Mừng U19 Việt Nam, chờ U23 Việt Nam lên tiếng

23/09/2013 09:18 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như những ngày vừa qua cả nước lên cơn sốt bóng đá mang tên U19 Việt Nam (với nòng cốt là Học viện HA.GL Arsenal JMG), thì cuối tuần này, TP.HCM nói riêng có thể sẽ lại mang thêm cơn sốt bóng đá nữa ở sân Thống Nhất, khi U23 Việt Nam trở về sau chuyến tập huấn ở trời Âu, để bước vào các trận đấu quốc tế với CLB Santos và U23 Galatasaray.

Bỏ qua một giai đoạn bị đứt quãng, kể từ năm 2008 đổ lại đây, nhà tổ chức đã phát hiện ra mỏ vàng sân Thống Nhất, khi khán giả kéo đến sân đông bất ngờ trong các trận đấu của U23 Việt Nam và ĐTQG tại một giải đấu giao hữu mang tính bản lề cho SEA Games hay AFF Cup. Người trong cuộc đã từng do dự và e ngại rằng đây chỉ là hiện tượng, chứ không phải bản chất, nhưng thực tế là câu chuyện khác.

Năm 2008, ĐT Việt Nam của HLV Calisto chỉ thể hiện một lối chơi nghèo nàn và không tìm nổi một chiến thắng nào tại Cúp bóng đá quốc tế TP.HCM, nhưng một năm sau, hàng vạn khán giả vẫn đến sân cổ vũ, khi thành phần tham dự là U23 Việt Nam, trong giải đấu được tổ chức để chạy đà cho SEA Games 25 vào cuối năm đó. Người hâm mộ TP.HCM đâu phải đã hết yêu bóng đá?

Có thể, ở cấp độ ĐTQG, tình yêu của người hâm mộ lớn hơn và cũng bao dung hơn. Nhưng một sự thật không thể chối bỏ khác là, tình yêu chỉ đến với sự dầy công vun vén, chứ không phải chớp nhoáng. Nếu các đội bóng thuộc “biên chế” của TP.HCM gần đây, từng bị người hâm mộ quay lưng, thì trước nhất phải hỏi lại cung cách và phương pháp làm bóng đá của chính họ.

Do thiếu thành phần khách mời, nên giải đấu thường niên tại TP.HCM bị rút tên và năm nay, những nhà tổ chức chỉ gọi đơn thuần là các trận đấu bóng đá quốc tế, với 2 đối thủ, một đến từ châu Âu và một còn lại là đội bóng cũ của ngôi sao Neymar. Mặc dù vậy, nó vẫn rất đáng được chờ đợi, sau những biến cố và cả những cuộc bể dâu của bóng đá đất Sài thành ở cấp CLB.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm