CK ngày 4/8: Cơ hội mua vào cổ phiếu tốt?

04/08/2008 16:00 GMT+7 | Thế giới

Nhiều nhà đầu tư vẫn ở thế ngoài cuộc trong thời điểm này.
Một phiên thuận lợi để mua vào những cổ phiếu “hiếm”. Nhưng nhà đầu tư thận trọng khi xem xét đó là cơ hội.

Trong tuần qua, DPM, HPG, FPT, PET hay TSC… được xem là những cổ phiếu “hiếm”, bởi lệnh mua vào khó thành công khi lượng bán ra hạn chế và luôn được quét sạch ở giá trần.

Diễn biến trên được giải thích từ sự phân hóa mạnh trên sàn, dòng vốn chảy về những mã có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tốt, có thanh khoản cao, có triển vọng hơn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế…

Nhưng ở phiên hôm nay, việc mua vào những cổ phiếu trên đã trở nên thuận lợi, khi giá đã xuất hiện điều chỉnh cùng dư bán. Đó có thể là cơ hội để nhà đầu tư quyết định mua vào. Nhưng với sự quay đầu của VN-Index, trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư lưỡng lự và thận trọng.

DPM của Đạm Phú Mỹ, cổ phiếu vừa có một tuần góp mặt đều đặn trong Top 5 giao dịch mạnh trên sàn Tp.HCM, là mã được khối đầu tư nước ngoài mua vào mạnh nhất, có sự hậu thuẫn của con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm lớn nhất trên sàn, khó canh mua trong tuần qua, hôm nay đã giảm giá sàn và có dư bán lớn.

HPG của Tập đoàn Hòa Phát, cổ phiếu có công hỗ trợ VN-Index bằng những phiên tăng giá trần liên tiếp trong tuần qua, có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan, là một trong những mã khó mua vào nhất trong những phiên gần đây, hôm nay giảm giá 1.000 đồng/cổ phiếu và đã xuất hiện dư bán.

FPT cũng là một trong những blue-chip có ảnh hưởng nhất đến sức tăng của VN-Index trong mạch 4 phiên vừa qua. Dù có điều chỉnh mục tiêu năm 2008 nhưng kết quả kinh doanh của FPT vẫn là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trên sàn. Cổ phiếu này vừa từ tình thế khó mua vào của tuần trước, chuyển sang thế dư bán giá sàn, mất 2.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, một cổ phiếu “hiếm” khác là PET của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí cũng đã giảm sàn, dư bán khá lớn, dù đây là một trong những mã có sức lên giá mạnh kể từ sau “dư chấn” tăng giá xăng dầu.

Ở những phiên trước, FPT, HPG, DPM là những mã gỡ điểm cho VN-Index. Phiên này, đây cũng là những đầu mối khiến chỉ số chung mất điểm mạnh hơn. Có thể nhiều nhà đầu tư đã hài lòng bán ra khi đã có chênh lệch sau những phiên tăng giá liên tiếp, như HPG là 6 phiên, DPM có 5 phiên, FPT có có 6 phiên; chênh lệch có thể lên tới 15% - một mức khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài 3 cổ phiếu lớn trên, một loạt blue-chip khác tiếp tục giảm giá sàn như VNM, ITA, STB, SSI, PVD, PPC đã kéo VN-Index giảm mạnh, mất thêm 7,7 điểm, còn 439,41 điểm.

Khối lượng giao dịch tiếp tục cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư, dù những cổ phiếu được đánh giá tốt đã tạo cơ hội mua vào. Toàn phiên chỉ có 12,5 triệu đơn vị, trị giá 476 tỷ đồng, chưa tạo được bước chuyển so với những phiên liền trước.

Nhà đầu tư tiếp tục thận trọng và lưỡng lự bởi thị trường chưa có những tín hiệu thực sự tốt để thúc đẩy; trong khi đó, ẩn số về lạm phát tháng 8 vẫn là một lo ngại, đang thể hiện ở giá một số mặt hàng tiêu dùng bắt đầu tăng. Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện giá, chấn chỉnh tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc điều chỉnh giá xăng dầu để nâng giá quá mức…

Phiên thứ hai liên tiếp, VN-Index mất điểm cùng sự xuống giá đồng loạt của nhiều cổ phiếu lớn. Nhưng đây lại là phiên của những cổ phiếu có thị giá thấp.

Chiếm phần lớn trong số 49 mã tăng giá phiên này là những cổ phiếu có giá dưới 25.000 đồng, trong đó có một số trường hợp thị giá đã về sát mệnh giá. Diễn biến này phù hợp với nhận định của một công ty chứng khoán cuối tuần qua: Khi giá những cổ phiếu nhỏ về mức thấp sẽ thu hút sự chú ý và vào cuộc của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thẳng tiến trong gần 10 phiên trở lại đây như BMC, TCT, TSC, LBM hay tân binh DDM và cả REE, SJS… vẫn tiếp tục tăng giá ấn tượng. Trong đó, TCT, TSC, BMC, SJS đang hướng tới những mức tăng mạnh nhất trên sàn về giá trị tuyệt đối; riêng TSC đang tạo thách thức với tất cả các mã trên sàn khi có sức tăng mạnh nhất trong hai tháng qua.

Trên sàn Hà Nội, HASTC-Index chính thức mất mốc 140 điểm, khi giảm khá mạnh 3,95 điểm, còn 136,5 điểm. Khối lượng giao dịch ở mức 4,5 triệu cổ phiếu, trị giá 147,8 tỷ đồng.

Tại đây, KBC và ACB tiếp tục là đầu tàu giảm giá; trong đó KBC giảm tới 5.400 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra những cổ phiếu lớn khác như PVS, PVI, PAN, BVS, VNR… cũng không tránh được một phiên giảm giá, dù trong đó có thành viên vừa giải trình 10 phiên giảm sàn liên tiếp.
(Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm