Chữ và nghĩa: Tên riêng nước ngoài đọc sao cho phải?

14/09/2022 07:08 GMT+7

Thái tử Charles (Charles Philip Arthur George) vừa chính thức kế vị Nữ hoàng Anh Elizabeth II (Elizabeth Alexandra Mary) khi bà qua đời. Cư dân mạng có ý kiến tranh luận là tên “Charles” nên đọc sao cho đúng.

Vua Charles III chính thức kế vị ngai vàng Vương quốc Anh

Vua Charles III chính thức kế vị ngai vàng Vương quốc Anh

Ngày 10/9, Vua Charles III đã chính thức được tấn phong ngôi vị tại buổi lễ diễn ra ở Cung điện St James, thủ đô London của Anh.   

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Hiện tại tiếng Việt đang tồn tại mấy cách đọc: Sac-lơ, Sac-li, Chan-dơ, Chac (l)… Có người đọc theo âm Pháp, có người đọc theo âm Anh - Anh, có người đọc theo âm Anh - Mỹ… Một cái tên đơn giản kể cũng rắc rối.

Tôi nhớ, mấy năm trước đây, trên tờ báo thể thao Sovetskij Sport (Советский спорт, Nga), cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Armenia, có tên là Henrikh Mkhitarjan, đang thi đấu cho CLB Borussia Dortmund (Đức) đã tỏ ra hết sức bực bội khi khán giả và các phương tiện truyền thông Đức đã cố tình “xuyên tạc” khi đọc lái tên anh “Mkhitarjan” thành “Mikitarjan” và “Miki”. Anh nói: “Tôi đến một quốc gia nước ngoài và tôn trọng luật pháp cũng như truyền thống ở đây. Ngược lại, tôi muốn họ tôn trọng tình yêu của tôi đối với quê hương và nguồn gốc của bản thân mình. Tên của tôi phải được phát âm chính xác. Nếu không, họ sẽ nghĩ là một cầu thủ lạ hoắc nào đó ghi bàn chứ không phải là tôi”.

Ý kiến của Mkhitarjan được khá nhiều cầu thủ nước ngoài trong đội ủng hộ, nhưng cũng không ít người cho đó là “chuyện vặt”. “Người Đức có cách gọi tên Miki theo cách của họ. Chả có điều gì lạ ở đây cả” - một “fan” của FC Dortmund đã tâm sự như vậy..

Chú thích ảnh
Vua Charles III tại thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Lại có một chuyện liên quan nữa. Đó là việc Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có hẳn một công văn (số 500/BTHCM, ngày 25/11/2011) gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị chỉ đạo NXB Giáo dục không sử dụng cách gọi vị luật sư người Anh Francis Henry Loseby (đã từng đứng ra bào chữa cho Tống Văn Sơ, tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại Tòa án Hong Kong năm 1931) này là Lôdơbai (Lô-dơ-bai), mà phải gọi là Lôdơbi (Lô-dơ-bi). Cũng theo công văn, chính gia đình luật sư Loseby phản ứng, không đồng tình khi tên ông được người Việt phát âm và viết sai lệch là Lôdơbai.

Đây là vấn đề liên quan tới việc viết và đọc tên riêng nước ngoài.

Sở dĩ nhiều người Việt đọc Loseby thành “Lô-dơ-bai” là có cái lý của nó. Bởi con chữ [i] và [y] trong tiếng Anh thường được đọc thành [ai].Ví dụ: my house đọc thành [mai hauz], Mike Tyson đọc thành [Mai-cơ Tai-xân/ Tai-xơn], Lineker đọc thành [Lai-nơ-cơ]... Đa số là như thế nên “by” trong Loseby sẽ đọc thành “bai” theo cách suy diễn thông thường. Tuy nhiên, những quy luật ngôn ngữ không nhất nhất đều như nhau trong mọi trường hợp. Vì vậy, cách đọc (nhất là tên riêng) cũng có những ngoại lệ. Trường hợp Loseby là một ví dụ.

Tuy nhiên, thật khó mà bắt bẻ một dân tộc nào đó về việc họ đọc tên người nước ngoài không đúng như nguyên ngữ ta đang đọc. Bởi hệ thống âm vị, cách phát âm mỗi dân tộc là khác nhau. Cái khác này biểu hiện rất rõ khi xử lý cách phát âm tên riêng. Người Trung Quốc không đọc được âm [đ] (Đà Lạt đọc là Tà Lạt). Người Nga không viết và đọc âm [h] (Hà Nội đọc thành Kha Nôi (Ханой), Huế đọc thành Khiu-ê (Хюэ). Thủ đô nước Nga là Москва (Moskva) sẽ được đọc khác nhau trong tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hán... Học giả Hồ Hải Thụy kể rằng, tên ông được người Pháp đọc là “Ô E Tuy”, người Anh đọc là “Hô Hai Thai”, người Nga đọc là “Khô Khai Ghiu”, người Trung Quốc đọc là “Khủ Khài Ruấy”,...

Vì vậy, cách giải quyết đơn giản, hợp lý nhất là giữ nguyên cách viết tên riêng của nguyên ngữ. Francis Henry Loseby cần giữ nguyên dạng trong mọi văn bản tiếng Việt, nếu cần thì tạm chú một cách đọc được coi là đúng (hoặc tương đối đúng).

Hiện tại đa số các ngôn ngữ dùng mẫu tự Latin nên việc viết nguyên dạng (tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha...) là không có trở ngại gì. Với mẫu tự chữ Kirin (hệ chữ Slavơ) thì ta chuyển tự (dùng mẫu tự Latin để chuyển ngang từ mẫu tự Kirin cho phổ cập). Ngay cả chữ Hán, chữ Ả Rập... bây giờ người ta cũng dùng chữ Latin để viết âm tương đương là đa số.

Khi giao tiếp bằng văn bản qua kênh thị giác thì việc viết đúng nguyên văn tên riêng là điều cần tôn trọng và sẽ tránh được mọi sự nhầm lẫn, rắc rối. Còn việc đọc (khi thực sự cần thiết), chúng ta phải cố gắng tìm cách đọc chính xác nhất so với nguyên ngữ. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng được đáp ứng, kể cả những người giỏi ngoại ngữ.

Tên cầu thủ Hà Lan De Kuyt đã bị các BLV bóng đá của ta đọc theo nhiều cách: Đơ Ku-it, Đơ Kao, Đơ Kai... Nếu căn cứ vào cách đọc chính xác của người Hà Lan thì chắc là không có cách phát âm nào chuẩn, nhưng nếu viết đúng nguyên ngữ thì ai cũng sẽ nhận ra, không nhầm lẫn.

Mkhitarjan sẽ còn thắc mắc và bực bội tiếp nếu anh lại chuyển sang thi đấu cho một quốc gia khác, ngoài nước Đức. Chuyện ngôn ngữ như vậy, nhiều khi ta đành chấp nhận “nhập gia tùy tục”, miễn là tên của ta (trong hộ chiếu, trong thẻ tín dụng, trong các giấy tờ tùy thân...) được ghi chính xác như nhau.

Sác-lơ hay là Sạc-li?

Điều quan trọng là phải ghi thế nào

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm