09/12/2023 08:03 GMT+7 | Văn hoá
Không chỉ có những di tích lịch sử văn hóa lừng danh, những tên đất, tên người đã đi vào sử sách, thi ca, đất Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) sẽ còn khiến tôi nhớ mãi bởi những nghệ nhân ở các làng nghề tò he Xuân La, làng Chuông làm nón, Chàng Sơn đan quạt..., và đặc biệt là rối Tế Tiêu.
Câu chuyện kể bằng những bức ảnh cũ này chụp một nghệ nhân nổi tiếng, dù ông đã rời cuộc chơi của đời mình năm 2016, ở tuổi 92. Ông là nghệ nhân rối Phạm Văn Bể, ở thị trấn Tế Tiêu, nay là thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Bức ảnh đầu tiên, tôi chụp ông cách đây 18 năm, ở ngày hội du lịch của tỉnh Hà Tây, tổ chức tháng 12/2005 ở Trung tâm văn hóa Hà Tây. Hôm ấy ông cùng con cháu được mời đến để biểu diễn các tiết mục rối cạn. Trong ảnh là ông Bể đang biểu diễn cùng con trai, anh Phạm Công Bằng. Anh Bằng nay là nghệ nhân ưu tú, trưởng phường rối Tế Tiêu.
Trong bức ảnh thứ hai chụp tháng 12/2006, ông Bể đang đọc lời thoại cho một vở diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội). Từ rối cạn, đầu những năm 2000, ông Bể bắt đầu chuyển sang làm rối nước, vợ, con, hàng xóm… được ông đào tạo để trở thành diễn viên, nhạc công trong các vở diễn đặc sắc. Từ thị trấn huyện, phường rối của ông trở nên nổi tiếng và được mời lưu diễn ở nhiều nơi. Ở tuổi ngoài tám mươi, ông vẫn tinh anh, quắc thước với giọng thoại sang sảng.
Bức ảnh thứ 3 được chụp tại nhà ông cũng trong năm 2006, đó là những giấy khen, bằng khen mà các cơ quan, tổ chức tặng cho ông. Tư gia của ông khi đó còn chật chội, con rối xếp lẫn với vật dụng hàng ngày.
May sao, TP Hà Nội mới đây đã có quyết định hỗ trợ kinh phí cho phường rối Tế Tiêu. Một thủy đình cũng vừa được xây dựng ở Tế Tiêu để khai thác du lịch, phường rối Tế Tiêu cũng đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất