Cuộc đời sau ống kính: Bức tượng công nhân xi măng

11/02/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Trong tư liệu của mình, tôi đã chụp khá nhiều bức tượng. Từ những pho La Hán ở chùa Tây Phương, đến những ông lính đứng bên voi ngựa ở lăng Khải Định, từ tượng đài chiến sĩ Điện Biên đến tượng những người du kích ở đất thép Củ Chi. Tất nhiên là cả những bức tượng tạc các danh nhân của dân tộc…

Nhưng bức tượng mà tôi nhớ nhất, thích nhất, là tượng đài một người công nhân bình dị  trong khuôn viên Công ty Xi măng Hải Phòng cũ, nay là một khu đô thị sang trọng bậc nhất thành phố cảng.

Đó là pho tượng bằng bê tông, tả thực một nam công nhân để ngực trần, tay trái vịn vào chiếc xe đẩy xếp chồng 7 bao xi măng. Dáng đứng ung dung tự tại và gương mặt hào sảng, cộng với chiếc khăn vắt hờ trên vai, nom pho tượng như đang cất tiếng nói: "Tôi người Hải Phòng", như tên một bài hát ăn khách ở đất cảng gần đây.

Cuộc đời sau ống kính: Bức tượng công nhân xi măng - Ảnh 1.

“Tượng ông Chỉ” năm 2004

Đặc biệt, theo tư liệu lưu trữ của Công ty Xi măng Hải Phòng, bức tượng được theo nguyên mẫu là anh công nhân Nguyễn Duy Chỉ, năm ấy 30 tuổi. Ông Chỉ sinh năm 1931, là công nhân xe cày thuộc Phân xưởng Nghiền tháo (là bộ phận nghiền clinker thành xi măng và đóng bao thành phẩm). Xe cày thì là loại xe đẩy với 2 bánh để vận chuyển các bao xi măng trong nội bộ.

Vào tháng 5/1961, một nhóm chuyên gia Liên Xô và Rumani cùng các nhà điêu khắc Trần Văn Lắm, Phạm Gia Giang (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam) đã đến Nhà máy Xi măng Hải Phòng khi đó và triển khai dự án dựng bức tượng này. Sau hơn 3 tháng, với sự hỗ trợ của nhà máy và cá nhân ông Chỉ với tư cách người mẫu, tượng đài Công nhân Xi măng đã hoàn thành. Từ người mẫu có chiều cao 1,68 mét, nặng 71 kg của ông Nguyễn Duy Chỉ, một tượng đài bằng bê tông cốt thép đã được dựng lên với chiều cao 5 mét, nặng khoảng 25 tấn, tính cả phần bệ tượng.

Cuộc đời sau ống kính: Bức tượng công nhân xi măng - Ảnh 2.

“Tượng ông Chỉ” nhìn từ bên kia sông Hạ Lý, chụp năm 2016

Ngoài phần tượng tạc ông Chỉ với dáng đứng tự tại và tay phải chống nạnh của một người làm chủ, trên bệ tượng có khắc dòng chữ "Hãy sản xuất nhiều xi măng cho Tổ quốc", là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm và nói chuyện với công nhân Phân xưởng Nghiền tháo ngày 30/5/1957 (đây cũng là khẩu hiệu trước cổng Công ty Xi măng Hải Phòng ở vị trí mới). Dưới chân tượng là một hình ảnh người công nhân bị áp bức bóc lột, bởi chủ Pháp của nhà máy, như một lời nhắc nhở về một thời lầm than, nô lệ.

Cũng theo tài liệu của Công ty Xi măng Hải Phòng, đây là bức tượng đầu tiên của các xí nghiệp, nhà máy tại miền Bắc và phản ánh tinh thần làm chủ của công nhân từ khi nhà máy về tay nhân dân.

Đáng chú ý, khi mới xây dựng, tượng đài này được đặt trong sân khu văn phòng của nhà máy, hướng ra sông Hạ Lý. Đến năm 1998 thì được dịch chuyển ra bờ sông và nhìn vào khu văn phòng.

Về phần "nhân vật chính", ông Nguyễn Duy Chỉ đã nghỉ hưu năm 1989 và mất năm 2004 tại quận Lê Chân, Hải Phòng. Nhưng tất cả cán bộ, nhân viên nhà máy Xi măng Hải Phòng vẫn gọi đây là "tượng ông Chỉ".

Cuộc đời sau ống kính: Bức tượng công nhân xi măng - Ảnh 4.

“Tượng ông Chỉ” năm 2022

Đặc biệt hơn, khi nhà máy cũ được đóng cửa để chuyển đổi thành một khu đô thị, "tượng ông Chỉ vẫn được giữ nguyên ở vị trí cũ. Ngày nay tượng đài này nằm giữa một vườn hoa đẹp. Trong khu đô thị còn có một bảo tàng xi măng với một ống khói cũ của phân xưởng xi măng trắng, đây thực sự là những việc làm đáng khen của thành phố Hải Phòng cũng như chủ đầu tư dự án đô thị này…

Lưu Quang Phổ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm