10/06/2023 07:45 GMT+7 | Văn hoá
Trong những làng gốm cổ ở miền Bắc, một cái tên từng được nhắc đến, nhưng bây giờ chỉ còn trong ký ức, đó là làng gốm Hiển Lễ (xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc).
Tôi đến Hiển Lễ lần đầu tiên năm 1996, nhân chuyến thăm một nhà nhiếp ảnh tài năng mà anh em nhiếp ảnh cả nước đều yêu quý, đó là nghệ sĩ Hoàng Tác. Ông Tác có hiệu ảnh ở thị trấn Xuân Hòa, bấy giờ còn thuộc huyện Mê Linh của Hà Nội và cách Hiển Lễ vài cây số. Nghề ảnh ngày đó còn làm ăn được, nhưng Hoàng Tác không may bị suy thận và hàng tuần đều phải về Hà Nội lọc máu, tốn kém vô cùng.
Tuy nhiên, anh em nhiếp ảnh từ bất cứ đâu nếu đến Xuân Hòa đều được Hoàng Tác khoản đãi. Tôi không ngoại lệ, sau khi ăn uống no say, Hoàng Tác đưa chúng tôi đi chụp ảnh, và một trong những địa điểm mà ông yêu thích là làng gốm Hiển Lễ.
Nghề gốm ở đây được truyền tụng có từ thời Hùng Vương, sản phẩm là chum vại, nồi chậu bằng đất, có nhiệt độ nung vừa phải.
Đó là một làng cổ, với rất nhiều nhà gạch cũ, ghi dấu một thời oanh liệt trong quá khứ. Bên các con đường quanh qua các xóm, thấp thoáng những lò gốm khum như mai rùa. Tôi như lạc vào một câu chuyện cổ tích mà nhân vật là các cụ già, em bé với rất nhiều nụ cười tươi tắn trên môi.
Chụp bằng máy ảnh phim, chúng tôi phải chắt chiu từng khung hình, nhưng cảm xúc mang về từ Hiển Lễ là vô tận.
Bẵng đi nhiều năm, tôi mới lại có dịp về Xuân Hòa và vào thăm Hiển Lễ. Hoàng Tác đã mất từ lâu, các con ông nay đã biến ngôi nhà năm xưa thành hiệu ảnh Photo TAC sang trọng. Phố cũ Xuân Hòa cũng to đẹp hơn, đường vào Hiển Lễ ô tô chạy bon bon. Nhưng Hiển Lễ đâu rồi. Trước mắt tôi giờ là một làng quê giàu đẹp với tường trắng, mái đỏ rực rỡ không có chút nào cổ kính, u hoài của Hiển Lễ ngày xưa. Tôi mở điện thoại, hỏi một người dân về các bé gái trong bức ảnh chụp cách đây gần 30 năm, họ ngản ra một lúc, rồi nói: đứa này hình như tên là Hoa, đã lấy chồng dưới Hà Nội, còn đứa này tên Thảo, cũng đã lấy chồng ở trên Vĩnh Yên… Hỏi làng có gì cổ kính nữa không, họ bảo chỉ còn cái đình sắp đổ.
Đình làng Hiển Lễ là nơi thờ tổ nghề gốm đúng là sắp đổ với tường vỡ, mái sạt, cột lim nhiều cây đã mục. Trên nóc đình có một mái tôn bảo vệ đình trong khi chờ tu tạo. Không gian vắng lặng, chắc lâu lắm chẳng ai vào…
Khi viết bài báo này, tôi lên mạng tìm thông tin, và đây là các bài báo: Ngậm ngùi Hiển Lễ ((Dân Sinh); Làng gốm Hiển Lễ đã "tắt lửa" (báo Vĩnh Phúc); Xót xa khai tử làng gốm cổ nhất Việt Nam (Kiến thức)…
Biết làm sao bây giờ. Bảo tồn thường đối lập với phát triển. Và chúng ta phải chấp nhận sự biến mất của một làng nghề gốm từng nổi tiếng như Hiển Lễ, cũng như làng gốm Thổ Hà ở Bắc Giang, nếu chưa tìm ra một giải pháp phù hợp. Biết là thế, nhưng có gì đó như ngậm ngùi, như mất mát vẫn âm thầm xâm chiếm trong tôi…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất