoàn trong thời gian tới.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mã Cầu và Ngựa biểu diễn Madagui, Trưởng Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam, Ban vận động Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao được thành lập với mục đích đoàn kết, hợp tác và huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư thúc đẩy luyện tập các môn thể thao về đua ngựa, cưỡi ngựa trong cả nước.

Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống giải đấu để các câu lạc bộ và vận động viên cùng tham gia tranh tài. Phong trào hiện nay đã có những bước phát triển đáng ghi nhận về số lượng. Từ lúc thành lập ban đầu chỉ có 15 câu lạc bộ thành viên tham gia nhưng đến nay đã có 33 câu lạc bộ với hơn 150 chú ngựa đua và ngựa biểu diễn. Điều này phần nào cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai gần.

Trong kế hoạch tổ chức của Ban vận động, Đại hội Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam thành lập có ít nhất trên 100 thành viên, trong đó Ban chấp hành dự kiến gồm 15 ủy viên, Ban thường vụ dự kiến có 5 ủy viên. Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam đã xây dựng phương hướng và lộ trình hoạt động cụ thể trong từng giai đoạn và thời điểm tổ chức đại hội thành lập dự kiến diễn ra vào tháng 10/2023.

Sau cuộc làm việc với Ban vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao vừa diễn ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: "Các thành viên của Ban vận động rất tâm huyết và đang nỗ lực để liên đoàn có thể sớm thành lập. Tổng cục TDTT ủng hộ sự ra đời của liên đoàn. Dù vậy, đua ngựa cũng đã từng xuất hiện ở Việt Nam trước đây nhưng chưa phát triển vì rất nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất và cả những vấn đề liên quan tới động vật. Nếu liên đoàn được thành lập sẽ quy tụ được phong trào và nguồn lực để phát triển tốt hơn, ngoài việc phát triển thể thao thành tích cao, có thể cũng sẽ tác động và thúc đẩy cả sự phát triển du lịch".

Cưỡi ngựa sẽ trở thành môn thể thao mới tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ban vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam họp bàn với các thành viên về kế hoạch hoạt động. Ảnh: FB Trường đua Thiên Mã Madagui

 Hội nhập quốc tế

Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam nếu ra đời sẽ là tiền đề quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để phong trào trong nước có thể hội nhập và chinh phục các giải đấu trong phạm vi khu vực, sau đó là châu lục. Đua ngựa là môn thể thao đã có lịch sử trên 100 năm trong chương trình thi đấu Olympic và hiện tại khu vực Đông Nam Á có 8/11 quốc gia có Liên đoàn Đua ngựa (trừ Việt Nam, Lào, Timor Leste), ở châu Á có 35 quốc gia là thành viên của Liên đoàn Đua ngựa châu Á và việc hội nhập với Liên đoàn đua ngựa quốc tế cũng thuận lợi hơn.

Trong lộ trình phát triển, Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam xây dựng kế hoạch  cụ thể để thúc đẩy phát triển phong trào trong nước, đồng thời đào tạo vận động viên thi đấu đỉnh cao. Trong ngắn hạn từ 1 đến 2 năm, thành lập Trung tâm đào tạo Vận động viên cưỡi ngựa đua, cưỡi ngựa thể thao Olympic, tổ chức lớp học cưỡi ngựa thể thao cho các Câu lạc bộ trên khắp đất nước (mời huấn luyện viên nước ngoài giảng dạy), hỗ trợ các cá nhân hội viên Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam thành lập và đăng ký hoạt động các Câu lạc bộ cưỡi ngựa tại các địa phương...

Ngoài mục tiêu gia tăng số lượng lên khoảng 50 Câu lạc bộ, xây dựng hệ thống thi đấu tổ chức các giải cưỡi ngựa nhảy sào (Jumping), cưỡi ngựa băng đồng (Cross Country) 4 lần/năm. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo huấn luyện viên, động viên, trọng tài từ các liên đoàn cưỡi ngựa thể thao (Equestrian/Polo) của các nước Malaysia, Singapore, Australia, Thái Lan. Gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Olympic các nước Đông Nam Á, tham gia thi đấu tại giải Cưỡi ngựa thể thao Olympic tại SEA Games 33 năm 2025 ở Thái Lan để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Cưỡi ngựa sẽ trở thành môn thể thao mới tại Việt Nam - Ảnh 2.

Tập luyện và thi đấu cưỡi ngựa thể thao ở trường đua Thiên Mã Madagui. Ảnh: FB Trường đua Thiên Mã Madagui

 Chinh phục SEA Games và ASIAD

 Trong kế hoạch trung hạn từ 3 đến 5 năm, Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam đề ra các mục tiêu như tiếp tục mở các lớp đào tạo nài ngựa đua, vận động viên cưỡi ngựa nhảy sào, cưỡi ngựa băng đồng, đào tạo vận động viên môn cưỡi ngựa biểu diễn theo nhạc, mở các khóa huấn luyện thi đấu, trọng tài môn Polo (mời chuyên gia nước ngoài)… Phát triển thêm các câu lạc bộ cưỡi ngựa thể thao trên toàn quốc mục tiêu đạt được ít nhất 80 Câu lạc bộ, phát triển ít nhất 5 Câu lạc bộ Mã cầu trên toàn quốc, bổ sung môn Dressage và Polo vào hệ thống thi đấu hàng năm. Gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa biểu diễn quốc tế và tham gia thi đấu trong môn cưỡi ngựa thể thao Olympic tại SEA Games 34 vào năm 2027 với mục tiêu đạt huy chương ở 1 số hạng mục thi đấu.

Ở kế hoạch dài hạn trên 6 năm, Ban vận động đề ra phương hướng về việc thực hiện hiệu quả các kế hoạch thường niên của kế hoạch ngắn và trung hạn như tổ chức đào tạo Vận động viên, Huấn luyện viên, kỹ thuật viên đóng móng ngựa… trong nước và ngoài nước. Trở thành thành viên liên đoàn Mã cầu (Polo) quốc tế (FIP: Federation of International Polo), tổ chức giải thi đấu Mã cầu trong nước, mời 1 số đội Mã cầu của các quốc gia khác tới thi đấu tại Việt Nam để các đội có cơ hội học hỏi kinh nghiệm. Tham gia thi đấu môn cưỡi ngựa thể thao Olympic tại SEA Games 35 vào năm 2029 với mục tiêu giành từ 1 đến 2 huy chương vàng. Tham gia thi đấu Equestrian tại Asiad 21 tổ chức năm 2030 tại Qatar, tiếp tục phát triển các câu lạc bộ cưỡi ngựa thể thao, câu lạc bộ Mã cầu lên ít nhất 120 Câu lạc bộ.

Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Trưởng Ban Vận động thành lập, các mục tiêu chuyên môn của Liên đoàn Cưỡi ngựa Thể thao Việt Nam đặt ra từ thấp đến cao, từ học hỏi cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, đến việc giành huy chương ở các mức độ khác nhau ở các đấu trường từ nhỏ đến lớn. Trong tương lai, bộ môn này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại vinh quang cho thể thao nước nhà, đồng thời, phát triển phong trào cưỡi ngựa thể thao tại Việt Nam và hội nhập quốc tế. 

Hiện nay, tại Việt Nam có 16 tỉnh, thành có phong trào huấn luyện ngựa, nhiều nhất phải kể đến Hà Nội với các CLB Hà Nội, CLB Long Biên, CLB Thánh Gióng, rồi đến các CLB Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Nai. Nhưng CLB có số lượng ngựa lớn nhất phải kể đến CLB Thiên Mã với 108 ngựa đua nước ngoài trị giá từ 60.000- 160.000 USD được huấn luyện tại Trường đua Madagui rộng 300ha từ đầu năm 2017.

Hiện cũng có 6 nhà đầu tư Hàn Quốc, Hồng Kông đã khảo sát và đăng ký đầu tư tại Hà Nội, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Cần Thơ. Trong đó năm 2019, UBND TP Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Trường đua ngựa Sóc Sơn cho Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội. Dự án dự kiến sử dụng khoảng 125ha đất, trong đó trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa có sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha, hồ điều hòa 22,5ha, khách sạn 3 sao 1,5ha, trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.

Trong khi đó, năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Hồng Lam - Madagui (Công ty Hồng Lam) để đầu tư dự án Trung tâm nuôi – Huấn luyện ngựa đua và du lịch Đạ Huoai quy mô 335ha, tại huyện Đạ Huoai. Mục tiêu của dự án là nuôi và huấn luyện ngựa đua, đầu tư sân golf, khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng.


Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm