Chuyện chưa kể về bức tranh 'ứng tác' của Trần Nhật Thăng

23/08/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Báo Thể thao và Văn hóa (21/8/1982 - 21/8/2022) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, có nhiều tiết mục văn nghệ - sáng tạo thú vị. Tiết mục vẽ ứng tác bức tranh trừu tượng khổ 130cm x 200cm trong vòng 10 phút của họa sĩ Trần Nhật Thăng là một điểm nhấn thú vị, tạo được sự bất ngờ.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Né Covid-19 bằng cách vẽ 150 bức tranh

Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Né Covid-19 bằng cách vẽ 150 bức tranh

Có lẽ Trần Nhật Thăng là nghệ sĩ Việt hiếm hoi mà suốt 2 năm qua chưa một lần đề cập đến từ dịch giã hoặc Covid-19 trên Facebook cá nhân, cũng như trong các bình luận đây đó.

Bức tranh được hoàn thành ngay tại sân khấu trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả, sau đó được họa sĩ tặng để đấu giá trong chương trình Vì mái trường cho em, với mục tiêu xây sửa thêm các lớp học cho học sinh vùng sâu vùng xa.

“Tôi là độc giả mua những bản tin, rồi những số báo đầu tiên của Thể thao và Văn hóa, có lúc phải nhịn ăn sáng để mua báo. Có thể nói đây là tờ báo hàng đầu trong ký ức tôi. Bản thân cũng thường đi vùng cao, thấy các em nhỏ thiếu trường thiếu lớp, nên khi có thể làm được gì, dù nhỏ bé thôi, tôi luôn sẵn sàng tham gia” - Trần Nhật Thăng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Hoạ sĩ Trần Nhật Thăng ứng tác ngay trên sân khấu Lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Báo “Thể thao và Văn hóa” (TTXVN) trong màn mash up "Quê hương" và "Hello Việt Nam" do nghệ sĩ violin Anh Tú (trái) và guitar Duy Phong trình diễn

Đáng lý vẽ tranh to đến 20m2

Trần Nhật Thăng nói: “Khi sáng tác, cần tĩnh tâm, vẽ ở xưởng đáp ứng được điều đó. Vẽ trực tiếp trước hàng trăm người xem, cần bản lĩnh để không bị chi phối. Tranh vẽ nằm trên mặt sàn sân khấu, khi chương trình đang diễn ra, nên cần phải kết thúc nhanh, không thể ngồi ngẫm ngợi. Khi vẽ xong, dựng đứng lên, màu sẽ chảy xuống, dù đã tính toán trước, nhưng vẫn tạo hiệu quả bất ngờ. Bằng tràng vỗ tay tán thưởng của nhiều người tham dự, tôi cảm thấy hạnh phúc ngay khoảnh khắc đó, nên biết mình đã làm được yêu cầu đặt ra”.

Ban đầu Trần Nhật Thăng định vẽ một bức tranh to 200cm x 1.000cm trong vòng 30 phút, nhưng do thời lượng chương trình và diện tích sân khấu có giới hạn, nên mới rút lại khổ 130cm x 200cm cho phù hợp. Hơn nữa, khi nghe bức tranh có thể góp một phần nhỏ vào chương trình đấu giá Vì mái trường cho em, anh cũng muốn “thực tế” một chút xíu, vì sợ vẽ to quá sẽ khó có chỗ treo, sẽ khó bán.

Chú thích ảnh
Hoạ sĩ Trần Nhật Thăng 

Trần Nhật Thăng thuộc kiểu nghệ sĩ quan trọng cảm xúc hơn cả việc vẽ, nói nôm na, không có cảm xúc thì sẽ không vẽ. Sau triển lãm Chân dung của tự do (năm 2008), Trần Nhật Thăng gần như dừng vẽ trong 10 năm, tới 2017 mới vẽ lại. Khi đủ đầy cảm xúc, anh vẽ rất nhanh, có khi 1 ngày vẽ xong 5-7 bức khổ rất lớn, nhưng tranh vẫn đầy đặn màu sắc, kỹ thuật và ý tứ. Hơn 10 triển lãm cá nhân bề thế mà anh đã thực hiện đều là kết quả của quá trình nghỉ ngơi và tìm kiếm cảm xúc như vậy.

Khi đến xem triển lãm cá nhân Miền không (tháng 4/2022) của Trần Nhật Thăng, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận xét: “Tranh mở ra một thế giới mà trong đó từ bút lực cho đến màu sắc đều mang tính phiêu bồng, chuyển động, đưa chúng ta đến những nỗi niềm lang thang, sắc không luân hồi… Phải chăng Trần Nhật Thăng có ý định dẫn dắt người xem đến nơi chốn hiện hữu và hư vô, để người xem đi vào tranh bằng những bước chân từ thế giới tri giác đến bến bờ khái niệm? Như 2 câu thơ của Hà Huyền Chi: “Có trong ngờ vực mênh mông/ Có trong tuyệt tận cái không có gì”.

Chú thích ảnh
Khán giả và bức tranh đã hoàn thành của Trần Nhật Thăng

Nhận xét ngắn gọn này có thể đúng với đa số tranh của Trần Nhật Thăng gần đây, khi anh luôn diễn tả rất đạt trạng thái giữa hiện hữu và hư vô, giữa trần thế và phiêu bồng, giữa tĩnh tại và chuyển động.

1/3 lớp học

Trần Nhật Thăng quan niệm điều cốt lõi của tranh trừu tượng là cảm được trạng thái của sự vật, hiện tượng, tâm trạng. Nên anh muốn mang đến cho người xem cảm xúc, tâm trạng về điều đó, hơn là diễn giải, tô vẽ.

Chú thích ảnh

Khi Covid-19 lên đến cực điểm vào năm 2021, Trần Nhật Thăng né dịch bằng cách vẽ 150 tranh trừu tượng, nhiều bức khổ rất lớn. Anh chỉ dừng lại vì khan hiếm vật liệu, do giãn cách, chứ nếu đủ toan và màu, có khi anh đã vẽ đến 250 bức. Nhiều bức trong số này được anh tặng cho các chương trình đấu giá thiện nguyện vì những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh.

Bức tranh Miền xanh (tổng hợp trên toan, 170cm x 570cm, 2021) của anh được bán tổng cộng là 720 triệu đồng, quy ra lương thực, nhu yếu phẩm cho các bệnh viện, khu cách ly tại TP.HCM, thông qua hoạt động của Quỹ Sống và các cộng sự, tình nguyện viên.

Với tên tuổi và sức hút của Trần Nhật Thăng trên thị trường như hiện nay, bức tranh trừu tượng mà anh vừa tặng cho chương trình Vì mái trường cho em có thể bán được từ 100 đến 150 triệu đồng. Số tiền này tương đương 1/3 kinh phí lớp học được xây mới. Sở dĩ có được con số này là vì báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sắp khánh thành một lớp học tại điểm trường Huổi Khoang, thuộc Trường Mầm non Hoa Mai, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, với kinh phí hơn 310 triệu đồng.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm