Chứng khoán thế giới lại lao dốc

28/10/2008 08:40 GMT+7 | Thế giới

Bất chấp các nỗ lực của chính phủ nhiều nước nhằm vực dậy nền kinh tế toàn cầu trước cơn khủng hoảng tài chính, bất chấp quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các TTCK thế giới ngày 27/10 chao đảo dữ dội trong khi giá dầu tiếp tục giảm.
 
Chìm trong sắc đỏ
 
Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 6%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/1982 là 7.162,90 điểm; nguyên nhân chính là do cam kết hợp tác trong cuộc chiến chống khủng hoảng tài chính của nhóm các quốc gia giàu có G7 cũng như những biện pháp mới nhằm vực dậy TTCK trong nước của Chính phủ Nhật Bản không đủ sức vực dậy lòng tin của các nhà đầu tư. Nikkei đã giảm 53% trong năm nay và giảm hơn 80% so với "đỉnh" 38.915 điểm đạt được hồi tháng 12/1989.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản sụt giảm
Mối lo ngại dai dẳng về nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới cùng phỏng đoán lợi nhuận yếu kém của các công ty nội địa trong qúy III là lý do khiến chỉ số Thượng Hải của Trung Quốc giảm 6,32%, xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm là 1.723,35 điểm. Làn sóng bán tháo cổ phiếu giá rẻ đã khiến chứng khoán Hồng Công và Philíppin “lao dốc” với tốc độ chóng mặt, lần lượt giảm 12,7% (mức giảm% lớn nhất trong một phiên kể từ năm 1991) và 12,3% (mức giảm lớn nhất trong một phiên kể từ tháng 2/2007).
 
Cổ phiếu các ngành ngân hàng và năng lượng sụt giảm do chịu tác động tiêu cực của nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến TTCK châu Âu phiên 27/10 chịu chung số phận với chứng khoán châu Á. Các chỉ số giảm từ 3-5%. Tuy nhiên, đến 22 giờ (giờ Việt Nam), chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,88%; DAX của Đức giảm 1,43% và CAC 40 của Pháp giảm 3,55%.
 
Chứng khoán Mỹ cũng không nằm ngoài xu thế giảm điểm. Mặc dù có chút ít lạc quan trước thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết, 9 ngân hàng lớn trong nước sẽ nhận được khoản “bơm” 125 tỷ USD từ Chính phủ trong đầu tuần này, 125 tỷ USD còn lại trong khoản cứu trợ trọn gói trị giá 250 tỷ USD sẽ được “rót” vào các ngân hàng nhỏ hơn; nhưng giới đầu tư vẫn không thoát khỏi nỗi lo ngại dai dẳng về cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu sẽ làm “tổn thương” nền kinh tế thế giới. Đến 22 giờ (giờ Việt Nam), các chỉ số Dow Jones giảm 0,38%; S&P 500 giảm 0,74%; Nasdaq giảm 1,03%.
 
Bất chấp quyết định cuối tuần trước của OPEC từ ngày 1/11 cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, giá dầu mỏ thế giới vẫn không có dấu hiệu tăng trở lại, thậm chí còn tiếp tục đà giảm giá. Trên thị trường New York lúc 22 giờ (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 giảm 1,42 USD/thùng xuống còn 62,73 USD/thùng; giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 0,96 USD còn 59,70 USD/thùng.
 
FED sẽ lại cắt giảm lãi suất?
 
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang cân nhắc việc tiếp tục cắt giảm lãi suất, có thể xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua. Theo tin từ Oasinhtơn, FED dự kiến sẽ hạ lãi suất cơ bản khi kết thúc cuộc họp của ban lãnh đạo vào ngày 28 và 29/10. Các nhà đầu tư và một số chuyên gia kinh tế dự báo FED sẽ cắt giảm tiếp 0,5% lãi suất xuống còn 1%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là mức lãi suất thấp nhất kể từ mùa hè năm 2004. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ lãi suất sẽ chỉ được cắt giảm xuống còn 1,25%. FED hy vọng lãi suất thấp hơn sẽ khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tăng chi tiêu, làm đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế đang lao đao. Chủ tịch FED Ben Bernanke tuyên bố sẽ sử dụng mọi công cụ để đấu tranh chống khủng hoảng.
 
Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 7 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhất trí rằng cần phải kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn đối với các tổ chức tài chính để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện này. Tổng thống Sarkozy cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh tài chính quốc tế sẽ diễn ra ở Oasinhtơn ngày 15/11 tới, ông dự định đề xuất mỗi quốc gia cần phải cải cách các luật lệ và tăng cường giám sát đối với các tổ chức tài chính. Ông Sarkozy nhấn mạnh việc cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là một vấn đề quan trọng và cần phải thành lập một thể chế mới để phù hợp với tình hình của thế kỷ 21.
 
Về phần mình, Thủ tướng Aso, ngày 27/10, đã công bố các biện pháp mới nhằm hỗ trợ TTCK nước này đang tiếp tục sụt giảm, trong đó có việc tăng qũy của Chính phủ để sẵn sàng rót tiền cho các ngân hàng nếu cần. Quy mô của qũy này có thể tăng từ mức dự định 2.000 tỷ yên lên tới 10.000 tỷ yên (110 tỷ USD).
 
Tại Hàn Quốc cùng ngày, Tổng thống Lee Myung Bak đã kêu gọi các đảng phái cũng như toàn dân đoàn kết, phối hợp nỗ lực giúp vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Trước đó, trong một cuộc họp bất thường, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã giảm lãi suất cơ bản từ 5% xuống còn 4,25%, lần giảm thứ hai trong vòng một tháng qua.
 
Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm