25/03/2019 13:59 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, việc một phụ nữ bị "sàm sỡ" trong thang máy ở một chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhưng chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân trên cả nước.
Là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng các hành vi đó đáng phải lên án và cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh hơn. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, trong thời gian qua đã xảy ra không ít vụ quấy rối, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái và các cấp Hội phụ nữ đều có những hành động lên án và đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm.
Lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khẳng định, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng với người có hành vi sàm sỡ theo khoản 1, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP là chưa tương xứng với hành vi ép một phụ nữ vào góc thang máy để hôn, làm cho người phụ nữ phải né tránh, vùng vẫy chống cự, thậm chí còn bị trầy xước ở mũi và tay, gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần, tạo ra những lo lắng về việc bất an nơi công cộng.
Mức xử phạt nêu trên không những không có tính răn đe đối với người vi phạm, thậm chí còn có thể tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hành vi nói trên tuy chưa được quy định trong luật hình sự, song cũng cần được đánh giá chính xác mức độ và hậu quả của hành vi quấy rối, tấn công, lạm dụng tình dục gây tổn thương về tinh thần và danh dự của nạn nhân.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng cách thức xử lý của cơ quan chức năng về việc "cưỡng hôn" nữ sinh trong thang máy, xử phạt người vi phạm 200.000 đồng là không phù hợp và không thỏa đáng. Việc không phù hợp và không thỏa đáng này bắt nguồn từ quy định pháp luật không phù hợp, không tương xứng. Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Trong khi danh dự, nhân phẩm của con người là vấn đề hết sức quan trọng gắn liền với bản thân người đó.
Luật sư Hà Huy Từ cho biết: Danh dự, nhân phẩm của công dân được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Khoản 1, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 của nước ta cũng quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Khoản 1, Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
"Các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rất cụ thể nội dung danh dự, nhân phẩm của công dân, coi đó là vấn đề bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Đối với vấn đề lớn như vậy, quan trọng như vậy nhưng khi công dân bị người khác có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng là không tương xứng", Luật sư Từ nhấn mạnh.
Thep Luật sư Hà Huy Từ, các cơ quan chức năng cần thiết sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013/NĐ-CP để phù hợp hơn với các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó có nguyên tắc bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, luật hóa hành vi quấy rối tình dục và chế tài áp dụng để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội về các vụ việc xâm hại, quấy rối phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013/NĐ-CP theo hướng phù hợp với hành vi vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.
Theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc xã hội lên án, cộng đồng lên tiếng cũng như cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng, gia đình có các biện pháp giáo dục là rất cần thiết để góp phần hạn chế những hành vi lệch chuẩn của xã hội, hành vi vi phạm pháp luật, hành vi quấy rối tình dục. Hội cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, ban tự quản cộng đồng dân cư… tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quản lý và xây dựng địa bàn dân cư an toàn, văn hóa, bởi khi cả xã hội cùng hành động sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo trật tự, an xã hội nói chung, đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em nói riêng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động thiết thực, cụ thể trong việc tăng cường tuyên truyền, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm và cùng nhau hành động vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Các cấp Hội sẽ sát sao, kịp thời phát hiện, giám sát, lên tiếng trước các hành vi xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em gái; tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Đỗ Bình/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất