CK M.U–Barca còn 3 ngày: Cha, con và các thánh thần...Champions

24/05/2009 12:40 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) -  Vì Olimpico không phải là một nhà nguyện, M.U và Barcelona không phải là những giáo đoàn và tổ trọng tài điều khiển trận đấu không giống như các linh mục, nên chẳng ai phải làm lễ hoặc xưng tội trước khi trận CK Champions League bắt đầu. Nhưng ở Roma này, trong cái thế giới mà nhà thờ có tiếng nói quan trọng, trận thư hùng ấy cũng được các thánh thần chú ý một cách đặc biệt.

Trong cái nắng dữ dội của buổi trưa thứ bảy 23/5, họ bước ra sân, không quên làm dấu thánh (và những chủng sinh là tifosi trên khán đài thì người lần tràng hạt, kẻ kêu Amen) và lao vào nhau chiến đấu tranh giành một quả bóng trong một trận CK nảy lửa. Champions League? Không, nhưng ở Roma, dưới mái vòm của nhà thờ Thánh Pietro, nhà thờ coi trận CK của giải Clericus Cup (gọi tắt là giải VĐ Giáo sĩ) lần thứ 3 ấy là bữa tiệc mở màn cho trận CK M.U-Barcelona sau đó 4 ngày!

Các cha quả có tính hài hước, nhưng nếu nhìn sự việc một cách nghiêm túc dưới góc độ của những triết lí tôn giáo bao trùm vạn vật (trong kinh Cựu ước, mở đầu Sáng thế kí viết: “Ngày đầu tiên, Thượng đế tạo ra trời và đất...”) thì bóng đá và những niềm đam mê thể thao chân chính - không nói đến Calciopoli - cũng do Đức Chúa cha nhào nặn mà thành. Người Ý bảo nhau, sở dĩ Juventus năm 1996 đoạt Champions League cũng ở Olimpico này là vì họ được diện kiến Giáo hoàng John Paul II và được ngài ban phước.
 
Đức Giáo hoàng Benedict XVI và chiếc cúp của giải đấu.
 
Roma năm 1984 thua trong loạt penalty vì không thèm gặp ngài. Lí do: họ quá “chủ quan” khi tin rằng, sống và thi đấu ở Roma, ngay sát nách Tòa thánh, với một đức Thánh cha không giấu giếm sự hâm mộ với họ, kiểu gì mà Chúa chẳng phù hộ! Không biết M.U hay Barca, có đội nào sẵn sàng bỏ ra một chút thời gian buổi sáng thứ tư, đúng vào ngày diễn ra trận CK, để đến quảng trường Thánh Pietro, dự lễ thánh của Giáo hoàng và được ngài (một người Đức) ban phước (bằng tiếng Anh và TBN) cho không?
 
Nhưng chắc chắn là ngài, trước trận CK Cúp Giáo sĩ, với nghĩa vụ của một người kính Chúa dành cho những chủng sinh và linh mục trong bộ quần áo cộc đủ màu sắc thay vì áo chùng đen, sẽ ban phước cho North American Martyrs, đội của các chủng sinh Bắc Mỹ, và Redemptoris Mater, hầu hết là các chủng sinh người Ý. Đấy là trận CK giải đấu dành riêng cho họ, những người đã nguyện một lòng theo Chúa, mà vì tình yêu với trái bóng mà phải tạm xa bộ áo chùng trong 90 phút, nhưng vẫn giơ tay ngón tay làm dấu thánh và mắt ngước về Vatican sau mỗi bàn thắng (và cả các bàn thua). CSI, cơ quan chịu trách nhiệm về các hoạt động thể dục thể thao của Tòa thánh rất muốn biến giải đấu này thành một sự kiện mang tầm thế giới trong tương lai, với truyền hình trực tiếp đi khắp nơi trên thế giới.
 
Nhưng hiện tại, nền móng của giải đã có, nhờ trình độ của các chủng sinh không hề thấp. Ở giải này, 386 chủng sinh, linh mục đến từ 71 nước trong vai trò cầu thủ của 16 đội bóng chỉ nghiệp dư vì không phải là chuyên nghiệp, đá bóng kiếm tiền. Nhưng cách tổ chức giải đã tỏ ra hết sức chuyên nghiệp, với sự tham gia cầm còi của một trọng tài cấp FIFA (Stefano Farina) và ngày khai mạc giải vào tháng 2/2009, đích thân chủ tịch UEFA Michel Platini đã đến dự. Một ngày trước trận CK Champions League, HLV trưởng ĐT Italia Lippi sẽ có mặt trong lễ tổng kết giải Clericus Cup và tôn vinh 2 cầu thủ có thành tích ghi bàn hay nhất giải, cha Edouard Sinayobye người Rwanda và cha Joao Kalevski, đồng hương của Kaka và Ronaldinho. Lippi, một con chiên ngoan đạo, cũng sẽ giảng về bóng đá trong một tiếng đồng hồ.
 
Không có hàng tỉ lượt khán giả theo dõi qua tivi, vì giải Giáo sĩ không được truyền trực tiếp. Sân Oratorio San Pietro, vốn có thể từ đó nhìn thấy mái vòm của nhà thờ Thánh Pietro, không phải Olimpico? Không vấn đề. Nhưng những hình ảnh của trận đấu, các bàn thắng, các bình luận với sự có mặt của các chuyên gia bóng đá xuất sắc nhất trong đội ngũ các cha ở Roma cũng được phát sóng trong một chương trình đặc biệt về giải trên kênh SAT 2000 của Hội đồng giám mục Italia mà chỉ những ai ở Ý có hệ thống chảo vệ tinh mới xem được.
 
Những khán đài của Oratorio San Pietro chỉ chứa vài trăm khán giả, thay vì gần 7 vạn ở cái sân Olimpico cũng nằm bên sông Tevere cách nó 5 cây số? Những tiếng hò reo của các tifosi vốn ngày 2 buổi đến học giáo lí chứ không phải văn hay toán ở các trường dòng bị hạn chế tối đa, vì cư dân quanh khu sân bóng “không thích tiếng ồn”? Cũng chẳng sao. Quan trọng là lòng thành kính. Những cầu thủ trên sân không phải Cristiano Ronaldo hay Messi mà là những Joao Kalevski hay Giacomo Piermarini? Không. Đấy là những người mà bóng đá đối với họ không phải là để kiếm hàng chục triệu euro thu nhập và thu hút sự chú ý của hàng tá các cô gái đẹp (Amen!) mà là để rèn luyện thân thể và 4 phẩm chất cao cả của bậc tu hành: công bằng, điều độ, cẩn trọng và can đảm.
 
Khi diễn viên chính Tom Hanks đến Roma dự lễ trình chiếu ra mắt của bộ phim của “Thiên thần và quỷ dữ” dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Dan Brown, tác giả “Mật mã Da Vinci”, người ta đã hỏi liệu ông có biết đến Clericus Cup không. Ông lắc đầu, cười. Rất nhiều trong số chúng ta cũng không biết đến sự tồn tại của một giải đấu mà cánh áo chùng cũng bỏ sang bên giáo lí và Chúa trong giây lát để sống một đời ăn thua và cay cú như ai.
 
Nhưng giải VĐ Giáo sĩ đã sang năm thứ 3 và ngày càng phát triển, đến mức được coi là món khai vị của trận CK mấy ngày tới trên sân Olimpico. Không biết ân sủng của Chúa với trận CK ấy sẽ ra sao, có làm bớt đi những cái đầu nóng, có giúp trận đấu hấp dẫn hơn chăng, chỉ biết rằng, ở Clericus Cup, thiên thần và quỷ dữ tồn tại, trong một giải đấu mà khi đạo bị quên đi trong chốc lát, là những khía cạnh của đời. Cho đến trước trận CK, trong 64 trận đấu của giải, đã có 206 bàn thắng được ghi (tỉ lệ mà đến World Cup còn phải thèm, 3,2 bàn/trận), nhưng cũng đã có 62 thẻ vàng và 6 thẻ đỏ được rút ra, gấp đôi giải trước. Amen!
 
Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm