Vĩnh biệt người vẽ nude lạc lõng của mỹ thuật thế giới Lucian Freud

23/07/2011 11:11 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lucian Freud - cháu nội của nhà phân tâm học Freud - một nhân vật xuất chúng trong thế giới nghệ thuật suốt nửa thế kỷ qua, đã ra đi ở tuổi 89 vào đêm 20/7 tại nhà riêng ở London sau một thời gian ngắn bị bệnh.

“Ông vẽ cho đến ngày từ giã cõi đời, tách biệt hẳn với sự ồn ĩ của thế giới nghệ thuật” - William R. Acquavella, nhà kinh doanh nghệ thuật của ông, cho hay.

Lập kỷ lục đấu giá về tranh nude

Freud nổi tiếng với những bức chân dung theo thuyết duy thực, đặc biệt là tranh nude. Phong cách vẽ độc đáo của Freud đã khiến ông được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế giới. Vài năm trở lại đây, tranh của ông rất có giá tại các cuộc đấu giá, trong đó bức tranh nude Benefits Supervisor Sleeping, vẽ một người phụ nữ béo phì nằm ngủ trên một chiếc ghế sofa - đạt giá 17,2 triệu bảng (33,6 triệu USD) tại một cuộc đấu giá hồi năm 2008 - giá kỷ lục đối với một nghệ sĩ còn sống.


Lucian Freud vẫn cần mẫn vẽ trong xưởng của mình
ở London kể cả khi đã cận kề cái chết

Freud luôn bướng bỉnh từ chối đi theo các xu hướng chủ đạo của thế giới, vẫn khăng khăng vẽ các bức tranh theo thuyết duy thực - kể cả khi giới phê bình và các nhà sưu tầm không ưa. “Ông được xem là một trong những họa sĩ quan trọng nhất thế kỷ 20 và 21. Ông luôn kiên định với phong cách vẽ của mình. Freud luôn tận tâm với công việc, khắc phục mọi trở ngại và ngày nào cũng vẽ nhiều giờ liền khi đã ngoài 80 tuổi bởi ông muốn hoàn tất được công việc trước khi thần chết mang ông đi. Freud sống và thở bằng nghệ thuật của mình” - Brett Gorvy, Phó ban Nghệ thuật hậu chiến của Hãng đấu giá Christie’s ở New York (Mỹ), nói.

Freud là cháu nội của Sigmund Freud, nhà phân tâm học tiên phong lừng danh người Đức. Ông sinh ra ở Berlin (Đức) năm 1922. Năm 1933 sau khi phát xít Đức nắm quyền ở Đức, Freud chuyển tới London (Anh) cùng cha mẹ là Ernst và Lucie Freud. 6 năm sau ông nhập quốc tịch Anh và dành gần trọn cuộc đời làm việc ở London, nơi người ta thường nhìn thấy ông ở các nhà hàng sang trọng, đôi khi là với những phụ nữ trẻ, xinh đẹp, trong đó có siêu mẫu Kate Moss, người ông từng vẽ tranh nude khi cô đang mang bầu.

Trong những thập kỷ cuối đời, Freud ở đỉnh cao của danh tiếng. Freud còn được tạp chí thời trang GQ bình chọn là một trong những người đàn ông mặc đẹp nhất nước Anh, mặc dù lúc đó ông đã bước vào thập kỷ thứ 9 của cuộc đời mình. Ông còn được trao Huân chương Công trạng - một trong những giải thưởng thanh thế nhất được Vua Edward VII sáng lập năm 1902. Giải thưởng này được trao cho những cá nhân có thành tích xuất chúng trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn học và khoa học.

Không thích sử dụng người mẫu chuyên nghiệp

Trong xưởng vẽ của mình ở London, Freud làm việc rất thong thả và đầy cân nhắc. Những người từng làm mẫu cho ông nói rằng, đôi khi ông phải mất hằng tháng hoặc hằng năm để hoàn thành một bức chân dung bởi Freud chú ý đến từng chi tiết nhỏ và bản năng phức tạp trong những nét vẽ của mình, nhờ vậy mà những bức tranh của ông chứa đựng những xúc cảm mãnh liệt. Nhiều khi ông dành nhiều ngày để trộn màu vẽ mà không đưa một nhát cọ nào lên toan vẽ.

Benefits Supervisor Sleeping - bức tranh lập kỷ lục
đấu giá của một nghệ sĩ còn sống

Freud thường vẽ bạn bè, người thân và các nghệ sĩ đồng nghiệp. Ông vẽ cả những người bình thường và họ nhận được một khoản thù lao nhỏ khi làm người mẫu cho ông. Nhưng danh họa này thường hạn chế sử dụng các người mẫu chuyên nghiệp vì ông không thích họ đưa kỹ xảo vào studio của mình. Cho đến nay, bức chân dung người vợ đầu tiên mà Freud vẽ năm 1950 - 1951 vẫn là một trong những tác phẩm nổi tiếng và được yêu thích nhất của ông.

Tranh nude đã trở thành một nét đặc trưng trong nghệ thuật của Freud. Họa sĩ này tin rằng, vẽ những người không mặc quần áo tức là góp phần bộc lộ được những bản năng và sự khát khao của họ. Nhưng tranh nude của ông có rất ít tác phẩm đẹp hay sexy. Những chi tiết kín đáo trong tranh của Freud thường khiến người xem cảm thấy không thoải mái.

Trong số các bức chân dung nổi tiếng nhất của Freud là hình ảnh Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Bà đã nhận lời làm người mẫu cho ông sau các cuộc thương thảo kéo dài. Bức chân dung nhiều màu sắc này đã được nghệ sĩ tặng cho bộ sưu tập của nữ hoàng và nó hiện vẫn là một trong những sự miêu tả bất thường và gây tranh cãi nhất về bà.

Tài năng nhưng khiêm tốn

Freud tổ chức triển lãm solo đầu tiên tại Phòng trưng bày Lefevre hồi năm 1944, sau một thời gian ông làm việc trên một con tàu buôn trong Thế chiến II.

Chiến tranh kết thúc, Freud rời London, vẽ ở Pháp và Hy Lạp. Năm 1948, ông trở về và bắt đầu trưng bày tác phẩm của mình tại nhiều triển lãm khác nhau đồng thời dạy nghệ thuật ở nhiều trường. Triển lãm hồi cố lớn đầu tiên của ông được tổ chức tại phòng trưng bày Hayward ở London hồi năm 1974 và nhận được nhiều lời ca ngợi của giới phê bình.

Vào năm 1987-1988, Freud tiếp tục triển lãm tranh ở Paris (Pháp), Berlin (Đức) và Washington (Mỹ) và năm 2002 tại Bảo tàng Tate Britain ở London. Bên cạnh đó, tranh của ông còn hiện diện trong nhiều bộ sưu tập lớn khắp thế giới, như Phòng trưng bày Tate và Phòng trưng bày chân dung Quốc gia ở London, Phòng trưng bày Nghệ thuật Hiện đại ở Paris và Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York. Năm 1998, nhà phê bình nghệ thuật xuất chúng Robert Hughes đã mô tả Freud là “họa sĩ duy thực còn sống vĩ đại nhất”.

Mặc dù được tán dương như vậy, nhưng họa sĩ vẫn luôn cố gắng trau chuốt tác phẩm của mình ngay cả khi cái chết đã cận kề. “Tôi nghĩ điều nguy hiểm nhất đối với một nghệ sĩ là tự hài lòng với tác phẩm của mình” - Freud từng nói.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm