Lạ lùng V-League!

14/02/2019 12:03 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trận thắng 1-0 ngay trên sân của Bangkok United chưa đưa Hà Nội vào tới vòng bảng AFC Champions League, nhưng quả thật V-League đã ghi được điểm số ấn tượng tại sân chơi châu lục vốn luôn bị coi là gánh nặng này.

HAGL kỳ vọng vào Tuấn Anh tại V-League 2019

HAGL kỳ vọng vào Tuấn Anh tại V-League 2019

Cả Xuân Trường lẫn Công Phương đều đã được cho “bơi ra biển lớn” trước thềm V-League 2019, nhưng lãnh đạo của CLB HAGL đều tin rằng điều đó không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nhân sự cũng như mục tiêu của đội bóng ở mùa giải mới.

Với 1 năm bùng nổ với những kỳ tích mới của mọi cấp độ đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam được xem là đã tiệm cận với mặt bằng châu lục, thậm chí sau khi vào đến tứ kết Asian Cup 2019, giấc mơ World Cup tưởng xa vời sớm được thắp lên.

Nhưng đó là cấp đội tuyển và như báo giới nhiều lần đề cập, nó lại chẳng hề liên quan đến V-League, cái sân chơi đã bước sang năm thứ 20 tuổi chuyên mà vẫn còn quá nhiều vấn đề trong nội tại. Sức mạnh của V-League luôn là dấu hỏi lớn mỗi khi các đội bóng Việt Nam tham dự Cúp bóng đá châu Á.
Khác với các đội tuyển quốc gia, thành tích mang yếu tố quyết định, thì đòi hỏi đầu tiên ở các Cúp bóng đá châu lục lại là tính chuyên nghiệp. V-League bước sang tuổi 20, vậy mà theo công bố mới nhất của AFC, trong số 14 CLB Việt Nam đăng ký xin xét chuẩn chuyên nghiệp của Liên đoàn bóng đá châu Á thì chỉ có 5 là đủ điều kiện gồm: Hà Nội, B. Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Than Quảng Ninh và Sanna Khánh Hòa BVN.

Rồi ngay trong cả số 5 đội bóng này, thì cũng chỉ có Hà Nội và B. Bình Dương đủ chuẩn để đá AFC Champions League (số còn lại chỉ đủ điều kiện tham dự AFC Cup). Đó là chưa kể đến Hoàng Anh Gia Lai, đội bóng được bầu Đức không tiếc tiền bạc đầu tư từ cơ sở vật chất và đóng góp rất nhiều những gương mặt tài năng cho đội tuyển quốc gia tiếp tục không được AFC công nhận đạt chuẩn chuyên nghiệp.

Rõ ràng, cơ sở vật chất, thành tích và kể cả công tác đào tạo trẻ, phát triển cầu thủ dù đã làm tốt, gặt hái nhiều thành công thì vẫn là chưa đủ khi AFC đòi hỏi ở các CLB nhiều điều kiện khác như: Nhân lực - Hành chính, Pháp lý và Tài chính.

Điều này cũng phản ánh đúng "chữ chuyên" vẫn chưa tròn của V-League khi chỉ cần nhìn ra khu vực Đông Nam Á với số CLB đạt chuẩn của AFC là khác cao: Thái Lan - 9 CLB, Malaysia - 8, Indonesia - 10 và Myanmar là 11.

***

Trở lại với trận thắng ấn tượng của Hà Nội FC trên sân Bangkok United tại vòng sơ loại thứ 2 AFC Champions League, cuộc đấu giữa 2 đại diện hàng đầu của 2 nền bóng đá với hầu hết những tuyển thủ quốc gia.

Rõ ràng, đó không đơn thuần là 1 trận thắng, mà thêm 1 lời khẳng định, bóng đá Việt Nam lúc này hoàn toàn có thể chơi sòng phẳng với người Thái ở mọi cấp độ. Quan trọng hơn, Hà Nội, CLB ít ỏi của Việt Nam đạt đủ chuẩn chuyên nghiệp của AFC đã cho thấy khả năng... chơi được ở đấu trường châu lục nhờ sự đầu tư bài bản trên mọi phương diện.

Nhưng 1 mình Hà Nội FC hay 4 CLB đạt chuẩn AFC còn lại kể trên là chưa đủ, kể cả những thành tích vang dội của các đội tuyển quốc gia gần đây. Đơn giản, sức mạnh của một nền bóng đá không thể chỉ trông vào một vài lứa cầu thủ tài năng, mà nó phải xuất phát từ một giải vô địch quốc gia phát triển toàn diện, bền vững.

Chỉ còn ít ngày nữa V-League 2019 khởi tranh, nhưng cái gì sẽ làm thỏi nam châm mới để thu hút thêm lượng khán giả đến sân? Hiệu ứng từ đội tuyển quốc gia? Có thể, nhưng chắc chắn sẽ không kéo dài, nếu chất lượng sân chơi số 1 này không được cải thiện. Những ngôi sao đội tuyển về khoác áo CLB? Cũng không nhiều khi hàng loạt những ngôi sao sáng nhất đã đi ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp...

Vậy thì 1 Hà Nội FC đang tạo nên dấu ấn ở sân chơi châu lục? Chẳng phải bởi nếu cứ đá như thế với tiềm lực như thế, đội bóng Thủ đô sẽ chẳng khó lại thêm lần độc diễn để bước lên chức vô địch V-League.

Nói V-League lạ lùng là thế.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm