CK ngày 1/8: Thiếu lực tiếp sức, VN-Index quay đầu

01/08/2008 18:50 GMT+7 | Thế giới

 
 
Lãi suất tăng cao là một nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2008.
Phiên giảm điểm duy nhất trong tuần của VN-Index đến không bất ngờ sau khi đã trải qua hai phiên chật vật trước đó.

Sau hai phiên giằng co căng thẳng, thế đã nghiêng về bên bán, VN-Index mở đầu tháng 8 với mức giảm nhẹ, mất 4,25 điểm, còn 447,11 điểm.

Kết quả trên không gây bất ngờ với nhà đầu tư, khi hai phiên liền trước, cung – cầu không còn thuận lợi, sự phân hóa khắc nghiệt hơn và sức bám trụ của nhiều cổ phiếu lớn yếu dần. Trong bối cảnh này, thị trường chờ đợi có một lực tiếp sức đủ mạnh để thoát khỏi sự giằng co đó.

Nhưng điểm lại, khi những thông tin kinh tế vĩ mô trong tháng 7 đã nhạt dần, thị trường chưa hé mở một yếu tố nào thực sự nổi bật để đảm nhận vai trò đó. Trong tuần, diễn biến lãi suất ngân hàng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, nhưng chưa có chuyển biến trên diện rộng để có thể phát huy tác động.

Lãi suất huy động đã đồng loạt giảm khá mạnh, tạo điều kiện để các ngân hàng thực hiện mục tiêu lợi nhuận; xa hơn là tạo cơ sở để có thể xem xét giảm lãi suất cho vay đầu ra. Trong tuần, có thêm Sacombank nhập cuộc giảm lãi suất cho vay, BIDV lần thứ hai trong tháng tiếp tục giảm, nhưng lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao và nhiều ngân hàng khác vẫn chưa thể điều chỉnh.

Trong khi đó, báo cáo quý 2 của nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy lợi nhuận giảm hoặc bị ảnh hưởng lớn từ chi phí vay vốn, bên cạnh biến động tỷ giá và hoạt động đầu tư tài chính.

Nếu lãi suất cho vay đồng loạt giảm như lãi suất huy động, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực, bứt phá khỏi thời điểm khó khăn này. Nhưng điều đó khó xẩy ra, khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản 14% từ 1/8; một số tính toán cho thấy các ngân hàng buộc phải duy trì lãi suất cho vay hiện nay để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, thậm chí để hòa vốn.

Còn lại, một số thông tin trao đổi giữa các nhà đầu tư đề cập đến khả năng giảm giá xăng dầu hoặc mở “room”, nhưng hai khả năng này khó xẩy ra.

Trong khi đó, sau những phiên giằng co rõ nét, giá nhiều cổ phiếu lớn đã thoái về dưới giá tham chiếu, cùng kéo lùi VN-Index. Trong Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn Tp.HCM phiên này chỉ còn lại 3 mã tăng giá, 1 mã giữ được giá tham chiếu, 6 mã giảm giá.

FPT và HPG là hai tên tuổi có được đà tăng mạnh và thẳng tiến trong tuần này, hôm nay cùng đạt giá trần. DPM vẫn lên giá, nhưng trong 3 phiên gần nhất đều phải nỗ lực đến phút cuối; phiên này tăng nhẹ 500 đồng/cổ phiếu. VIC kết thúc phiên ở giá tham chiếu.

Ngược lại, cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất là VNM đã xuống giá sàn, giảm 3.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là một trong những mã có thể tạo sóng ngắn, hấp dẫn với những nhà đầu tư đúng nhịp. Kế đến là ITA, PVD, PPC, VPL và cả STB cũng lần lượt giảm giá.

Ngoài FPT và HPG, những cổ phiếu khác là VIS, REE, SJS, TCT, PET, LBM tiếp tục tạo ấn tượng khi nối tiếp đà tăng trần. Một số mã khác vẫn giữ được màu xanh nhưng không còn tăng giá hết khả năng như BMC hay hiện tượng DDM…

Tính chung có 63 mã tăng giá, nhưng mức tăng trần đã hạn chế; 89 mã giảm và 8 mã trụ ở giá tham chiếu.

Khối lượng giao dịch hôm nay tiếp tục giảm xuống, còn 12,4 triệu đơn vị, trị giá 411,7 tỷ đồng. Giao dịch mạnh nhất vẫn là STB với 2.861.530 cổ phiếu, DPM với 1.563.470 cổ phiếu, rồi SGT, SAM, PVD, FPT, hai chứng chỉ quỹ VF1 và BF1…

Chỉ số HASTC-Index cũng mở đầu tháng giao dịch mới với mức giảm 2,87 điểm, còn 140,45 điểm. Khối lượng giao dịch tại đây cũng xuống còn gần 5,3 triệu cổ phiếu, trị giá 169 tỷ đồng. Hai cổ phiếu có ảnh hưởng lớn là ACB và KBC tiếp tục tạo sự níu kéo chỉ số chung, trong đó KBC giảm mạnh 5.600 đồng/cổ phiếu. Màu đỏ tiếp tục chiếm áp đảo trên bảng điện tử, nhưng vẫn có yếu tố bất ngờ, tiêu biểu như sự trở lại của SD2, tăng 1.100 đồng/cổ phiếu.
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm