Cuộc sống sau ống kính: Rình loài chim có hành trình di cư xa nhất

16/12/2023 07:30 GMT+7 | Văn hoá

Đây là ảnh về loài chim cắt amur mà tôi chụp được tại Đà Nẵng. Đó là 1 trong những loài chim có hành trình di cư xa nhất. Tôi đã dành 5 ngày ngồi co ro giữa mưa lạnh trong một bụi cây để có thể tiếp cận được chúng ở cự li gần nhất.

Chim cắt amur là một loài chim săn mồi thuộc họ cắt, chủ yếu ăn côn trùng. Hành trình di cư của chúng là từ Đông Á tới miền nam châu Phi. Chúng thường di chuyển theo đàn đông và hay dừng chân ở những khu rừng thưa hoặc đồng cỏ.

Vào một ngày mưa phùn lạnh lẽo của tháng 11/2021, đúng mùa chim di cư, như thường lệ, tôi lại lang thang đi tìm chúng ở Đà Nẵng. Chạy dọc theo bờ biển, tôi vô tình phát hiện một chú chim cắt amur bay ngang qua hàng phi lao, như đánh tín hiệu dẫn tôi về nơi cư ngụ của chúng.

Cuộc sống sau ống kính: Rình loài chim có hành trìnhdi cư xa nhất - Ảnh 1.

Một chú chim cắt amur đứng trên trụ tre rình mồi

Tôi lần theo dấu chim và bắt gặp 1 đàn cắt amur đang đứng trên những trụ đèn cao trước một tòa chung cư. Thế nhưng tôi không có cách nào tiếp cận được chúng để chụp hình. Người dân xung quanh đó nói rằng: "Chúng đã ở đây khoảng 20 ngày rồi và đây là lần đầu chúng về đây".

***

Tôi tìm một bụi cây gần đó và bắt đầu quan sát. Đậu trên những trụ đèn hoặc những cọc tre cao khoảng 15m, chúng bất ngờ lao thẳng xuống đám cỏ một lúc, rồi bay vụt lên với 1 con mồi.

Phải tới ngày thứ 5, tôi mới biết chúng lao xuống để đào những con sùng đất. Điều khiến tôi ngạc nhiên là những con sùng đất thường ẩn sâu dưới mặt đất khoảng 10cm lại được đám cỏ rậm rạp che phủ, thế mà đứng tít trên trụ cao, chúng vẫn phát hiện ra con mồi. Có thể là do một "tần số" nào đó mà con mồi phát ra đã thu hút chim cắt amur.

Cuộc sống sau ống kính: Rình loài chim có hành trìnhdi cư xa nhất - Ảnh 2.

Chim cắt amur lao xuống bãi cỏ, dùng móng vuốt đào đất để bắt con sùng đất

Khi lao xuống đất, chim cắt amur dùng móng vuốt bới đất để tìm mồi và khi tìm được, chúng sẽ cắp con mồi bay lên cao, vừa bay vừa đưa con mồi từ chân lên mỏ, rồi chúng khoan thai đậu trên trụ đèn để thưởng thức.

Mặc dù đi theo đàn nhưng chim cắt amur thích kiếm ăn riêng lẻ, mỗi con đứng trên 1 trụ đèn và sẵn sàng tranh đấu với nhau để giữ vị trí rình mồi của mình.

***

Người dân ở tòa chung cư đó rất hiếu kỳ về sự xuất hiện của tôi. Khi biết tôi đến chỉ để chụp hình những chú chim chứ không làm hại chúng, họ đã cho tôi mượn ghế và áo mưa để tôi ngồi rình. Có người còn mời tôi ăn cơm.

Họ kể: "Trước đây có những kẻ lảng vảng đến đây hòng bẫy bắt chim, nhưng chúng tôi đã đuổi thẳng cổ. Khi thấy cậu đeo chiếc ba lô to, chúng tôi phải tra ngay xem cậu đến đây để làm gì''.

Cuộc sống sau ống kính: Rình loài chim có hành trìnhdi cư xa nhất - Ảnh 3.

Thành quả của một pha săn mồi

Câu chuyện họ kể khiến tôi cảm thấy ấm áp giữa những ngày mưa lạnh lẽo kèm gió biển thổi thốc từng cơn.

Có điều, mùa di cư năm ấy vẫn đang trong mùa dịch Covid-19. Người ra đường thưa thớt, nên các loài chim cũng ít bị ảnh hưởng.

Đàn chim cắt amur đã khiến cho những ngày dịch bệnh u ám trở nên thú vị và đầy sức sống. Việc ngồi 1 chỗ ròng rã hơn 1 tháng trời để quan sát sự di chuyển, kiếm ăn của chúng khiến tôi cảm thấy cuộc sống này chẳng có gì đáng phải tuyệt vọng cả. Ngay cả khi điện thoại của tôi cứ vài phút lại cập nhật thông tin về dịch bệnh thì thiên nhiên vẫn cứ vận hành theo quy luật của nó.

Tôi luôn nghĩ rằng, có thể cả đời này tôi sẽ không thể gặp lại những chú chim cắt amur thêm 1 lần nữa, thế nên tôi luôn trân trọng từng giây phút được nhìn thấy và chụp chúng.

Võ Rin

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm