07/06/2011 07:29 GMT+7 | Âm nhạc
“PR” cho cổ nhạc Không chỉ riêng tuồng vắng khách. Quan họ, cải lương, chèo… những loại hình cổ nhạc khác cũng trong buổi tiêu điều. Người trong nước không đến, khách du lịch nước ngoài chẳng hay. Lâu nay nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là cổ nhạc, giống một gà mái chỉ lầm lụi đẻ trứng mà chẳng hề biết “cục tác” cho thành quả của mình. Trong khi đó, ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc,… những quả trứng di sản âm nhạc, nhờ “chiến lược cục tác”, lại rất đắt hàng. Tổ chức chuyên đề: KIỀU TRINH
“Có lần, theo lịch hẹn, tôi đến nhà hát tuồng quay phim tư liệu về tuồng. Cả khán phòng của rạp hát vị thế đẹp nhất nhì thủ đô chỉ vẻn vẹn hai khán giả. Vì thế, diễn viên đã kỳ công vẽ mặt lại phải lục tục tẩy trang đi về. Đêm diễn bị hủy”, PGS-TS Lê Thị Hoài Phương, Trưởng ban nghệ thuật Viện Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nhớ lại.
(TT&VH Cuối tuần) - TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản nhận định “cần nhận thức marketing di sản văn hóa như một loại công cụ hữu hiệu để góp phần tôn vinh di sản văn hóa dân tộc”. Nhận thức là vậy, song không một chiến lược truyền thông quốc gia, cổ nhạc như viên ngọc nằm im lìm trong đá…
Chiết khấu tới 30%, du lịch vẫn không mua tour
Có vẻ như từ lâu Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của khai thác cổ nhạc làm du lịch. Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Đông Á - Thái Bình Dương năm 2004 tại Huế đã chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức du lịch hợp lý với các nước đang phát triển. Trong đó “du lịch văn hóa” đã được nêu ra như một giải pháp hiệu quả. Bởi lẽ, đây là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc như nghệ thuật, lễ hội, di tích cổ... để thu hút những du khách muốn thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu phong tục, tập quán của miền đất họ lựa chọn làm điểm đến trong chuyến chu du của mình.
Trong trường hợp của Việt Nam, dưới con mắt tinh tường của một nhà marketing chuyên nghiệp, thì “âm nhạc cổ truyền” đặc sắc thực sự là một từ khóa hấp dẫn với ngành du lịch. Vậy nhưng du lịch cổ nhạc vẫn giậm chân tại chỗ?
Đầu năm 2009, nghệ sĩ ca trù Bạch Vân kết hợp cùng một doanh nhân thành lập Nhà hát Ca trù Thăng Long, hứa hẹn là địa chỉ du lịch cổ nhạc hấp dẫn đầu tiên của Hà Nội. Với lịch biểu diễn thường nhật và sự tự tin về khâu tổ chức, những người chủ nhà hát rất kỳ vọng vào tiềm năng của mô hình này. Đáng tiếc, sau gần một năm kể từ lúc ra đời, cái tên Nhà hát Ca trù Thăng Long đã mất hút và địa chỉ hoạt động là số 25 Tông Đản cũng đã được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thu hồi từ lâu.
Một năm trước đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền từng hồ hởi giới thiệu với báo chí về ý tưởng tour du lịch nghe hát quan họ. Canh hát được phục dựng trong khuôn viên của một ngôi chùa cổ tại làng Đặng Xá, Bắc Ninh. Tuy chưa hoàn thiện, song ý tưởng này được rất nhiều người ủng hộ. Nhiều tin bài giới thiệu làng Đặng như một điểm đến du lịch tiềm năng. Nhưng đến nay, tour du lịch này chỉ có các nhà báo, bạn bè và một số người yêu quan họ nguyên gốc thỉnh thoảng đặt nghe. “Một số nhóm từ báo Bắc Ninh, một vài đoàn từ miền Nam ra hoặc các bạn từ một số công ty đều được giới thiệu về làng Đặng nghe hát, được vài canh như vậy là mình đã thấy phấn khởi rồi”, chị Nguyễn Thị Kim Quýnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ Đặng Xá vui vẻ khoe. Tóm lại, đến nay chưa có bất kỳ công ty du lịch nào liên hệ với chị để làm tour cả.
Sau buổi diễn hoành tráng ở đình, đến giờ quan họ làng Đặng thỉnh thoảng mới có khách
và chỉ đón tiếp các đoàn khách tại nhà riêng. Ảnh: Điệp Trần
Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện có hai suất diễn cố định vào thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần tại rạp Hồng Hà ngay giữa lòng phố cổ Hà Nội, một địa điểm rất thuận lợi cho du lịch. Vốn là nhà hát chuyên nghiệp hàng đầu cả nước về nghệ thuật tuồng Bắc, du khách sẽ được xem những trích đoạn tuồng cổ tiêu biểu rất lý thú. Thậm chí, để hút khách, nhà hát còn chấp nhận chiết khấu 30% giá vé cho các công ty du lịch đặt hàng trước. Song, chẳng mấy buổi diễn đông khách.
Miễn trừ thuế ứng với vốn bảo trợ di sản
Theo PGS-TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, nên nhìn nhận các giá trị văn hóa phi vật thể như một sản phẩm. Đã là sản phẩm phải có sức cạnh tranh. Hiện, bên cạnh những nguyên nhân nội tại như dịch vụ kém, chất lượng gói du lịch không cao, thì marketing cho các sản phẩm du lịch khai thác di sản không có bài bản. Trường hợp Nhà hát Tuồng Việt Nam, dù nhận ra vai trò của truyền thông từ lâu song đến nay nhà hát mới chỉ dừng lại ở việc lập một website, in một số tờ rơi quảng cáo… Trong khi, mọi công đoạn truyền thông, từ thiết kế hình ảnh, quảng cáo, tiếp xúc khách hàng, tổ chức sự kiện… đều cần kỹ năng chuyên nghiệp. Điều này chỉ các đơn vị truyền thông chuyên nghiệp mới có.
Thưa vắng khách trong ngày khai trương Nhà hát Ca trù Thăng Long. Ảnh: Lê Thoa
Do đó, ông Thắng gợi ý, nếu không góp tiền, Nhà nước vẫn có thể làm cầu nối để các công ty tư nhân làm truyền thông di sản. Một công ty nếu được Nhà nước gợi ý cho địa chỉ cổ nhạc đáng tin cậy để làm du lịch, kèm hỗ trợ và ưu đãi, họ sẽ làm truyền thông, và khai thác nếu thấy hiệu quả. Đi theo đó là công tác truyền thông. Chưa kể, nhiều công ty lớn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để tài trợ hoặc hỗ trợ cho các nhóm nghệ nhân. Bù lại, theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Nhà nước có thể miễn trừ thuế ứng với vốn bảo trợ di sản mà các công ty bỏ ra. Đây là điều thường được làm ở nước ngoài.
Thông thường, ở một số nước trên thế giới, Nhà nước thường lập các quỹ phi lợi nhuận để hỗ trợ truyền thông cho các nghệ nhân. Ở Việt Nam chưa có quỹ nào như vậy. Do đó, những nghệ nhân muốn lập các tour du lịch phải dựa vào các “bầu” tư nhân. Để thu hút khách trước mắt, các “bầu” thường yêu cầu thay đổi các tiết mục cổ truyền để dễ quảng cáo (!), thậm chí còn làm mới cả cổ nhạc.
Múa đổi mặt Trung Quốc đắt giá Số nghệ sĩ Kinh kịch Trung Quốc có thể múa đổi mặt điêu luyện với tốc độ đổi mặt nạ nhanh đến mức tính bằng giây, hiện có chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi mặt nạ có một ý nghĩa, thể hiện tính cách, tâm lý của nhân vật. Lão Xá Trà Quán ở Bắc Kinh là địa điểm xem múa đổi mặt của những người đi tour bình dân. Buổi tối, trà quán thường có các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc (nhiều khi cũng pha trộn những tiết mục hài, tạp kỹ) phục vụ du khách. Nhưng, theo đa số khách du lịch, phải xem múa đổi mặt ở Thành Đô - thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên - mới thấy hết sự độc đáo của nghệ thuật này. Cách đây 2 năm, giá vé xem biểu diễn có tiết mục múa đổi mặt ở đây lên đến hơn 500 ngàn đồng, một suất kéo dài chỉ khoảng 60 phút.
“Tôi đã nhiều lần tiếp cận các công ty du lịch để biến làng Đặng Xá trở thành một điểm trong tour của họ song đều thất bại. Các công ty du lịch ở Việt Nam thường có tâm lý “ăn sẵn”, chỉ chọn địa chỉ văn hóa làm điểm đến trong tour của mình nếu địa chỉ đó đã nổi tiếng, đã có thương hiệu”, thạc sĩ Phạm Đức Hân, Giám đốc Công ty CP bảo tồn di sản văn hóa Việt, đơn vị kết nghĩa với ca trù Thăng Long và quan họ Đặng Xá, cho hay. Công ty này hiện vẫn giúp hai nhóm lập hồ sơ xin tài trợ.
TS Bùi Quang Thắng nhấn mạnh, trước mắt, Nhà nước nên đầu tư vào việc hỗ trợ và hướng dẫn nghệ nhân hoặc người thân của họ kỹ năng quảng bá cơ bản. “Các đoàn làm gì có tiền làm trang web, trong khi hỗ trợ các trang web cá nhân không tốn nhiều tiền. Nếu không đủ khả năng về nghiệp vụ truyền thông, Nhà nước có thể “đẩy” trách nhiệm đó cho các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp”.
“Hầu như hiện nay không có cơ quan báo chí nào bảo trợ cho các đơn vị nghệ thuật cổ truyền. Nếu báo này hỗ trợ một nhóm cổ nhạc, nhóm sẽ không tốn tiền hoặc sức để truyền thông vì đã có báo bảo trợ. Ngược lại, không mất tiền mà lại được tiếng bảo vệ di sản. Họ sẽ rất thích. Vấn đề là những nghệ nhân không có điều kiện quen biết để kết nối với các báo, do đó Nhà nước nên làm trung gian để yêu cầu báo chí thực hiện nhiệm vụ bảo trợ này”, ông Thắng đề xuất.
Bài 2: Cổ nhạc lên mạng xã hội
Điệp Trần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất