Người sống sót cuối cùng trong thảm họa Titanic bán kỷ vật

17/10/2008 14:38 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 16/10, bà Millvina Dean, một công dân Anh, người sống sót cuối cùng trong vụ tai nạn tàu Titanic, đã công bố kế hoạch bán nhiều kỷ vật của bà còn lưu giữ được cho tới nay để có tiền trả phí cho nhà dưỡng lão nơi bà đang sống. Báo chí đánh giá khả năng thành công của bà Dean là khá lớn bởi sau bao năm kể từ khi tai nạn xảy ra, Titanic vẫn khiến người ta say mê khám phá.
 

Người sống sót cuối cùng
 
 Một kỷ vật lấy được từ
xác tàu Titanic
Millvina Dean là hành khách trẻ nhất của Titanic. Bà mới chỉ 9 tuần tuổi khi Titanic thực hiện chuyến đi đầu tiên của nó. Cha bà, ông Bertram Dean, đã bỏ ra hơn 20 bảng để mua vé cho cả nhà tới nước Mỹ với hy vọng sẽ tìm được cuộc sống mới nơi đây. Thế nhưng giấc mơ của Dean kết thúc vào đêm ngày 14/4/1912, khi ông thức giấc bởi âm thanh của một mỏm băng đang xé nát thành tàu Titanic.

Mẹ bà Millvina kể lại rằng ông Dean chỉ kịp hôn vội vào trán đứa con gái bé bỏng trước khi đẩy vợ con vào một chiếc xuồng cứu hộ. "Anh sẽ đi sau em, trên một con thuyền khác" - ông hét lên với vợ. Nhưng Dean đã không may mắn như vợ con. Thi thể của ông không bao giờ được tìm thấy.

Giờ bà Millvina Dean đã 96 tuổi. Những kỷ niệm của quá khứ vẫn còn in dấu mạnh nơi bà. Nhưng tới đây bà Dean sẽ buộc phải chia tay với chúng. Bà đã có kế hoạch bán sạch các kỷ vật, gồm một chiếc vali đầy quần áo do người dân New York tặng khi bà lên bờ; một bức thư của Quỹ hỗ trợ Titanic gửi cho mẹ bà trong đó nói rằng cả gia đình sẽ được hỗ trợ 1 bảng, 7 shilling và 6 pence một tuần; vài tấm hình hiếm về Titanic, gồm một tấm tả cảnh con tàu rời khỏi bến tàu của công ty mẹ White Star ở Southampton.
 Người sống sót cuối cùng trong thảm họa Titanic, bà Millvina Dean
Tất cả chỉ vì kế sinh nhai. "Tôi phải bán hết chúng để trả tiền phí ở nhà dưỡng lão" - bà Dean nói với hãng tin BBC. Hai năm trước đây, bà Dean đã phải chuyển tới sống ở một nhà dưỡng lão tư nhân tại Hampshire. "Tôi tưởng mình chỉ phải ở đây trong hai tuần sau khi bị ngã gẫy xương hông. Nhưng tôi bị nhiễm trùng và phải ở đây trong gần 2 năm trời. Tôi không thể sống ở nhà mình được nữa"- bà nói.

Sức hút Titanic

Ông Andrew Aldridge đại diện cho nhà đấu giá Henry Aldridge & Son đã có những đánh giá cao về các món đồ bà Dean định đem bán, nhất là chiếc vali: "Chiếc va li của bà Dean là một vật độc đáo và chứa đầy xúc cảm. Nó là hình ảnh thu nhỏ về những gì người dân New York đã làm cho người bị nạn trên tàu Titanic. Nó cũng cho thấy sự khốn khổ của những người sống sót khi tới New York. Nhiều người trong số họ chỉ còn mỗi bộ quần áo trên người". Bà Dean hy vọng sẽ thu về được khoảng 3.000 bảng từ việc bán đấu giá. Nhưng thực tế cho thấy các cuộc đấu giá liên quan tới Titanic từ trước tới nay thường mang lại món tiền cao hơn so với những gì người ta mong đợi.
Cụ thể như hồi năm 2003, Tấm thực đơn dành cho thủy thủ đoàn Titanic được bán với giá hơn 50.000 USD tại cuộc đấu giá của nhà đấu giá Sotherby khi người ta chỉ hy vọng nó đạt mức 24.000 USD. Trong cuộc đấu giá hồi năm 2006, chiếc khung ảnh của một phụ nữ có tên Churchill Candee được bán với giá 110.000 USD, mức giá cao nhất cho một kỷ vật Titanic khi đó. Các bức thư và điện báo liên quan tới bà Churchill Candee cùng các bản chép tay ghi lại chi tiết thảm họa được bán với giá 94.000 USD.

Mới đây, trong cuộc đấu giá hồi tháng 6/2008, một chiếc áo phao cũ nát lấy được từ Titanic đã được bán với giá 68.500 USD. Nhà đấu giá Christie's cho biết, chiếc áo phao được một nông dân có tên James Dunbar tìm thấy ở bờ biển Halifax một thời gian sau khi Titanic bị chìm. Còn trước đó, trong cuộc đấu giá một chiếc áo phao khác hồi năm 2007, Christie's đã thu về 119.000 USD.

Thực tế này cho thấy Titanic vẫn có sức hút lớn dù thảm họa liên quan tới nó xảy ra đã lâu. "Sự quan tâm dành cho Titanic nằm ở việc con tàu khổng lồ này đã đâm phải một núi băng và chìm. Nhưng trên tàu còn có hơn 2.000 con người, phụ nữ, đàn ông, trẻ em... tất cả đều có những câu chuyện riêng của họ khiến người ta quan tâm" - ông Aldridge nhận xét.

Vẫn còn những bí mật

Như để minh chứng cho tuyên bố của ông Aldridge, hôm 15/10, tác giả Brad Matsen đã xuất bản cuốn "Những bí ẩn cuối cùng của Titanic: Cuộc phiêu lưu của các thợ lặn nước sâu John Chatterton và Richie Kohler", trong đó nêu ra một loạt thông tin người ta chưa từng biết tới về Titanic. Các thông tin này có được từ nhiều thợ lặn và chuyên gia từng tiếp cận với xác tàu Titanic.

Theo đó con tàu đã chìm quá nhanh so với người ta dự kiến. Nếu tàu nổi trên mặt nước thêm 45 phút nữa, số người chết đã không lên tới hơn 1.500. Phần đuôi của tàu Titanic không vươn lên cao khỏi mặt nước khi con tàu gẫy làm đôi như trong siêu phẩm điện ảnh cùng tên của James Cameron.

Những người đóng tàu đã sử dụng thép mỏng và rivet yếu hơn so với thiết kế. Họ đã sử dụng các tài liệu kỹ thuật dành cho việc đóng tàu nhỏ hơn Titanic và được viết cách đó 15 năm. Titanic có quá ít xuồng cứu hộ do luật đường biển không chặt chẽ và cập nhật như hiện nay. Khi các chủ sở hữu và những người đóng tàu Titanic phát hiện ra việc con tàu bị vỡ đôi như thế nào, họ đã ém nhẹm mọi chuyện vì sợ bị kiện. Cơ quan điều tra sau này cũng chỉ đổ lỗi cho thuyền trưởng vì đâm vào núi băng.

 Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm