"Cơn sốt Obama" tại một làng nhỏ ở Kenya

30/10/2008 15:37 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Những ngày này, Dân làng Kogelo - một ngôi làng nhỏ nằm khá heo hút ở phía Tây Kenia - theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra cách đó khoảng 8.000 km với tâm trạng còn hồi hộp hơn nhiều so với không ít người Mỹ. Trong làng, hình ảnh ông Obama xuất hiện khắp nơi, mọi câu chuyện đều bàn tới bầu cử Mỹ, còn cánh báo chí nước ngoài đua nhau kéo tới đây.
 
 
“Cơn sốt” mang tên Obama

Kogelo là một ngôi làng nghèo, nằm khá biệt lập, gần đường xích đạo, tại một vùng núi Tây Kenia. Ở đó thậm chí có nhiều gia đình hiện vẫn chưa được mắc điện. Đường đến làng là một con đường cấp phối khó đi, nhất là vào mùa mưa.Vậy mà các công ty tổ chức tour du lịch ở Kenya đang rất bận rộn sắp xếp các chuyến đi tới làng này. Số du khách muốn tới thăm làng ngày một tăng. Lý do đơn giản là đó chính là làng quê cha đất tổ của thượng nghị sĩ Mỹ Barak Obama.
 Bà nội của Obama vẫn ủng hộ hết mình
cho người cháu ở phương xa
Đó là nơi sinh ra và lớn lên của một người đàn ông có tên là Barack Hussein Obama. Cách đây gần 50 năm ông đi du học tại Hawaii (Mỹ) và ở đó ông kết hôn với Stanley Ann Dunham, một phụ nữ Mỹ da trắng và kết quả của cuộc hôn nhân ngắn ngủi này là sự ra đời của cậu con trai Barack Obama. Khi Obama (cha) về nước, người vợ Mỹ của ông đã không đi theo. Từng có thời là cố vấn kinh tế của chính phủ Kenia, Obama (cha) qua đời khi ông mới 46 tuổi trong một vụ tai nạn ô tô (còn nữ tiến sĩ Stanley Ann, mẹ của Obama, mất năm 1995 ở tuổi 52 do bị ung thư).

Hiện ở làng Kogelo vẫn còn bà nội cùng nhiều cô chú, anh em của thượng nghị sĩ Mỹ Barack Obama. Và tất cả họ cũng như dân làng Kogelo đang nóng lòng hy vọng ông đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra.

Cuộc bầu cử ở nơi đất Mỹ xa xôi thực sự đang làm nóng bầu không khí nơi đây. Hàng loạt khách sạn, tiệm cắt tóc, hàng quần áo, hàng tạp hóa ở Kogelo đã đổi tên thành Obama với hy vọng sẽ gây sự chú ý của khách du lịch. Công ty bia rượu Đông Phi ở đây cho ra mắt loại bia "Thượng nghị sĩ", thế nhưng trong dân ở làng Kogelo cũng như trong vùng đều gọi loại bia này là bia “Obama”. Thậm chí trường trung học ở vùng này cũng mang tên trường Barack Obama.

Gương mặt Obama xuất hiện khắp nơi trong làng, từ mặt đồng hồ, móc đeo chìa khóa, poster tới áo thun, lịch và giầy phụ nữ. Những người bán hàng rong sẵn sàng cung cấp những chiếc đĩa hát có thu các bài hát với nội dung ca ngợi Obama bằng tiếng thổ ngữ. Hình Obama được dán đầy lên những chiếc xe buýt công cộng.

Rất nhiều đứa trẻ mới sinh được đặt tên Obama. Một giáo viên trong làng kể rằng học trò của cô hát những bài ca ngợi Obama: "Ông ấy là thiên tài/Ông ấy là anh hùng/Ông ấy tới từ châu Phi/Để ganh đua trên mảnh đất của người da trắng/Ông ấy làm chúng tôi tự hào/Ít nhất ông ấy khiến châu Phi nổi tiếng với thế giới”.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ được người Kogelo theo dõi chặt chẽ. Phóng viên của tờ Slate (Mỹ) đã rất ngạc nhiên khi nghe nhận xét của một tài xế lái xe tuk-tuk về cuộc tranh luận tay đôi cuối cùng giữa Obama và McCain: "Trong 20 phút đầu, hai bên giằng co nhau và McCain có vẻ trội hơn. Nhưng rồi Obama lại là người thể hiện mình thông minh hơn".
 Nhà của bà nội Sarah - một trong rất ít ngôi nhà lợp tôn
trong làng; hầu hết các nhà khác vẫn còn lợp lá
Sự ủng hộ của người bà

Ở cách xa hơn 8.000 km, Obama vẫn đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người dân Kogelo, nhất là bà nội của ông. Bà tên là Sarah Onyango Obama, năm nay 86 tuổi. Thật ra bà không phải là người sinh ra cha của Obama (con), mà chỉ là vợ thứ 3 của ông nội. Nhưng chính tay bà đã nuôi ông Obama (cha) lớn khôn như một người con ruột, nên bà được nhắc tới nhiều trong cuốn hồi ký Dreams From My Father của ứng viên thuộc Đảng Dân chủ. Tuổi già và cuộc sống gia đình phức tạp khiến Sarah không nhớ mình có bao nhiêu đứa cháu. Nhưng bà biết rõ mình có một đứa cháu đang ganh đua vào ghế tổng thống bên đất Mỹ xa xôi.

Bà Sarah nói rằng linh cảm mách bảo cho bà biết đứa cháu Barack Obama, người tới làng Kogelo thăm bà lần đầu tiên ở tuổi 27, đã sinh ra để làm những việc cao cả, to lớn. "Tôi luôn mơ thấy thằng bé sẽ được ông nội phù hộ để thăng tiến. Tôi biết nó rất đặc biệt", bà Sarah nói.

Kể từ khi được phát hiện đang sống ở Kogelo, bà Sarah đã phải tiếp nhiều khách lạ. Nhưng bà vẫn vui vẻ làm việc đó với hy vọng sẽ giúp đỡ được cho cháu. "Họ không phải là khách của tôi. Họ là khách của thằng bé và tôi có nghĩa vụ phải đón tiếp họ". Có ngày có tới hàng chục phóng viên từ các tờ báo trong nước và quốc tế tới phỏng vấn bà.

Những ngày này hầu hết các khách sạn ở thành phố Kisumu đều đã kín chỗ bởi có rất nhiều phóng viên từ các nước tới thành phố này chỉ với mục đích quay cảnh dân làng Kogelo, nằm cách đó 1 giờ xe ô tô chạy, vui mừng (hoặc có thể thất vọng) trong ngày bầu cử Mỹ vào hôm 4/11 tới. Qua đó, ngôi làng bé nhỏ ấy sắp được cả thế giới thực sự biết tới.

Chiến thắng ý nghĩa với Kenya

Người dân Kogelo nói riêng, dân Kenya nói chung, hiện đang nóng lòng hy vọng ông Obama sẽ giành chiến thắng vì theo họ điều đó sẽ mang lại rất nhiều thanh thế và lợi ích cho đất nước Kenia.

Có câu chuyện đùa rằng ở sân bay Kisumu người ta đã chuẩn bị mở rộng đường băng để chờ đón sự xuất hiện của chiếc Air Force One. Obama từng về quê một lần khi tốt nghiệp đại học, lần thứ hai trong vai trò một giáo sư đại học và lần thứ 3 là một nghị sĩ.

Ai cũng mong trong lần về sắp tới, Obama sẽ trở về trong tư cách tổng thống Mỹ.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm