03/05/2014 14:31 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Từng rất phổ biến ở các dân tộc miền núi trước đây, đến năm 2012, qua khảo sát, những cọn nước chỉ còn sót lại ở rất ít vùng.
Lợi dụng sức nước để tiện cho đời sống, một số dân tộc miền núi từ lâu đã làm, như guồng nước, cối giã gạo nước, máng tre dẫn nước của các sắc tộc Mường, Thái ở Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa. Những năm 2012, chúng tôi đã đi khảo sát những vùng còn dùng guồng (cọn) nước thì cho đến nay hiện còn hai khu vực là Kim Bôi, Hòa Bình và Bá Thước, Thanh Hóa. Chắc chắn còn vài khu vực khác mà chúng ta chưa biết đến, nhưng những công cụ cổ xưa này thường gắn với những nơi xa, điều kiện phát triển chưa cao và người dân yêu thích những gì gần gũi với tự nhiên, chứ họ đều đã biết đến máy bơm hay máy xay xát. Ở đây cần nhìn thấy mặt trái của phát triển, không phải cứ phát triển là hay, nếu điều kiện còn cho phép sử dụng guồng dẫn nước tưới tiêu và sinh hoạt thì vẫn tốt hơn là dùng máy bơm tốn điện và dầu, trong khi guồng nước không tốn gì cả, ngoài ít tre làm guồng quay và tu sửa, cũng không hề phải trông nom. Và tất nhiên là giữa cánh đồng xung quanh núi non điệp trùng, những guồng nước quay là cảnh rất thơ mộng.
Cối giã gạo bằng sức nước được sắc tộc Tày, Thái, Mường thiết kế tương đối giống nhau, chỉ là một cần cối vừa phải, chỗ chân đạp khoét rỗng như một lòng máng để nước đổ đầy vào đó. Khi nước đầy sẽ nâng cần cối lên, nước chảy ra hết cần cối hạ xuống và giáng chày vào cối gỗ để gạo phía trước, rồi lại nâng lên bởi nước đầy, cứ thế cả ngày cả đêm giã liên tục, với nhịp điệu thưa tiếng nhẹ, mỗi ngày chỉ có thể đem lại một cối gạo bằng một rá nhỏ, đủ cho gia đình ăn. Những cối đó thường được đặt ngoài đồng, gần suối, nơi có dòng nước chảy từ cao xuống thấp. Để nắng mưa không ảnh hưởng đến gạo người ta thường làm thêm căn lều nhỏ che cối ngoài trời. Trong những ký họa và ghi chép thực tế của họa sĩ Nguyễn Thụ, chúng tôi tìm thấy một bức vẽ cối giã gạo nước ở Vũ Lăng, Bắc Sơn, một huyện miền núi của Lạng Sơn. Bức họa vẽ hai cái cối giã gạo nước đặt bên suối giữa bạt ngàn rừng núi, bức họa còn ghi ngày 11/8/1964. Công cụ cổ xưa này chính là một thứ năng lượng xanh mà nhân loại bây giờ đang hướng tới.
Đời sống nông nghiệp xưa thay đổi rất chậm chạp, thậm chí hàng trăm năm trôi qua, mọi phong tục tập quán vẫn được giữ nguyên. Với những công cụ thô sơ - cày bừa cuốc xẻng và lao động tay chân, công cụ thu hái như liềm hái, cối giã gạo, xay gạo tay, và thậm chí là cối xay mượn sức mước, năng suất lao động rất thấp, nhu cầu con người vừa phải và bảo tồn được thiên nhiên xung quanh mình. Sự phát triển của công nghệ và khoa học, khi ứng dụng vào đời sống có cả hai mặt tốt và xấu. Người nông dân bây giờ tất cả các khâu, cấy cày, thu hái, gặt đập, xay xát, thuốc trừ sâu, phân bón, giống, nước tưới tiêu đều phải đi mua… thành thử sản xuất nông nghiệp ở những nơi đất ít người đông, không có lãi gì cả, thậm chí không khéo thì lỗ. Đời sống không hơn là mấy, thậm chí có nhiều mặt thụt lùi so với thời điểm những năm 1964 - 1957, mà người họa sĩ đã ghi chép lại, trong khi thiên nhiên bị tàn phá trơ trụi.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất