Cuộc sống của Dan Brown hậu Da Vinci Code

20/09/2009 08:46 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Nhà văn Dan Brown là  một người thân thiện và giản dị. Ông không phải tuýp người mà mọi người vẫn hình dung sau khi đã sáng tạo ra cả một thế giới u tối trong The Da Vinci Code (Nhan đề tiếng Việt: Mật Mã Da Vinci), quyển sách được phát hành năm 2003 và đã bán được hơn 80 triệu bản trên toàn thế giới, bộ phim cùng tên do Tom Hank thủ vai chính cũng đã thu về hơn 758 triệu USD. Tiểu thuyết trinh thám đậm màu sắc tôn giáo này cũng đã gây ra một làn sóng tranh cãi gay gắt khi những người đứng đầu Nhà Thờ Thiên Chúa lên án tư tưởng dị giáo và hình ảnh tiêu cực của Opus Dei, một tổ chức Công Giáo La Mã bảo thủ, mà ông đã phác họa ra. Giờ đây, sau 6 năm rưỡi, Brown lại một lần nữa hứa hẹn gây rúng động thế giới bằng tiểu thuyết mới, The Lost Symbol (tạm dịch Biểu Tượng Bị Đánh Mất).

Brown, 45 tuổi, dường như vẫn chưa khỏi ngạc nhiên khi quyển sách của  ông có sự khởi đầu “điên loạn” đến vậy. Ông lớn lên trong khuôn viên của một ngôi trường nội trú ở New England, nơi bố ông dạy toán; còn mẹ ông là một nhạc sỹ. Sau khi thất bại trong việc trở thành ca sỹ kiêm nhạc sỹ, ông đã quyết định viết tiểu thuyết. Tuy nhiên sự nghiệp viết lách của ông cũng chỉ thu được những thành công khiêm tốn cho đến khi “bom tấn” Mật Mã Da Vinci được xuất bản. Tiểu thuyết thứ năm của ông, The Lost Symbol, một lần nữa xoay quanh giáo sư biểu tượng học của trường ĐH Harvard, Robert Langdon, nhưng lần này lấy bối cảnh ở Washington, D.C., trung tâm chính trị của nước Mỹ.


 
* Thành công của Mật Mã  Da Vinci đã ảnh hưởng đến quyển sách tiếp theo của  ông như thế nào?

Tôi đã viết  The Lost Symbol từ ngay khi bắt đầu ý thức được thành công của The Da Vinci Code. Những gì xảy ra với tôi cũng đều xảy ra với bất cứ nhà văn thành công nào, đó là nhất thời trở nên kiêu ngạo. Thay vì nghĩ và viết ra những gì nhân vật của mình phải làm, thì tôi lại nghĩ “sẽ có hàng triệu người đọc nó”. Điều đó cũng giống như một vận động viên tennis để tâm quá nhiều tới cú giao bóng. Tôi đã nhất thời bị tê liệt.

* Ông đã thoát khỏi vấn đề đó như thế nào?

Khi sự cuồng nhiệt bắt đầu lắng xuống, cũng là lúc tôi nhận ra nó chẳng liên quan gì đến công việc tôi đang làm. Suy cho cùng tôi cũng chỉ là người kể  chuyện.

* Với rất nhiều tiền...

Cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Đa số những thay đổi đó đều tuyệt vời, nhưng không phải tất cả. Tôi đã đánh mất sự riêng tư, và đó thực sự là một vấn đề lớn.

* Có  điểm gì chung giữa tiểu thuyết mới của ông với The Da Vinci Code không?

Có rất nhiều  điểm chung giữa nó và tất cả những quyển sách khác của tôi. Vì tôi vẫn quay lại với thế giới biểu tượng, những tổ chức bí mật, nghệ thuật, và lịch sử.


Độc giả xếp hàng mua The Lost Symbol có chữ ký của tác giả ở London hôm 15/9

* Ông có hứng thú gì với thủ đô của nước Mỹ vậy?

Tôi rất phấn khích với quyền lực, đặc biệt là quyền lực ngầm, quyền lực đen. Cơ quan An ninh Quốc gia (The National Security Agency), Cơ quan Do thám Quốc gia (The National Reconnaissance Office), Opus Dei. Sự phấn khích này xuất phát từ ý tưởng bất cứ việc gì cũng đều xảy ra bởi những lý do chúng ta không nhìn thấy được. Nó nhắc tôi một chút tới tôn giáo. Quyền lực của tôn giáo chính là tạo ra được tư tưởng về việc chẳng có gì ngẫu nhiên: Nếu cuộc đời tôi gặp bi kịch, thì đó chính là do Chúa đang thử thách tôi hoặc gửi cho tôi một thông điệp nào đó. Đó cũng chính là mục đích của học thuyết âm mưu. Họ nói, “Nền kinh tế sa sút sao? Ồ, điều đó chẳng ngẫu nhiên đâu. Đó là do một nhóm những gã nhà giàu ở Prague vừa ngồi lại với nhau và…”

* Ông có mộ đạo không?

Tôi theo Tân giáo và hồi bé tôi rất mộ đạo. Rồi đến khoảng năm lớp tám, lớp chín gì đó, tôi được học thiên văn học, vũ trụ học, và sự hình thành của vũ trụ. Tôi nhớ có lần đã hỏi một vị bộ trưởng: “cháu không hiểu. Cháu đọc sách thấy nói rằng có một vụ nổ gọi là Nổ Lớn, nhưng ở đây lại nói Chúa đã kiến tạo thiên đường, Trái Đất, và vạn vật trong vòng bảy ngày. Vậy điều nào là đúng?” Thật không may câu trả lời mà tôi nhận được lại là “Học sinh ngoan không hỏi câu đó”. Và thế là ánh sáng tắt dần, rồi tôi nói: “Sách Kinh Thánh chẳng có ý nghĩa gì hết. Khoa học mới có nhiều ý nghĩa”. Từ đó tôi bắt đầu rời xa tôn giáo.
 
* Giờ ông đang ở đâu?

Thật mỉa mai là tôi đang chuẩn bị đi hết một vòng tròn. Tôi nghiên cứu khoa học càng nhiều, thì tôi lại càng thấy vật lý càng trở nên siêu hình, còn số học lại trở thành số ảo. Bạn càng đi sâu vào khoa học thì mặt đất dưới chân bạn càng mềm. Và bạn sẽ buộc phải thốt lên: “Ôi khoa học cũng có những khía cạnh tâm linh”.

* Điều gì đã khiến ông viết về Thánh Nữ, một phiên bản mẫu hệ trong giáo lý Cơ Đốc, trong Da Vinci Code?

Một phần là do mẹ tôi, bà ấy có những nhận thức rất mạnh mẽ nhưng lại rất cởi mở đón nhận sự thay đổi của chúng. Phần khác là do tình yêu và cả sự tham khảo đến những tôn giáo khác, đặc biệt là tôn giáo cổ, tà giáo và khái niệm Mẹ Trái Đất. Cả thực tế là những lực lượng phá hủy đều là đàn ông nữa, hãy xem những gì chúng ta đang làm. Nếu chúng ta tiết kiệm một nửa trí tuệ và tiền bạc mà chúng ta đã sử dụng để giết lại lẫn nhau vào việc giải quyết những vấn đề, thì sẽ chẳng tốt hơn sao? Tôi muốn cân bằng hoóc-môn của cả hai giới tính. Bạn có thể hỏi, “Sẽ thế nào nếu Chúa là phụ nữ? Sẽ thế nào nếu chúng ta trân trọng phần nữ tính, vốn là phần sáng tạo hơn, đam mê hơn và yêu thương hơn, trong mỗi chúng ta?” Những gì tôi nói có thể chỉ là khái quát, nhưng tất cả đã tập hợp lại để tôi tôn vinh Thánh Nữ.
 
* Ông có phải là một người theo chủ nghĩa học thuyết âm mưu không?

Tôi không theo bất cứ cách thức, khuôn mẫu, hay hình thái nào của nó. Tôi mang xu hướng hoài nghi hơn. Tôi không tin vào UFO (vật thể bay không xác định) hay vào việc nhân loại sẽ kết thúc vào năm 2012. Tôi nghĩ lý do sách của tôi có được thành công một cách chính thống là do chúng được viết dưới một quan điểm hoài nghi. Nhân vật chính của tôi, Robert Langdon, không vội tin vào bất cứ điều gì. Là một người thông minh, bạn có thể đọc chúng và nói “Ồ, hay đấy – tôi tự hỏi liệu điều đó có thật không”. Nhưng thực ra bạn lại được kết nối đến một nhân vật luôn nghĩ “Điều đó thật lố bịch”. Công việc của tôi là khiến bạn, một độc giả hoài nghi, đọc câu chuyện rồi luôn miệng nói “Ôi lạy Chúa. Có thể lắm. Có thể lắm”.

* Vậy ông có gặp khó khăn khi viết về Robert Langdon mà không hình dung đến Tom Hanks không?

Không hề, tôi dành nhiều thời gian để ngẫm nghĩ về Robert Langdon hơn là xem Tom Hanks diễn xuất. Điều đó hoàn toàn không xảy ra với tôi.

* Ông có cảm nghĩ gì khi đi từ thế giới viết lách đến thế giới phim ảnh?

Viết lách là một sự tồn tại cô độc. Trong khi làm phim là kiểm soát sự hỗn mang với hàng nghìn phần tử vận động và con người. Bất cứ quyết định nào cũng đều là một thỏa hiệp. Trong viết lách, nếu bạn không thích điều gì ví dụ như ngoại hình hay cách ăn nói của nhân vật, bạn cứ việc sửa. Thế nhưng trong một bộ phim, nếu bạn không thích điều gì, thì sẽ rất mệt đấy. Và khi bạn làm một bộ phim, mọi người đều nhìn thấy một Harry Potter, một Robert Langdon, mọi người đều có một trải nghiệm giống nhau – và đó có thể là điều bạn không hề mong muốn.

Trần Việt (Theo Parade)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm