Sao lại thu phí giao dịch ATM?

02/06/2008 12:07 GMT+7 | Thế giới



Ảnh: D.Đ.M
(TT&VH Online) - Dự kiến từ ngày 1.7, các giao dịch rút tiền, chuyển khoản từ máy ATM sẽ phải trả phí với mức tối thiểu 1.000 đồng/giao dịch.

Khi thẻ ATM tăng vọt

Trước đây, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ATM, các ngân hàng đồng loạt mở các đợt khuyến mãi rầm rộ khi làm thẻ ATM. Với sự tiện lợi của ATM, rất nhiều công ty, cơ quan nhà nước đã đồng loạt làm thẻ cho nhân viên của mình để trả lương qua tài khoản. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc số lượng thẻ ATM tăng vọt chỉ trong vòng vài năm.

Khi ATM trở nên phổ cập, các ngân hàng hưởng lợi bởi các công ty, cá nhân đã để trên tài khoản ATM một lượng tiền gửi cực lớn với lãi suất rất thấp (lãi suất không kỳ hạn). Bên cạnh đó, mối quan tâm của người dân đến các dịch vụ ngân hàng cũng tăng theo nhờ mối liên kết của họ với ATM của ngân hàng.

Thế nhưng, khi ATM bùng nổ thì các dịch vụ của ATM cũng ngày càng tệ. Nếu như trước đây việc kẹt thẻ, máy ATM hết tiền, máy ATM gặp trục trặc... ít xảy ra thì nay những câu chuyện này xảy ra như cơm bữa. Thêm vào đó, chuyện dở khóc dở cười của những công nhân với số tiền lương ít ỏi đến kỳ lương phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi mới lĩnh được tiền cũng thường xuyên xảy ra. Trong bối cảnh này, các ngân hàng lại hè nhau đưa ra chính sách thu phí sử dụng ATM từ 1.7.2008 quả là rất khó chấp nhận.

 Với người có thu nhập thấp như sinh viên, công nhân, phí sử dụng ATM là đáng kể - Ảnh: D.Đ.M


Khi được hỏi, một đại diện cấp cao thuộc Hiệp hội Thẻ Việt Nam cho biết, 1.000 đồng/lần rút tiền là mức thu tối thiểu mà các ngân hàng dự kiến sẽ áp dụng. Tuy nhiên, vị này cũng không thể trả lời căn cứ nào để đưa ra mức phí tối thiểu đó và đây cũng là điều mà chưa một ngân hàng nào có thể đưa ra căn cứ xác đáng để trả lời cho hàng triệu chủ thẻ ATM hiện nay. Tại sao lại áp đặt một mức phí cho khách hàng khi từ trước đến nay họ vẫn ký hợp đồng sử dụng miễn phí mà không giải thích rõ mức giá đó có cơ sở như thế nào?

Chưa hết, vào thời điểm hiện tại, khi mà giá cả mọi mặt hàng cứ tăng vù vù thì sự kiện các ngân hàng quyết định thu phí rút tiền đối với hàng triệu chủ thẻ ATM giống như một tuyên bố đuổi bớt khách hàng. Khi mà các ngân hàng còn đang rất khó khăn về huy động vốn, phải dùng đủ mọi phương pháp để thu hút khách hàng đến gửi tiền vào ngân hàng thì việc thu phí ATM vào thời điểm hiện tại có lẽ không phải là một quyết định khôn ngoan bởi nó gây ra phản ứng của người dân đối với ngân hàng. Nếu vẫn quyết định thu phí, các ngân hàng có thể sẽ có thêm nguồn thu nhưng hậu quả từ phản ứng của các chủ thẻ ATM, từ những công ty đã ký kết mở tài khoản ATM đồng loạt để trả lương cho nhân viên... thì chưa thể lường hết.

Chưa phù hợp với tình hình hiện tại

"Quy định thu phí đối với các chủ thẻ thực hiện giao dịch rút tiền, chuyển khoản là chưa phù hợp với tình hình lạm phát đang gia tăng hiện nay", tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Kế toán tài chính ngân hàng Đại học Mở TP.HCM - nhận định. Theo ông, thẻ ATM hiện nay dùng để chi trả lương là chủ yếu. Lương người lao động đã không cao mà còn tính phí thì e rằng người lao động sẽ không chấp nhận hình thức trả lương này và sẽ xoay qua yêu cầu chủ doanh nghiệp trả lương bằng tiền mặt. "Đúng là các ngân hàng thời gian qua đầu tư vào hệ thống ATM khá nhiều tiền nhưng riêng với quy định số dư tối thiểu trên thẻ từ 50.000 - 100.000 đồng thì lượng vốn này cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng thay vì phải thu tiền phí 1.000 đồng/giao dịch", tiến sĩ Thuận nói.

Cần phải nói thêm, quy định số dư tối thiểu trong tài khoản thẻ ATM là bất hợp lý vì đối với công nhân, công chức, sinh viên..., số tiền 50.000-100.000 đồng không phải nhỏ. Thử tính với 9 triệu thẻ ATM mà các ngân hàng phát hành hiện nay, lượng vốn các ngân hàng có thể sử dụng với giá "bèo" (trả lãi suất không kỳ hạn) đã lên đến 450 - 900 tỉ đồng. Đó là một khoản bù đắp không nhỏ cho chi phí đầu tư, vận hành hệ thống ATM của các ngân hàng.

Nếu ngân hàng thu phí, theo tiến sĩ Thuận, người lao động sẽ đến thẳng ngân hàng để rút tiền và để đỡ mất công, họ sẽ rút toàn bộ số tiền trong thẻ. Như vậy ngân hàng sẽ không được lợi, sức ép khối lượng công việc, chi phí ngân hàng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, hiện nay các máy ATM thường chỉ tập trung ở các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vực trung tâm..., không thuận tiện đối với người lao động. Chưa kể các thao tác rút tiền trên máy ATM của một số ngân hàng hiện nay còn rất bất tiện. Chẳng hạn các máy ATM của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ cho phép chủ thẻ rút mỗi lần 2 triệu đồng, nếu muốn rút 20 triệu đồng (mức tối đa được phép rút trong 1 ngày) thì chủ thẻ phải thực hiện 10 lần rút thẻ ra, đút thẻ lại vào khe, mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa máy ATM của Vietcombank không có loại tiền mệnh giá 200.000 đồng, 500.000 đồng dù trước đây Ngân hàng Nhà nước đã lưu ý các ngân hàng thương mại phải nạp đủ các loại tiền mệnh giá 200.000đ, 500.000đ. Vì vậy, quy định thu phí trên từng giao dịch là hoàn toàn không hợp lý.

 

Theo Thanh Niên Online

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm