Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận

15/02/2024 14:56 GMT+7 | Văn hoá

"Với tôi, con đường nghệ thuật là phương tiện để tu thân, là năng lượng tưới tắm cho tâm hồn rộng mở và nguồn mỹ cảm sâu xa từ trong tâm thức, là hành trang để tự tại bước trên lộ trình đến với cái đẹp" - họa sĩ Hắc Long tự bạch.

Họa sĩ Hắc Long sống ở "mảnh đất gió ngàn" Thái Nguyên. Cuối năm 2023, ông đã tái ngộ công chúng Hà Nội với triển lãm Quê nhà tại Hà Nội, sau 15 năm kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên Đi giữa đời lặng lẽ (năm 2008) và tiếp đó là Lộ (năm 2013). Nhiều người nói, phải bản lĩnh, Hắc Long mới có đến 3 lần "lai kinh" trưng tranh. Nhưng đáng lắm, bởi mỗi lần xuất hiện, Hắc Long lại cho thấy một cái tôi sáng tạo riêng, tuy mới nhưng thống nhất ở con đường luôn hướng đến chân - thiện - mỹ, và hội tụ trong mình cả đời - đạo - nghiệp.

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 1.

Họa sĩ, võ sư Hắc Long

Vẽ bằng tấm lòng tri ân

Quê nhà bày 32 tác phẩm sơn dầu khổ lớn về văn hóa truyền thống, đậm chất dân gian đương đại với 2 mảng đề tài về vùng Kinh Bắc và Việt Bắc. Trong đó, Kinh Bắc là nơi chôn nhau cắt rốn. Còn Việt Bắc, mà cụ thể là Thái Nguyên, là nơi đã chứng kiến Hắc Long trưởng thành trong nghệ thuật và cũng là nơi anh sống suốt hơn 30 năm qua.

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 2.

Năm 1990, Hắc Long được mời lên Thái Nguyên làm họa sĩ thiết kế sân khấu cho đoàn kịch nói Bắc Thái. Quãng thời gian làm thiết kế mỹ thuật sân khấu cho đoàn kịch nói, đoàn chèo, rồi các cấp văn hóa tại Thái Nguyên, Hắc Long có điều kiện được đi và khám phá nhiều vùng đất. Tới đâu, anh cũng mang màu, mang bút để ký họa và vẽ phong cảnh. Đến giờ, miền non nước Việt Bắc hùng vĩ, những mái nhà sàn thấp thoáng trong sương, rồi những chợ phiên vùng cao rực rỡ sắc màu… vẫn cứ hằn sâu trong tâm trí của anh. Và, những tác phẩm Đám cưới người Dao, Sơn nữ, Xuống chợ,… lần lượt ra đời mang đậm dấu ấn sắc tộc vùng cao.

Có lẽ phải nhờ vẽ bằng tấm lòng tri ân nên tranh Hắc Long mới thấm đẫm  hồn vía dân tộc đến thế. Về bức Múa nghê, anh cho biết: "Múa nghê là múa của người Việt Nam, thuần Việt Nam, có từ thời nhà Lý - Trần, nay đã thất truyền. Múa nghê gồm hai con nghê, một con đực, một con cái. Nó biểu hiện cho một âm, một dương, mà âm - dương là lưỡng nghi sinh ra trời đất. Ở đây ngụ ý vạn vật là do âm dương, trời đất sinh thành".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 3.

Tác phẩm “Múa nghê”

"Múa nghê còn có thêm một cô tiên, một người đánh thanh la đeo mặt nạ chú tễu và một người thổi sáo. So với múa lân, múa nghê tinh tế, nho nhã, mềm mại, uyển chuyển hơn trong tiếng sáo, thanh la được tấu du dương, nhẹ nhàng. Hơn thế, trang phục múa nghê thuần Việt, mang đặc trưng Lý - Trần, nay có thể tìm thấy trong hệ thống tượng pháp tiên nữ ở các ngôi chùa cổ" - anh nói thêm.

Hay bức Lễ cúng Thần Nông, Hắc Long giải thích: "Thờ cúng Thần Nông là tín ngưỡng phổ biến ở vùng châu thổ Bắc bộ. Thần Nông là vị thần có công dạy người dân cấy trồng, nghề làm nông từ thời thượng cổ. Lễ tế thường diễn ra hàng năm ở miếu Thần Nông thường được xây ở cánh đồng. Đây là một lễ tế độc đáo để tạ ơn Thần Nông. Lễ vật thường có vàng mã hình con trâu, có hình nhân Thần Nông, cùng những sản vật như xôi oản, nải chuối, hoa quả mùa nào thức nấy".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 4.

Tác phẩm “Lễ cúng Thần Nông”

Xem tranh Hắc Long,ta còn thấy nhiều hơn nữa những hình tượng dân gian được khai thác bằng cái nhìn chọn lọc. Nào là Tâm sự trầu cau đủ dãi dầu mưa nắng trên gương mặt hiền từ của những bà cụ đầu chít mỏ quạ, chân tòe Giao Chỉ hướng đủ bốn phương. Nào là Thôn nữ ngủ ngày, yếm điều huê tình thắt ngang lưng mặc nhân tình thế thái. Nào là Góc chợ quê đủ chuyện buôn gánh bán bưng trên nét mặt sớm hôm méo-tròn. Nào là Liền anh liền chị mớ ba mớ bảy xúng xính trẩy hội ngày Xuân. Nào là Chú Tễu tươi vui trong sắc phục muôn màu. Nào là  Điếu thuốc lào nặng tình đời trong đêm quê sáng ánh đèn dầu…

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 5.

Tác phẩm “Liền anh liền chị”

Cái hay của Hắc Long là chạm được vào hồn vía của văn hóa dân tộc thông qua những chi tiết có tính đại diện, biểu tượng - thay vì nệ vào đề tài, tạo hình hay màu sắc. Hay nói cách khác, tranh Hắc Long phát lộ tinh thần phương Đông đầy ắp, nét dân gian sắc lẹm, mang lại cảm giác vừa thân thuộc, gợi thương vừa xa xăm, hoài nhớ.

Hắc Long chia sẻ, bởi anh được sinh ra nơi thôn dã, chân lấm tay bùn đã quen, tay cấy tay cày vốn thạo nên chất quê cứ thấm dần thành vốn liếng để thả nét mà thành hồn vía. Cái chất quê ấy cứ theo suốt cả cuộc đời, là những ký ức không phai mờ cho anh được duyên trong tranh.

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 6.

Tác phẩm “Tâm sự trầu cau”

"Nếu tôi không hiểu, không sinh ra ở quê, tôi chỉ vẽ cái vỏ, không vẽ được hồn cốt của nó. Hồn vía quê nhà ảnh hưởng rất lớn trong cuộc đời sáng tác của tôi" - anh nói - "Phải sống với người dân quê, phải hiểu họ, tôi mới có thể vẽ ra hồn. Còn chỉ đứng quan sát từ xa hay chỉ dựa vào tư liệu sẽ không thể khắc họa ra cái tinh thần. Quan trọng nhất vẫn là phải đưa được hồn cốt văn hóa vào trong tranh. Nếu không truyền tải được cái hồn cốt, người họa sĩ chỉ đang minh họa văn hóa".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 7.

Tác phẩm “Đám cưới người Dao”

"Có nhiều nét văn hóa thuần Việt bị mai một theo thời gian. Như khăn mỏ quạ, răng đen, áo nâu, quần lá của lớp người xưa nay không còn thấy. Đó, hồn cốt dân tộc đang phôi phai, mất dần. Cho nên, những người nghệ sĩ như tôi phải có bổn phận níu kéo, lưu giữ hồn dân tộc cho thế hệ sau" - anh chia sẻ thêm.

Võ cũng hành thiền, vẽ cũng hành thiền để có được trạng thái nhẹ nhàng, thư thái. Ở đây, thiền không có nghĩa chỉ là tọa thiền, mà đi, đứng, ngồi, nằm đều là thiền. Khi tâm tĩnh, không tán loạn, đó là thiền".

Võ, vẽ đều là nghiệp

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc tới Hắc Long với tư cách võ sư, chưởng môn phái Thiếu lâm Kungfu Việt Nam.

Với Hắc Long, nếu vẽ là lẽ sống thì võ là nghiệp phận. Chưa kể, Hắc Long còn là người chuyên tâm tu hướng đạo Phật, ít người biết, anh còn có pháp danh Thích Thiện Thiền.

Võ thuật giúp anh có sức khỏe, có năng lượng sung mãn. Với năng lượng này, nhìn tranh của anh dễ thấy tươi vui, phấn chấn, không ảm đạm, buồn bã. Tranh Hắc Long mang từ trường của một người tu luyện võ thuật và hành thiền Phật đạo. Đây là thứ từ trường tích cực, nói rộng ra là từ trường từ - bi - hỷ - xả của nhà Phật. Trong khi, ảnh hưởng của võ thuật mang đến cho anh lối vẽ với tạo hình khỏe mạnh, khúc chiết, màu sắc tương phản mạnh mẽ.

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 9.

Họa sĩ Hắc Long (phải) tại triển lãm tranh Quê nhà

Về đam mê võ thuật của mình, Hắc Long chia sẻ: "Thuở nhỏ, tôi ốm yếu, gầy gò. Tôi muốn rèn luyện nên đi học võ cho khỏe mạnh, tự tin. Khi tập võ tôi có nhiều thay đổi, một là sức khỏe tốt hơn, hai là đi đâu, làm gì cũng tự tin. Đặc biệt, võ thuật giúp tôi làm công việc gì cũng đến nơi đến chốn, việc gì đã đặt mục tiêu sẽ làm đến cùng".

"Tôi tập mãi, tập mãi, rồi có cơ duyên trở thành thầy dạy võ. Tôi đã học rất nhiều môn võ. Nền tảng của tôi là võ Thiếu Lâm Trung Hoa, rồi võ cổ truyền Việt Nam. Sau đó tôi sáng lập ra môn phái Thiếu Lâm Kungfu Việt Nam để phù hợp với người Việt Nam" - anh kể - "Thời gian sau, tôi tiếp tục tập luyện môn Vĩnh Xuân quyền và những năm gần đây tôi tập thêm Kickboxing, Muay Thái với tinh thần tiếp thu thêm tính khoa học, tính ưu việt của những môn võ quốc tế để truyền dạy".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 10.

Võ sư Hắc Long được biết đến là chưởng môn sáng lập phái Thiếu lâm Kungfu Việt Nam

Hắc Long dành cả đời để luyện võ. Riêng dạy võ anh đã có hơn 30 năm hành nghề ở Thái Nguyên. Võ với Hắc Long đúng nghĩa là cuộc sống. Hằng ngày, anh đều thực hiện nghiêm chuẩn thời khóa Kungfu. Anh thức dậy lúc 4h30, sau đó tọa thiền trong vòng 1 tiếng. Khoảng 2 tiếng sau, anh dành thời gian để tập luyện nội công và võ thuật. Tiếp đó, anh thưởng trà và vẽ tranh. Đến buổi chiều và tối, anh dạy võ. Đây là thời khóa Kungfu được Hắc Long thực hiện đều đặn quanh năm.

Tiết lộ về thời khóa Kungfu của mình, Hắc Long tâm sự: "Võ và vẽ đều là cái nghiệp, không phân chia chính-phụ. Cái nọ hỗ trợ cái kia để cùng phát triển".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 11.

Dễ thấy, ở Hắc Long có sự dung hòa được hai thái cực tưởng đối lập của võ và vẽ, như chính anh chia sẻ: "Tôi là người hành thiền tu Phật đã mấy chục năm nay. Có những thái cực đối lập nhờ vậy mà được dung hòa, và tôi coi tất cả những việc mình làm đều là phương pháp hành thiền. Võ cũng hành thiền, vẽ cũng hành thiền để có được trạng thái nhẹ nhàng, thư thái. Ở đây, thiền không có nghĩa chỉ là tọa thiền, mà đi, đứng, ngồi, nằm đều là thiền. Khi tâm tĩnh, không tán loạn, đó là thiền".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 12.

Có tường tận về đời - đạo - nghiệp của Hắc Long như thế, ta mới thấu tỏ thêm phần nào tranh của anh. Tranh Hắc Long hướng tới chân - thiện - mỹ. Tranh của anh không bạo lực, buồn bã, mà phát ra thứ từ trường an lành, thánh thiện. Đó là tinh thần của Phật pháp được truyền tải trong tranh theo lối "bất lộ thực". Đó cũng là quan niệm làm nghệ thuật mà Hắc Long theo đuổi cốt bắt lấy cái hồn vía thay vì chỉ dừng lại ở minh họa hiện thực.

Họa sĩ Hắc Long tên khai sinh là Nguyễn Xuân Long, sinh năm 1966 tại Hòa Mục, Tân Yên (Bắc Giang). Anh hiện sống và hoạt động nghệ thuật tại Thái Nguyên.

Làm nghệ thuật phải dấn thân

Sống trên đời, đến với đạo, đi cùng nghiệp, mọi sự không phải lựa chọn ngẫu nhiên của Hắc Long. Ngay từ nhỏ, anh đã khởi duyên với Phật pháp và sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật.

 "Từ khi học lớp vỡ lòng, tôi đã rất thích vẽ, thích ngắm tranh và phong cảnh. Thế nhưng, tôi vốn sinh ra ở nông thôn với điều kiện sống khó khăn từ những năm tháng chiến tranh cho đến thời bao cấp" - anh kể - "Thời đó, sống ở làng quê nghèo, ăn không đủ, lấy đâu ra giấy để vẽ. Thậm chí, giấy để học còn không có, giấy đã viết rồi còn phải nhuộm nước vôi trong để viết lại. Điều kiện không có, để thỏa đam mê tôi thường dùng que vẽ trên nền đất, có khi dùng những mẩu than củi vẽ lên khắp các bờ tường dọc đường làng, ngõ xóm".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 14.

Tác phẩm “Thôn nữ ngủ ngày”

Những năm tháng tuổi thơ, anh còn thích ngắm và nặn tượng Phật. Anh nhớ lại: "Khi đi chăn trâu, tôi vẫn thường vào chùa cổ phía cuối làng để ngắm tượng, rồi ghi nhớ những dáng vẻ từ bi, hiền từ. Những ngày sau, tôi hì hục ra ao làng cậy đất sét đem về nặn tượng Phật. Khi tượng khô, tôi lại tiếp tục đi bộ vài cây số lên đồi thông cậy nhựa mang về ngâm với xăng để quang vào tượng cho bóng, rồi bày đầy ra bàn. Hàng xóm láng giềng sang thấy, rồi khen: Thằng này tài thế nhỉ! Có hoa tay, nay mai chắc nó thành họa sĩ".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 15.

Tác phẩm “Tự tình”

Sớm bộc lộ đam mê và năng khiếu từ nhỏ là thế, nhưng gia đình không mấy ai ủng hộ Hắc Long theo đuổi nghệ thuật. Anh kể: "Chỉ có duy nhất cha là người ủng hộ tôi. Cha là người có học nên ông biết năng khiếu của tôi cần được nuôi dưỡng, chăm chút. Cũng chính ông là người động viên và ủng hộ tôi thi mỹ thuật tại trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc vào năm 1985. Khi ấy, mỗi khóa trường chỉ tuyển sinh đúng 12 người, thi rất khó. Sau khi đỗ vào trường, tôi chủ yếu học chuyên môn, sáng hình họa, chiều trang trí".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 16.

Tác phẩm “Chú Tễu”

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp mỹ thuật chính quy tại trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc, Hắc Long theo công việc họa sĩ chuyên môn tại một số trung tâm văn hóa huyện, tỉnh rồi các đoàn chèo, kịch nói nhiều năm cho đến khi trở thành họa sĩ tự do như hiện tại.

Đi sâu vào con đường này, anh còn nghiên cứu thêm nhiếp ảnh, tạo hình hóa trang và trang trí sân khấu nhiều năm. Cho tới nay, có thể nói con đường làm nghệ thuật của Hắc Long là một quá trình chuyên tâm và không ngừng nỗ lực.

Cũng như chính anh tâm niệm: "Làm nghệ thuật phải dấn thân, nhưng dấn thân vào làm nghệ thuật lại là câu chuyện không đơn giản. Ai cũng có thể vẽ được, không học cũng có thể vẽ, nhưng vẽ như thế nào để lay động lòng người, để chinh phục được giới chuyên môn, công chúng mỹ thuật nói chung là cả một vấn đề".

Cùng họa sĩ Hắc Long 'xông đất' năm Rồng: Vẽ là lẽ sống, võ là nghiệp phận - Ảnh 18.

Tác phẩm “Góc chợ quê”

Hắc Long vẫn giữ cho mình quan niệm làm nghệ thuật suốt chừng ấy năm rằng: "Dù vẽ gì đi chăng nữa, cuối cùng người họa sĩ vẫn phải vẽ chính mình. Tranh là người, để tự họa chính mình. Mình vẽ mình, mới có thể định hình được con đường riêng".

Cân đối giữa hiện thực và cách điệu

Họa sĩ Lê Trọng Lân, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành hội họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét về tranh của Hắc Long: "Màu sắc đẹp, bộc lộc một tinh thần lạc quan, yêu đời. Hình khối khỏe mạnh có ảnh hưởng của các trường phái hiện đại nhưng vẫn có tính hài dí dỏm - hồn dân tộc. Bố cục có yếu tố khái quát, tượng trưng của yếu tố dân gian đương đại. Không gian giới hạn nhưng vẫn có chiều sâu… có sự cân đối giữa hiện thực và cách điệu, cường điệu nhân vật".

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm