09/08/2024 05:47 GMT+7 | Thể thao
Từ vị thế môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam với 1 HCB, 1 HCĐ tại Olympic 2008 và 2012, cử tạ sa sút ở mức đáng báo động về khả năng cạnh tranh.
Cử tạ Việt Nam từng có Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB Olympic Bắc Kinh 2008, Trần Lê Quốc Toàn đoạt HCĐ Olympic London 2012. Ngoài ra rất nhiều tuyển thủ cử tạ Việt Nam khẳng định được sức mạnh, đoạt HCV thế giới, châu Á.
Tuy vậy, từ chỗ là mũi nhọn giành 1 HCB, 1 HCĐ Olympic, cử tạ Việt Nam trắng tay ở 2 kỳ Thế vận hội gần nhất. Sau thế hệ của Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn, cử tạ Việt Nam không còn đô cử đủ khả năng gánh vác trọng trách ở sân chơi lớn. Tại Olympic Paris, đô cử Trịnh Văn Vinh không hoàn thành phần thi đấu hạng 61kg, khi thất bại cả 3 lần nâng ở nội dung cử giật với mức 128kg.
Cũng cần phải nói thêm, hạng 56kg nam từng được xem là nội dung trọng điểm của cử tạ Việt Nam. Hàng loạt đô cử đẳng cấp thế giới được Việt Nam đào tạo trong 15 năm qua như Hoàng Anh Tuấn, Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn. Nhưng khi hạng cân này không còn trong chương trình thi đấu Olympic đã trở thành bất lợi, cử tạ Việt Nam gặp khó trong điều chỉnh, thích nghi và giành thành tích tốt khi thi đấu ở hạng 61kg.
Thực tế kết quả thi đấu ở 2 kỳ Olympic gần nhất của Thạch Kim Tuấn, Trịnh Văn Vinh đều cho thấy sự sa sút đáng kể về khả năng cạnh tranh. Bên cạnh những lý do khách quan như điều chỉnh hạng cân, luật thi đấu, thành tích của các đô cử đáng thất vọng. Năm 2021, Thạch Kim Tuấn từng không được tính thành tích ở nội dung cử đẩy, 3 năm sau, Trịnh Văn Vinh không có thành tích ở nội dung cử giật và không có thứ hạng chung cuộc.
Vừa qua tại ASIAD 19, cử tạ Việt Nam đến Hàng Châu với 6 VĐV. Không ai trong số họ có thành tích lọt vào nhóm giành huy chương. Sau thất bại tại Olympic Paris, rõ ràng cử tạ Việt Nam cần phải làm lại và có chiến lược phát triển rõ ràng hơn trong tương lai gần. Những hạng cân nhỏ vẫn là mục tiêu nhắm đến, đặc biệt có sự liên thông gồm cả ASIAD và Olympic, ví dụ như hạng 61kg của nam.
Lúc này, Trịnh Văn Vinh đã bước sang tuổi 29, thời gian thi đấu không còn nhiều nhưng Vinh vẫn được coi là hi vọng giành huy chương ASIAD, hay giành vé đến Olympic. Cử tạ Việt Nam chưa thấy được lớp VĐV kế cận ở đẳng cấp châu lục và điều này báo hiệu cơn khát huy chương ở đấu trường ngoài khu vực ngay tương lai gần.
Dưới góc độ phong trào, như nhiều môn thể thao thành tích cao khác tại Việt Nam, cử tạ chỉ có các giải đấu ở cấp quốc gia trong 1 năm điển hình là Giải vô địch quốc gia, Giải vô địch các Câu lạc bộ quốc gia (giải Cúp), và 1 giải đấu dành cho các VĐV trẻ.
Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cũng thừa nhận khó khăn trong việc phát triển phong trào ở địa phương. Cử tạ không thu hút được nguồn lực xã hội hóa như nhiều môn thể thao khác nên sự đầu tư cho VĐV, kể cả khi tập huấn trong nước cũng hầu như không đáng kể.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất