Cuộc chu du trong hỏa ngục

02/09/2017 06:59 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -  Năm 1964 một vận động viên Australia biến thành bưu kiện để được về nhà và bất ngờ trở thành “anh hùng dân tộc”. Một chàng trai xứ Wales lập tức học tập, và suýt nữa… được đưa vào nhà xác!

Như dưới hoả ngục

Khi Reg Spiers tỉnh dậy từ cơn hôn mê, anh vẫn ở ngoài đường băng của phi trường Bombay. Trần truồng. Đầu lộn xuống đất. Buộc chặt trong cái hòm gỗ dưới sức nóng của mặt trời Ấn Độ. “Nóng như dưới hoả ngục”, anh kể lại.

Nhưng phần lớn chuyến đi dài 21.000 cây số từ Anh sang Australia còn chưa diễn ra! Chuyến đi này sẽ làm anh nổi danh như cồn, rồi sau đó thành tội nhân. Thiếu chút nữa thì anh đã lìa đời trên chuyến đi đó, dù là mọi chuyện bắt đầu rất nhẹ nhàng và vô tư: Spiers, 22 tuổi, muốn về thăm nhà nhưng túi nhẵn tiền và nảy ra một sáng kiến khá liều mạng.

Spiers từng là vận động viên ném lao đầy triển vọng. Năm 1962, anh đại diện cho Australia tại Đại hội thế thao Khối thịnh vượng chung với thành tích lừng lẫy, con đường dẫn đến Thế vận hội 1964 tưởng như rắc đầy hoa hồng.

Chú thích ảnh
Công nhân bốc vác Gary Hatch thuật lại hình ảnh khi phát hiện ra Brian Robson trong hòm

Không may anh bị chấn thương khá nặng. Spiers tới London chữa trị và ở nhà một người bạn cũng là vận động viên ném lao, John McSorley. McSorley kiếm cho bạn một việc làm ở bộ phận gửi hàng của phi trường, vì bạn anh không có tiền mua vé hồi hương. Đúng lúc số tiền trong ví Spiers đủ mua vé thì bị kẻ cắp móc mất. 

Mùa Thu ẩm ướt đã đến và con gái anh sắp đón sinh nhật rồi, song Spiers vẫn mắc kẹt ở London, phát cuồng vì nhớ nhà. Rồi anh phát hiện ra giải pháp khá đơn giản, nằm sờ sờ trước mắt: ngày nào anh cũng đẩy những thùng gỗ lên tàu bay, trong đó là những con thú cưng được chuyển theo đường hàng không. May cho anh, McSorley có nghề mộc và sẵn lòng đóng cho bạn một cái thùng. Spiers có thể buộc chặt người trong đó, ngồi duỗi chân hay nằm co chân, có thể lấy đồng xu tẽ các kẽ ván ra lấy khí thở, và khi cần thì mở được hai tấm ván từ bên trong. Dĩ nhiên trong thùng có cả chăn, gối, đồ hộp, nước uống, sô cô la…

Lên đường!

McSorley chở thùng “hàng” đến phi trường Heathrow, gửi theo hình thức được người nhận thanh toán sau. Trong đó Spiers ngồi thiền, sẵn sàng cho chuyến đi xa, dù chưa biết là rất xa! Chuỗi rủi ro bắt đầu ngay ở London: chuyến bay bị hoãn vì sương mù. Spiers cắn răng đợi 24 tiếng, cho đến khi cái thùng được đẩy vào bụng phi cơ. Trên không trung, anh trèo ra, tè vào một cái lọ và đặt nó lên nóc thùng đúng lúc máy bay hạ độ cao để xuống Paris. Spiers kịp chui vào thùng nhưng quên cái lọ!

Nhân viên mặt đất của Pháp chửi um lên, họ cho cái lọ là trò chơi khăm bẩn bựa của các đồng nghiệp Anh. Spiers run rẩy nghe họ quát tháo, may mà vì thế không ai để ý đến thùng gỗ với món hàng kỳ dị.    

Thùng “hàng” đi tiếp tới Bombay. Spiers nếm trải cái nóng Ấn Độ 4 tiếng liền trên đường băng, “mồ hôi túa ra nhớp nháp như một con lợn”, vài lần ngất đi rồi tỉnh lại. Sau 63 giờ đằng đẵng, Spiers nghe qua vách thùng tiếng Anh theo phương ngữ Perth của đám thợ bốc vác và biết đã đến đích. Đợi cái thùng được chở vào kho, Spiers chui ra, khoác bộ com-lê đem theo cho lịch sự. Sau đó anh xé một bịch bia trong kho để tự ăn mừng chiến công, trèo rào ra đường cái và vẫy xe đi nhờ.

Quá hạnh phúc trong vòng tay vợ con, Spiers quên bẵng phải báo tin cho John McSorley! Anh này lo lắng gọi điện cho bạn mình là phóng viên ở Perth, và thế là ngôi nhà của Spiers bị hàng trăm nhà báo vây chặt để xin phỏng vấn. Spiers trở thành anh hùng dân tộc - câu chuyện một người đàn ông nằm trong thùng đi nửa vòng trái đất về dự sinh nhật con gái làm rung động trái tim cả nước Australia! Mấy tuần liền, báo chí không có đề tài nào nóng hơn…

“London hay là chết”

Một cu cậu 19 tuổi đọc tin ấy khi đang vật vã với một vấn đề tương tự, tuy theo chiều ngược lại: Brian Robson, người Wales, muốn ra khỏi Australia. Được nhà nước cử sang Australia để làm nghề soát vé trong hai năm, sau đó phải tự mua vé về, nhưng Brian ngán cái nghề này đến tận cổ. Song chừng nào chưa làm đủ hai năm thì Robson không được hồi hương hợp pháp. Cu cậu bèn trốn lên tàu thuỷ, chẳng may nôn oẹ vì say sóng nên bị phát hiện.

Mẹo của Spiers có vẻ đơn giản hơn, rủi thay, Brian không có người bạn nào làm thợ mộc. Cu cậu bèn đi mua một hòm gỗ thông khá nhỏ ở chợ bán vật liệu xây dựng. Tiếc rẻ cái va li cũ, cậu nhét cả nó vào hòm luôn thể, và thế là cậu chỉ có thể nằm còng queo suốt chuyến đi.   

Một người bạn chở cái hòm đến sân bay Melbourne, khai là máy tính gửi đi bảo hành. Do chuyến bay chỉ kéo dài 36 tiếng nên Brian đem theo mỗi vài gói bích quy và một chai nước.

Giống như với Spiers, ở Sydney công nhân vận tải lật úp cái hòm “máy tính”, và nó quá chật chội để Brian đổi tư thế nằm. Máu dồn xuống đầu khiến cu cậu bất tỉnh vài lần trong 22 tiếng tiếp theo. “Trong đầu tôi chỉ quẩn quanh một ý nghĩ: London hay là chết!”, Brian nhớ lại.

Rốt cuộc thì hòm cũng được chở lên máy bay để về với đất mẹ, hay ít nhất là Brian tưởng thế. Ai ngờ nó bị chuyển đi theo đường vòng và chuyến du hành không chỉ dài thêm, mà còn biến thành một cực hình không lời nào tả xiết. “Các khớp xương đau nhừ, rồi dần dần sưng to, tôi hầu như không có không khí để thở, trong cơn mê sảng tôi thấy mình bị ném khỏi phi cơ…”, đến tận hôm nay những cơn ác mộng còn hành hạ Brian từng đêm.

Cả hai cùng thoát chết ngoạn mục

Rồi thì máy bay cũng hạ cánh, nhưng Brian không đủ sức đạp ván chui ra. Chỗ bánh bích quy cậu ăn hết ngay khi cất cánh, chai nước thì bị đổ gần hết. Với sức tàn cuối cùng cậu rút đèn pin ra nhưng lại đánh rơi mất - và đó chính là ngôi sao cứu mệnh vào phút cuối cùng. Thợ bốc vác Gary Hatch tình cờ nhìn thấy ánh sáng lay lắt trong hòm, đục một lỗ nhìn vào và rú lên vì “tưởng nhìn thấy một xác chết”.

 Anh gọi cảnh sát. Nhân viên hải quan và y tế cứu Brian khỏi cái nhà tù gỗ thông và đưa đi cấp cứu. Bản thân Brian không đủ sức thốt lên nửa lời, nhưng tai cậu vẫn đủ thính để nghe ra âm hưởng tiếng Anh là lạ: sau 92 tiếng đồng hồ tra tấn, Brian không tiếp đất London, mà ở… Los Angeles! Bác sĩ phỏng đoán, nếu Brian bay tiếp chuyến sau kéo dài 12 tiếng để về London thì chắc chắn sẽ vào thẳng nhà xác.  

8 nữ vận động viên quyến rũ nhất thập niên 1990

8 nữ vận động viên quyến rũ nhất thập niên 1990

Bạn yêu thích thể thao? Bạn thuộc thế hệ “8x”? Vậy chắc hẳn những gương mặt khả ái và tràn đầy tài năng dưới đây sẽ gợi lại trong bạn rất nhiều kỷ niệm...

Brian được đưa vào trạm xá của… một trại giam, vì dù sao cũng vừa nhập cảnh phi pháp, sau đó ngồi xe lăn ra toà. May cho cậu, thẩm phán rất nhân từ, và hãng hàng không Pan American được quảng cáo miễn phí nên xông xênh biếu cậu một vé hạng nhất về London. Brian quên giày trong hòm, đi tất leo lên máy bay, chỉ sợ người ta đổi ý!

Hôm nay, Brian Robson đã ở tuổi 73 khả kính là chủ một chuỗi cửa hiệu bán lẻ và ít nhiều ân hận đã bắt chước trò ngu xuẩn của Spiers. Còn Spiers? Kinh nghiệm du lịch phi pháp khiến nhân vật này sinh ra ý tưởng lập một băng buôn ma tuý, rồi bị 10 năm tù vì chuyên chở cocain và cần sa có giá 1,2 triệu Dollar Úc. Spiers vượt ngục qua Ấn Độ, chuyên nhập khẩu ma tuý và lại ra toà. Thêm lần nữa Spiers thoát hiểm và trốn qua Sri Lanka. Năm 1984, Spiers bị bắt ở đó, cũng vì ma tuý, và chuẩn bị dựa cột thì may sao Đại sứ Australia thương thảo với Sri  Lanka và đưa công dân mình về ngồi tù 5 năm ở Adelaide. Sau đó không ai nghe gì về Spiers nữa.

Nhưng một Spiers khác, Jane Spiers, khuấy động mặt báo vì bị tuyên án 6 năm tù hồi 2011. Lý do: buôn ma tuý. Xuất xứ: con gái rượu của ông Reg Spiers.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm