15/03/2023 17:12 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Đất nước Mông Cổ có một câu nói nổi tiếng: "Một người Mông Cổ không có ngựa giống như một con chim không có cánh".
Việc thuần hóa ngựa từ xưa đã giúp thay đổi hoàn toàn văn hóa của con người, thay đổi cách chúng ta ăn uống, liên lạc và tương tác. Tuy nhiên, ở Mông Cổ, tác động này rõ ràng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Ngựa là một phần không thể tách biệt trong đời sống của người dân nơi đây.
Mông Cổ tự hào là quốc gia có tới hơn 5 triệu con ngựa, gần như gấp đôi dân số của đất nước. Elizabeth Kimball Kendall, một nhà văn đã đến thăm Mông Cổ vào năm 1911, nhận xét: "Để đánh giá cao người Mông Cổ, ta phải nhìn thấy anh ấy trên lưng ngựa. Và thực sự chúng ta hiếm khi nhìn thấy người Mông Cổ không ngồi trên ngựa, vì họ sẽ không đặt chân xuống đất trừ khi cần thiết. Nếu không có ngựa, một người đàn ông chỉ là một nửa người Mông Cổ, nhưng nếu có ngựa, anh ta mạnh ngang hai người đàn ông."
Không thể phủ nhận, Mông Cổ là đất nước của những người trên lưng ngựa. Trẻ em ở vùng nông thôn bắt đầu học cưỡi ngựa từ 4 tuổi, những em nhỏ từ 5 đến 12 tuổi đã bắt đầu ra trường đua.
Ngựa Mông Cổ, một giống người bản địa của nước này, được lịch sử biết đến với vai trò của chúng trong các chiến dịch quân sự của Thành Cát Tư Hãn, nhân vật từng thống trị một đế chế kéo dài từ Hungary đến Hàn Quốc và từ Siberia đến Tây Tạng.
Được thuần hóa như một phương tiện chiến tranh, những con ngựa Mông Cổ vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ giống ngựa nào khác được sử dụng vào thời điểm đó. Chúng cần ít nước và không cần quá nhiều thức ăn hàng ngày như nhiều giống ngựa châu Âu khác.
Khả năng tìm kiếm dưới tuyết và tự tìm đồ ăn cho phép quân đội Mông Cổ chiến thắng trong các trận chiến khắc nghiệt. Điểm yếu duy nhất của ngựa Mông Cổ là nó chậm hơn các giống ngựa khác trên chiến trường. Tuy nhiên, nhược điểm này có thể được bù đắp bởi thực tế là ngựa thường mang trọng lượng ít hơn so với kỵ binh của kẻ thù. Mỗi chiến binh Mông Cổ thường mang ít nhất 3 đến 5 con ngựa để thường xuyên thay đổi.
Trong lịch sử, đã có thời dân chúng Nga bị Mông Cổ buộc phải cống nộp nặng nề, còn các thân vương Nga chỉ được phép cai trị các lãnh địa của mình với sự cho phép của vua Hãn quốc. Đây là cách đế chế Mông Cổ cai trị các nhóm người Nga. Đây là nguyên nhân khiến các nhóm dân tộc Nga bắt đầu đoàn kết để chống lại sức mạnh của "vó ngựa Mông Cổ".
Sử gia Nga Nikolay Karamzin (1766-1826) từng viết: "Moscow có được sự vĩ đại là nhờ vào các Hãn".
Vào lúc Mông Cổ tấn công các vùng đất của người Nga, người Mông Cổ đã có nhiều tiến bộ cả về quân sự và hệ thống quản trị. Nhà nước Nga được cho là đã được hình thành để đối phó với các cuộc tấn công, kháng cự và lật đổ ách thống trị của Mông Cổ. Chính Pi-e Đại đế đã chính thức chấm dứt tình trạng người Nga phải cống nộp cho các Hãn (Khan) của Mông Cổ.
Ngày nay, bên ngoài thủ đô Ulaanbaatar, ngựa vẫn là phương tiện vận chuyển chính ở Mông Cổ. Chúng cũng được tận dụng để sản xuất sữa, thịt và lông. Bằng cách lên men sữa ngựa, các gia đình tạo ra một loại đồ uống có cồn nhẹ được gọi là Airag.
Ngoài ra, sữa ngựa còn được sử dụng trong các nghi lễ thanh lọc, cầu nguyện và ban phước từ thời cổ đại. Trong lịch sử của người Mông Cổ, người ta ghi lại rằng Thành Cát Tư Hãn đã đổ sữa ngựa trên mặt đất để cầu nguyện một ngọn núi che giấu ông khỏi kẻ thù.
Người Mông Cổ thường không đặt tên cho ngựa của họ. Thay vào đó, họ xác định chúng bằng màu sắc, dấu hiệu riêng và vết sẹo. Có hơn 500 từ trong ngôn ngữ Mông Cổ để mô tả các đặc điểm của ngựa với 250 thuật ngữ cho màu và hoa văn.
Kể từ cuối những năm 2000, khi xe máy và xe hơi trở nên sử dụng phổ biến, vai trò vận chuyển của ngựa đang dần suy giảm trong đời sống của người Mông Cổ. Tuy nhiên, văn hóa ngựa không bao giờ biến mất, vì ngựa không chỉ là phương tiện, mà còn là một trong những dấu hiệu văn hóa quan trọng nhất đối với người Mông Cổ.
Một người đàn ông có nhiều ngựa được coi là giàu có. Do đó, giới tinh hoa thành phố có xu hướng sở hữu các đàn ngựa hoặc đầu tư sinh sản ngựa đua. Đối với người giàu có, mức giá 10.000 USD là một mức giá hợp lý để trả cho một giống ngựa uy tín.
Trong những năm gần đây, các chính trị gia đã tặng ngựa trong các sự kiện ngoại giao. Theo truyền thống, tặng ngựa là một trong những cách có ý nghĩa văn hóa nhất để tôn vinh một cá nhân ở Mông Cổ.
Ở đất nước này, hầu hết mọi người vẫn có thể cưỡi ngựa. Nhiều đứa trẻ, sinh ra trong thành phố, đến nông thôn cùng cha mẹ và học cưỡi ngựa vào ngày cuối tuần.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất