Chứng khoán thế giới khởi sắc

29/10/2008 19:05 GMT+7 | Thế giới

Dường như sau cơn mưa trời đã bắt đầu sáng lại. Các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới đã hồi phục trong phiên 28/10, sau khi tụt dốc không phanh trong phiên trước. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên toàn cầu.
 
Chứng khoán hồi phục
 
TTCK thế giới đều hồi phục trong phiên 28/10, nhờ việc giới đầu tư đua nhau mua vào khi thấy cổ phiếu trên thị trường đang ở mức giá hời sau khi trải qua một phiên giao dịch tụt dốc không phanh ngày 27/10.
 
Kết thúc phiên 28/10, lên điểm mạnh nhất tại châu Á là TTCK Hồng Công khi chỉ số Hang Seng tăng tới 14% lên 12.596,29 điểm. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 6,4%, kết thúc 4 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng 5,6%, Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 2,81%. TTCK Xinhgapo, Đài Loan, Thái Lan... cũng đều tăng điểm.

Chứng khoán châu Âu ngày 28/10 cũng tăng, chấm dứt chuỗi 5 ngày giảm điểm liên tiếp nhờ cổ phiếu của hãng ô tô Volkswagen và hãng dầu khí BP tăng giá mạnh sau khi hai hãng này công bố lợi nhuận theo qúy tăng vọt. Tính đến 22 giờ 10 (giờ Việt Nam), chỉ số FTS100 (Anh) tăng 2,5%, DAX (Đức) tăng 1,97%, và CAC (Pháp) tăng 5,9%.

Chứng khoán Mỹ lúc mở cửa phiên ngày 28/10 cũng không nằm ngoài xu thế tăng điểm do giới đầu tư lạc quan đang trong tâm lý chờ đợi tin vui về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lúc 22 giờ 10 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 2,37%, S&P 500 tăng 1,77% và Nasdaq tăng 1,74% so với phiên trước.

Giá dầu thô cũng “nhúc nhích”

Sự hồi phục của chứng khoán đã kéo giá dầu thô lên theo. Giới đầu tư đang theo dõi sát sao những động thái của OPEC bởi có thông tin tổ chức này sẽ xem xét tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác nếu giá dầu vẫn đi xuống.

Tại Luân Đôn lúc 22 giờ (giờ Việt Nam) ngày 28/10, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 tăng 1,43 USD, lên 64,65 USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1,06 USD, lên 62,47 USD/thùng.
 
 Tuy nhiên, xu thế tăng giá lại không giữ được tại New York, lúc 22 giờ (giờ Việt Nam) ngày 28/10, giá dầu Brent giảm 73 xu, xuống 59,83 USD/thùng, dầu thô ngọt nhẹ giảm 31 xu, xuống 63,53 USD/thùng;
 
“Chiến dịch” bơm tiền, hạ lãi suất
 
Trong khi cả thế giới đang hướng về cuộc họp kéo dài hai ngày, bắt đầu từ 28/10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và ngóng trông quyết định cắt giảm lãi suất của FED thì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đành phải tiếp tục “ra tay” để hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong khu vực. Ngày 28/10, ECB tuyên bố trong vòng một tuần sẽ cho các ngân hàng thương mại vay hơn 325 tỷ euro (tương đương 406 tỷ USD) với lãi suất chủ đạo hiện hành là 3,75%. Hiện có tới 736 ngân hàng đề nghị được vay tiền từ ECB. Chủ tịch ECB, ông Jean-Claude Trichet, cũng cho biết khả năng cắt giảm lãi suất lần nữa của ECB trong tháng 11 là "có thể xảy ra".

Chính phủ Thái Lan ngày 28/10 đã quyết định kéo dài thời gian bảo lãnh cho các khoản vay của các ngân hàng thêm 2 năm nữa, tức là đến năm 2011, để tạo dựng lòng tin trong ngành ngân hàng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang lan rộng.

Ngân hàng Ixraen cũng vừa công bố cắt giảm lãi suất để hỗ trợ ngành ngân hàng nước này giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó, lãi suất trong tháng 11 sẽ được giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 3,5%.

Nằm trong gói cứu trợ trị giá 700 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ đã thông qua, Bộ Tài chính Mỹ cam kết trong tuần này sẽ “bơm” 125 tỷ USD cho 9 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, bao gồm các tên tuổi “sừng sỏ” như: Citigroup, Bank of America, Morgan Stanley, Goldman Sachs... Một khoản tiền mặt trị giá 125 tỷ USD khác sẽ được “rót” vào các ngân hàng và các công ty cho vay nhỏ hơn.

Theo Huyền Trang (Tin Tức)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm