Mario Balotelli: Sẽ còn tệ hơn Adebayor

18/12/2012 09:03 GMT+7 | Man City

(Thethaovanhoa.vn) - Tiền bạc là yếu tố quyết định mang về chức vô địch đầu tiên cho Man City sau nửa thế kỷ chờ đợi và biến họ thành một thế lực không chỉ ở Premier League, nhưng cũng chính tiền bạc đã hủy hoại nghiêm trọng đội bóng trong vụ đưa Balotelli ra tòa.

Đây không phải là lần đầu tiên Man City phải xoay xở một cách tuyệt vọng để đẩy đi một hợp đồng thất bại mà họ đã trót mua về với giá quá cao, mức lương quá lớn và không có đội bóng nào muốn rước. Robinho là ví dụ đầu tiên. Hợp đồng 36 triệu bảng đưa cầu thủ người Brazil từ Real Madrid tới Eastlands lúc đó cũng là kỷ lục ở Anh, nhưng rồi mọi chuyện đổ vỡ chỉ sau một mùa giải và chật vật lắm Man City mới đẩy được Robinho sang AC Milan. Sau đó là hàng loạt vụ thanh lý khác, những cầu thủ lương cao, trái tính trái nết và chẳng coi tình nghĩa với CLB là gì, Craig Bellamy, rồi Adebayor. Những vụ việc được giải quyết êm xuôi như với Santa Cruz là rất hiếm hoi. Tuy nhiên, trường hợp của Balotelli lần này là nghiêm trọng nhất.

Mùa hè năm 2009, Mark Hughes đã chật vật lắm mới thuyết phục được Arsenal để chân sút số một của họ lúc đó ra đi với giá 25 triệu bảng. Tuy nhiên, tiền bạc được bơm ồ ạt vào Man City cùng việc Mancini đến thay Hughes đã khiến Adebayor không còn nằm trong bất kỳ phương án nào của HLV người Italia. Có hợp đồng tới 5 năm với CLB và mức lương gần 200.000 bảng mỗi tuần, Adebayor trở thành cục nợ thật sự. BLĐ Man xanh giờ lại phải chạy vạy để cho anh mượn sang những CLB khác, Real Madrid, rồi Tottenham, theo hình thức chia sẻ trả lương. Mùa hè vừa rồi, khi đội chủ sân Etihad bán được anh dứt điểm cho Spurs với giá 5 triệu bảng, đó là một cảm giác giải thoát thực sự.

Sự nhẹ nhõm còn lớn hơn với trường hợp Balotelli. Không chỉ đã là người thừa ở đội bóng áo xanh, tiền đạo người Italia giờ là một cục nợ thật sự ở Etihad. Thành tích ghi bàn không phải là quá xuất sắc, với 30 bàn trong 72 trận, chắc chắn không thể nào bù lại cho những rắc rối mà Balotelli đã gây ra cho Mancini và đội bóng. Thật vậy, riêng việc quản lý những trò ngông cuồng, tính tình trẻ nít và sự vô kỷ luật của cầu thủ này đã phải là một công việc toàn thời gian. Chưa kể là trừ Mancini, hầu như không ai có thể nói chuyện phải quấy được với Balotelli ở Etihad, mà chiến lược gia người Italia cũng có phải là một nhà quản trị nhân sự xuất sắc gì cho cam.

Từ khi dẫn dắt Man City tới giờ, cựu HLV Inter Milan đã không ít lần va chạm với ban lãnh đạo và chính những cầu thủ của ông. Việc ông liên tục bao che, biện hộ và ca ngợi “những phẩm chất tuyệt vời” của Balotelli chỉ càng khiến tình hình thêm tồi tệ. Thứ nhất, tài năng của tiền đạo người Ý không phải như Mancini ca ngợi, anh chắc chắn không hơn bất kỳ ai trong số Tevez, Aguero và Dzeko. Thứ hai, với tài năng đó, Balotelli chưa thể nào hành xử như thế. Cuối cùng, tài năng của một cầu thủ không chỉ là những cú sút và bàn thắng, mà còn là thái độ, khả năng hợp tác và quan trọng nhất, sự tôn trọng dành cho đội bóng. Balotelli không có bất cứ điều nào trong số đó.

T.T
Thể thao & Văn hóa

4 năm, lỗ gần 500 triệu bảng

Kể từ khi được các ông chủ thuộc tập đoàn Abu Dhabi United mua lại, Man City đã thua lỗ 493 triệu bảng, theo tạp chí Forbes, và dù khoản lỗ thường niên của họ đã giảm 50% trong năm tài khóa 2011, Man xanh vẫn khó lòng đáp ứng được luật công bằng tài chính của UEFA, chứ chưa nói có được một mô hình kinh doanh bền vững.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm