Phía sau tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn: Giấc mơ Olympic từ Nghiêm Thôn

30/08/2008 20:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Những ngày này, nhà Hoàng Anh Tuấn ở Nghiêm Thôn (Thị trấn Phố Mới, Quế Võ, Bắc Ninh) trở nên nhộn nhịp khi nhà á quân Olympic bận rộn tiếp họ hàng, bạn bè, hàng xóm cà cả các nhà báo từ Hà Nội kéo về. Vừa kể lại chuyện cũ, Hoàng Anh Tuấn vừa vẽ ra cả một dự án hoàng tráng sau khi hoàn thành giấc mơ giành huy chương Olympic.

* Đến với cử tạ từ... lò vật

Tính đến 2008, Hoàng Anh Tuấn vừa đúng 10 năm gắn chặt tình yêu với môn cử tạ. Từ cậu bé ở làng quê nghèo, người đen gầy ngày ấy, chuyện Tuấn đến với cử tạ là cả một câu chuyện dài như mối lương duyên đầy bất ngờ.

Từ nhỏ, nhà vất vả nên Tuấn sớm phải lăn lộn, giúp đỡ mẹ nhiều ở việc nhà. Cũng như nhiều đứa trẻ ở đất Quế Võ, Tuấn cũng thích thể thao, và có tham gia lò vật ở thôn Việt Hùng để chơi với các anh cho vui. Tuấn kể: "Lúc ấy em đến Việt Hùng chơi đấu vật, rồi còn phải đi đòi nợ cho mẹ, đâu có nghĩ đến chuyện trở thành vận động viên".

Gia nhập lò vật được gần 2 tháng thì Tuấn được thầy Huy (hiện nay là cán bộ Trung tâm thể thao ở Quế Võ) cho biết có đoàn từ Trường ĐH TDTT Từ Sơn về tuyển VĐV cho chương trình đạo tạo cử tạ trẻ quốc gia. Tuấn hỏi ngay ông Huy: "em bé con thế này, người được 35 cân, họ có lấy không thầy?". Ở cuộc tuyển quân năm 1998 ấy, ông Phạm Danh Tốn (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao QG 1) là người trực tiếp về tuyển quân và đến giờ Tuấn vẫn khôgn quên lời ông Tốn nhận xét: "Cậu này tố chất bình thường, tay lại hơi cong!". Tuấn chính là người được xét chọn cuối cùng trong số 8 cậu bé được tuyển chọn ngày hôm đó cho lóp VĐV trẻ của chương trình đào tạo Cử tạ QG. Nhưng ở cái lớp học thuộc diện đặc biệt được gửi nhờ ở trường Từ Sơn, chỉ có Tuấn bám trụ theo nghề đến cùng và thành danh đến ngày hôm nay.
 
Hoàng Anh Tuấn lúc 7 tuổi và em gái
 
Hoàng Anh Tuấn đi thi đấu quốc tế
 
Hoàng Anh Tuấn tại giải Cử tạ ở trường Từ Sơn năm 2000.
 
Tủ trưng bày huy chương của Anh Tuấn.
 
Với người dân ở Nghiêm Thôn, kỷ niệm về Hoàng Anh Tuấn có rất nhiều.

Anh Cường, hàng xóm của Tuấn, vẫn nhớ những ngày xưa cũ của cậu con đầu nhà bà Bảy: "Từ nhỏ Tuấn đã vất vả. Nhưng tính nó sống với gia đình, hàng xóm láng giềng tốt lắm. 9, 10 tuổi đầu đã biết giúp mẹ nhiều thứ. Người thì bé, gầy, nhưng cũng liều lắm, dám cưỡi cả xe Mink đi chở hàng thịt bò về cho mẹ bán. Tôi còn nhớ cái cảnh nó đi xe cao hơn người, nên khi gần về đến nhà, Tuấn phải chạy xe chạy chậm đến gần bức tường thấp nào đó hoặc đống rơm để xuống xe". Từ ngày Tuấn trở thành VĐV chuyên nghiệp. anh Cường vẫn quan tâm đến nghề nghiệp của thằng em hàng xóm và khoe: "Hôm nó thi được huy chương Olympic, chúng tôi xem Tivi mừng cho nhà Tuấn quá. Về nhà, Tuấn sang chơi, anh em vui vẻ lắm".

* Người thầy đầu tiên

10 năm gắn chặt với cử tạ, Tuấn đã đi đủ 4 châu lục, qua hàng chục nước, tham gia hàng chục cuộc thi đấu quốc tế đỉnh cao của Cử tạ. Bảng thành tích huy chương quốc tế của Tuấn thuộc diện ấn tượng nhất trong làng thể thao khi chàng trai quê Phố Mới này đã giành được 25 huy chương quốc tế các loại tại giải VĐTG, vô địch trẻ TG, vô địch châu Á, Asiad, Olympic, SEA Games... Ở nhà Tuấn có đóng hẳn một tủ trưng bày huy chương với bộ sưu tập gần 50 tấm huy chương các loại được đặt trang trọng ở phòng khách.

Có được thành công ngày hôm nay, Tuấn đã được thụ giáo, học hỏi rất nhiều từ các HLV nội và ngoại, đặc biệt từ các chuyên gia từ các lò cử tạ Trung Quốc, Bulgari. Nhưng trong tâm trí Tuấn, VĐV VN duy nhất vừa giành huy chương ở Olympic 2008 không thể quên vai trò của người thầy đầu tiên đã dẫn dắt và truyền tình yêu cử tạ cho anh. HLV đầu tiên ấy của Tuấn chính là cựu tuyển thủ QG Đặng Quốc Hải (VĐV ĐT cử tạ tại SEA Games 1997). Tuấn nhớ lại: "Những ngày đầu chúng tôi học tập tạ, anh Hải đã chỉ báo từng ly từng lý, hướng dẫn từ những động tác cơ bản nhất cho đến những điều nhỏ nhặt khi vào nghề".

* Giấc mơ mở lò cử tạ

"Rinh" HCB ở Olympic Bắc Kinh, Hoàng Anh Tuấn về nhà "vinh quy bái tổ" trong niềm vui lớn của gia đình, họ hàng. Sau những bữa tiệc mừng công, những cuộc đón tiếp, Tuấn lại trở về với cuộc sống thường nhật của một VĐV tạ. Từ nay đến hết năm 2008, Tuấn chỉ tập duy trì để tham dự giải VĐQG mà ở hạng cân 56kg anh không có đối thủ. Nhưng với thanh niên đầy cá tính như Tuấn, anh đang ấp ủ những giấc mơ khác.

Với kinh nghiệm tích lũy chục năm nay qua những lần tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, Hoàng Anh Tuấn đã và đang tự hình thành cho riêng mình một lò đào tạo VĐV cử tạ ngay tại nhà riêng. Ở ngôi nhà 3 tầng khang trang tại Nghiêm Thôn, Tuấn dành hẳn tầng 3 với diện tích sàn hơn 200m2 để mở lò tạ. Tuấn đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để đầu tư cho các trang thiết bị tập luyện cử tạ cơ bản, thiết bị tập hồi phục, máy kéo chân, đẩy ngực....(đã đi vào hoạt động được hơn 1 năm nay). Chưa dừng lại ở đấy, Tuấn đang nung nấu kế hoạch lập dự án vay tiền Ngân hàng, và tự bỏ tiền túi để đầu tư một trung tâm thể thao chuyên đạo tạo các VĐV Cử tạ ngay tại Nghiêm Thôn.

Theo kế hoạch Tuấn đang nghiền ngẫm thì anh dự kiến sẽ mua miếng đất của nhà hàng xóm để xây trung tập tập luyện (1 sàn kiểm tra, 1 sàn tập), thuê HLV chuyên ngành Cử tạ về làm việc. Cùng với đó, Tuấn sẽ xây dựng một khu nhà nghỉ để VĐV các tỉnh thành khác có thể về đây tập luyện thường xuyên. Với những đổi thay hàng ngày ở Phố Mới (gần khu công nghiệp Quế Võ), Tuấn tin địa điểm tập luyện trong tương lai này sẽ là địa chỉ quen thuộc của dân làng tạ VN.
 
Giây phút thứ giãn của nhà á quân Olympci bên đàn Organ
 
Toàn cảnh phòng tập
 
Phòng tập tạ trên tầng 3 ở nhà riêng Hoàng Anh Tuấn
 
Giây phút hiếm hoi được ở nhà với mẹ
 
Tuấn bày tỏ khát vọng: "Tôi muốn làm được điều gì đó ngay ở quê hương. Tôi sẽ xây dựng một trung tâm tập luyện cử tạ ngay ở Nghiêm Thôn để tạo cơ hội cho các em trẻ có niềm đam mê với tạ được tập luyện, để VĐV các nơi khác về đây cọ xát, học hỏi lẫn nhau. Ở Phố Mới này, nhiều em yêu thích thể thao, nhưng họ không có chỗ để tập luyện. Nhiều khi nhìn các em muốn chơi thể thao mà không có được chỗ chơi thấy thương lắm. Tất nhiên, để có được một trung tâm Cử tạ bài bản, tập luyện khoa học, tôi cần thời gian, công sức và sự giúp đỡ của mọi người".

"Lò tạ" của Hoàng Anh Tuấn mới chỉ manh nha vế ý tưởng, nhưng nhà vô địch hạng cân 56 kg của làng tạ VN đã tỏ ra quyết tâm theo đuổi đến cùng kế hoạch của mình. Tuấn đang mơ đến những đàn em có thể nối tiếp chặng đường mà anh đã trải qua và biết đâu mười, mười lăm năm nữa, từ lò cử tạ mơ ước của Hoàng Anh Tuấn làng tạ Việt sẽ có những gương mặt trẻ tiềm năng để giành được những thành tích tuyệt vời hơn cả thế hệ đàn anh đã làm được. Với Tuần, anh vẫn mong ở Nghiêm Thôn và cả vùng Quế Võ này không chỉ có mình Tuấn nổi tiếng với tạ!

Đổi đời nhờ cử tạ

10 năm theo đuổi nghiệp cử tạ, Hoàng Anh Tuấn đã tích lũy cho mình được nguồn vốn kha khá cho anh và gia đình. Ngôi nhà 3 tầng khang trang với giá thành hơn 1 tỷ đồng của gia đình được khánh thành cuối năm 2005 đã có phần đóng góp gần một nửa của Anh Tuấn (phần còn lại do bà Bảy, mẹ Tuấn, là chủ ki-ốt bán thịt bò lớn ở Thị trấn Phố Mới, tự lo).

Sau Olympic 2008, tính tống số tiền thưởng của Hoàng Anh Tuấn đến thời điểm này là khoảng 260 triệu đồng. Ngoài ra, Tuấn còn được Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Đà Nẵng (đơn vị Tuấn đang đầu quân) nâng lương từ 10 triệu đồng/tháng lên 15 triệu đồng/tháng, mức thu nhập thuộc loại cao nhất trong số các VĐV VN (trừ các cầu thủ đá bóng). Hiện Thành phố Đà Nẵng cũng đang xem xét việc cấp đất cho Anh Tuấn.

Lê Hà – Dương Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm