Cuộc đời người hành khách sống sót cuối cùng của tàu Titanic

02/06/2009 09:52 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chủ nhật qua, bà Millvina Dean, người Anh, đã tạ thế ở tuổi 97. Lúc sinh thời, bà từng trải qua vụ tai nạn chìm tàu Titanic với tư cách hành khách trẻ nhất và cũng là nhân chứng cuối cùng của thảm họa hàng hải này.

Tuổi thơ bão tố

Elizabeth Gladys Dean, còn được biết tới với cái tên Millvina Dean, đã qua đời trong giấc ngủ tại một nhà dưỡng lão ở Southampton, Anh, hôm 31/5. Thành phố cảng này là nơi gia đình bà đã bước lên tàu Titanic với hy vọng tìm được cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở Mỹ. Cái chết của bà cũng diễn ra đúng lễ kỷ niệm 98 năm ngày hạ thủy tàu Titanic (31/5/1911).


Millvina Dean, người sống sót cuối cùng trong vụ đắm tàu Titanic vừa mới qua đời

Bà Dean là hành khách nhỏ tuổi nhất (9 tháng tuổi) khi lên tàu Titanic tới Mỹ. Cha bà, ông Bertram Dean, đã bán quán bar nhỏ của gia đình ở Southampton rồi mua vé cho cả nhà tới nước Mỹ với hy vọng sẽ tìm được cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Lẽ ra cả nhà đã lên một con tàu khác, nhưng do cuộc đình công của giới khai thác than, họ được chuyển sang Titanic và ở trong khu vực vé hạng ba.

Dean cho biết cha bà đã sớm nhận thấy những chấn động lạ khi con tàu đụng phải băng trôi. Ông lên boong tàu kiểm tra trước khi nhanh chóng trở lại giúp vợ con rời khỏi Titanic. Cha mẹ quấn Dean trong một mảnh vải để chống lại cái lạnh của Đại Tây Dương và chuyển bà xuống xuồng cứu hộ số 13. Người anh trai 2 tuổi và mẹ bà cũng được cứu sống. Nhưng ông Betram thì không được may mắn như vậy. Cùng với 1.516 người khác, ông đã thiệt mạng khi con tàu mệnh danh “không thể chìm” vỡ ra làm hai và chìm dần xuống đáy đại dương.

Cùng với khoảng 700 người sống sót sau tai nạn, gia đình bà Dean được tàu Carpathia cứu, đưa về New York (Mỹ). Ở đây một thời gian, mẹ Dean quyết định đưa bà và anh trai trở lại Anh trên tàu Adriatic. Các hành khách trên cùng chuyến đi, sau khi biết gia đình bà sống sót qua thảm họa, đã vây quanh hỏi thăm. Lẽ dĩ nhiên Dean, người sống sót nhỏ tuổi nhất của Titanic, thu hút nhiều sự chú ý hơn cả. Để ai cũng có thể tận mắt ngắm Dean, các sĩ quan trên tàu Adriatic đã yêu cầu không một hành khách nào được ôm bà quá 10 phút. Dean không hề hay về tất cả tấn thảm kịch đã diễn ra cho tới khi được 8 tuổi. Mẹ bà, lúc chuẩn bị tái giá, mới kể cho con gái nghe về mọi chuyện. Dean từng kể rằng mẹ mình vẫn bị ám ảnh về vụ chìm tàu này cho tới khi qua đời ở tuổi 95.

Mối liên hệ sống cuối cùng

Cuốn sách về cuộc đời bà Millvina Dean
Trở về Anh, Dean dành phần lớn thời gian sống tại Southampton. Bà làm việc trong vai trò một thư ký và không bao giờ kết hôn. Dean không liên lạc với những người say mê Titanic và cũng ít khi nói về thảm họa mà mình đã trả qua. Bà từng xem phim A Night To Remember về Titanic hồi năm 1958 cùng một số người sống sót khác. Tuy nhiên bộ phim khiến bà tức giận tới mức đã từ chối xem tất cả các phim sau đó nói về thảm họa Titanic, bao gồm cả siêu phẩm của James Cameron. Bà cũng không tiếp xúc với những cuốn sách, CLB, trang web liên quan tới Titanic và chưa từng tham quan xác con tàu khi nó được tìm thấy vào năm 1985.

Người ta chỉ biết tới Dean vào năm 1987, khi bà tham dự một lễ tưởng niệm ở Southampton nhân 75 năm vụ chìm tàu Titanic. “Đột nhiên mọi người biết tên tôi” - Dean kể lại hồi năm 2002. Bà lập tức trở thành khách mời thường xuyên trong những sự kiện liên quan tới Titanic, được phỏng vấn trên các kênh truyền hình và đài phát thanh. Hàng loạt những người quan tâm tới Titanic đã gửi thư cho bà.

Năm 1998, Dean đã có một chuyến đi từ Southampton tới New York trên tàu Queen Elizabeth II. Trước chuyến đi này, bà chưa từng đặt chân lên một con tàu biển nào khác kể từ năm 1912. Lần đó, Dean đã tới Missouri để ngắm ngôi nhà mà cha mẹ mình dự định tới sống và thú nhận rằng bà vẫn lạnh xương sống khi nhớ về chuyện cũ.

Là người sống sót từ thảm họa Titanic nhưng Dean thú nhận rằng bà không lưu giữ ký ức nào về vụ tai nạn này. “Tôi thực sự không muốn nhớ, thật đấy” - bà tâm sự với hãng tin AP. Tuy nhiên Dean rất tích cực tham gia nhiều hoạt động liên quan tới Titanic tới tận năm 90 tuổi. Bà cũng tích cực chống lại việc trục vớt xác tàu. Nhiệt huyết của Dean chỉ giảm sút sau khi bà bị tai nạn gãy xương hông. Sự kiện đó khiến bà phải bán bớt một số kỷ vật để trang trải viện phí và sinh hoạt phí ở viện dưỡng lão trước khi nhận được sự trợ giúp về tài chính của các ngôi sao trong phim Titanic (1997).

Cái chết của bà đã khiến những người đam mê Titanic tiếc thương. “Đó là một quý bà đáng nhớ” - ông Charles Haas, Chủ tịch Hội Titanic quốc tế, tâm sự - “Bà ấy là mối liên hệ sống cuối cùng về câu chuyện buồn Titanic”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm