CK ngày 5/8: Chờ tín hiệu từ giá xăng dầu

05/08/2008 01:17 GMT+7 | Thế giới

Cũng gần thời điểm này trong năm 2007, giá xăng bán lẻ được điều chỉnh giảm 500 đồng/lít.

Khả năng giảm giá xăng dầu là chủ đề nổi bật trên sàn hôm nay. Nhưng diễn biến giao dịch chưa có tín hiệu đón đầu.

Tối qua (giờ Việt Nam), giá dầu giao ngay trên thị trường New York (Mỹ) có thời điểm giảm xuống dưới 120 USD/thùng; hiện xoay quanh mức 121 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 3 tháng qua và đang định hình một chu kỳ giá thấp.

Diễn biến trên khiến nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán hướng về khả năng giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh giảm theo giá thế giới. Cơ sở của sự chờ đợi này là giá bán trong nước hiện đang “căn” theo các mốc 135 – 140 USD/thùng; mặt khác, quan điểm Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân cùng chia sẻ khó khăn giá xăng dầu đã được nhấn mạnh trong những lần tăng giá thời gian qua.

Nếu giá xăng dầu trong nước giảm, nền kinh tế, mục tiêu lạm phát và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ có những phản ứng tích cực. Đó là điều nhà đầu tư chờ đợi thời điểm này.

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy sáng nay, ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết hiện chưa có thông tin cụ thể nào về khả năng trên, dù thời điểm này “doanh nghiệp cũng rất muốn giảm”.

Theo ông Bảo, doanh nghiệp xăng dầu cũng như những doanh nghiệp khác, đều muốn kinh doanh theo thị trường. Tuy nhiên, cơ chế thị trường hiện chưa hoàn toàn thực hiện, khi giá dầu vẫn là mặt hàng Nhà nước bù lỗ; giá xăng một thời gian dài cũng được kiềm chế vì mục tiêu lạm phát chung.

Trên thực tế, với riêng mặt hàng xăng, các doanh nghiệp đầu mối đã phải bù lỗ một thời gian dài và cần có sự bù đắp nhất định. “Nếu theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh ngay giá xăng theo giá thế giới. Nhưng hiện vẫn chờ định hướng cụ thể”, ông Bảo nói.

Mặt khác, theo ông Bảo, giá dầu thế giới năm nay biến động phức tạp và khó lường. Việc thực hiện giá trong nước cần theo tín hiệu mang tính chu kỳ của giá thế giới.

Như vậy, hiện khả năng giảm giá xăng dầu trong nước vẫn chưa rõ ràng. Nhà đầu tư chứng khoán khó đặt cược cho khả năng này để mua vào đón đầu. Thực tế trên sàn, giá chứng khoán tiếp tục có một phiên đồng loạt giảm mạnh.

Ngay từ đầu phiên, hầu hết những cổ phiếu lớn đều giảm giá sàn, đẩy VN-Index vào hướng mất điểm phiên thứ 3 liên tiếp. Mốc 430 điểm bị phá vỡ ngay trong đợt này khi VN-Index giảm tới 9,63 điểm.

Trong Top 10 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất phiên này chỉ riêng VPL trụ được ở giá tham chiếu; còn lại, hầu hết đều giảm giá sàn.

VNM, STB, VIC, SSI, FPT, PVD, PPC, ITA, HPG, DPM… cùng xuống giá cùng dư bán lớn. Tính chung, lượng mã giảm phiên này đã áp đảo với 121 mã giảm, tạo thành xu hướng chính của thị trường và lôi kéo những tên tuổi vượt trội trong những phiên vừa qua.

Cụ thể, TCT không còn thẳng tiến, dù trong phiên có thời điểm tăng giá nhẹ và kết thúc phiên với mức giảm sàn, mất 3.000 đồng/cổ phiếu. Mã có sức tăng mạnh nhất trong hai tháng trở lại đây là TSC cũng đã đảo chiều mất 2.000 đồng/cổ phiếu. REE và SJS không tiếp tục tạo hiện tượng, giá lần lượt giảm 1.000 và 2.000 đồng/cổ phiếu.

Ngược lại, BMC và VIS tiếp tục nối dài đà tăng giá; ANV có thêm phiên tăng nhẹ; BT6 thêm phiên tăng trần; DDM vẫn chưa qua “tuần trăng mật” giá lên kể từ ngày chào sàn; và còn lại trong số 27 mã tăng phiên này vẫn là nhiều cổ phiếu có thị giá thấp.

Kết thúc phiên, VN-Index giảm 9,15 điểm, còn 430,26 điểm; khối lượng giao dịch giảm nhẹ so với phiên trước xuống còn 10,5 triệu đơn vị, trị giá 408,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có một phiên hạn chế khi chỉ có 40.000 cổ phiếu SBT chuyển nhượng thành công.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HASTC-Index chỉ còn 133,53 điểm sau khi giảm thêm 2,97 điểm. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức 4,15 triệu cổ phiếu với giá trị 142,8 tỷ đồng.

Tại đây, những cổ phiếu lớn như ACB, PVS, PVI, BVS, NTP, PAN… đều giảm giá. Đáng chú ý là KBC phiên này đứng giá ở mốc 130.000 đồng/cổ phiếu do không có giao dịch.
Theo VnEconomy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm