Chữ và nghĩa: Gió xoa mắt đắng?

21/08/2024 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Để bắt đầu vấn đề ngôn ngữ cần bàn dưới đây, tôi xin dẫn một đoạn thơ trong bài thơ Tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật: "Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim/ Thấy sao trời và đột ngột cánh chim/ Như sa, như ùa vào buồng lái".

Đoạn thơ bốn câu miêu tả 3 sự tình: 2 sự tình liên quan tới hành động "nhìn" (nhìn thấy gió…, nhìn thấy con đường…) và 1 sự tình liên quan tới hành động "thấy" (thấy sao trời và đột ngột cánh chim…). Cả ba đều được coi là những phát hiện của nhà thơ. Chỉ có người lái xe ngồi trong cabin của chiếc xe "Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi" thì mới có những quan sát, chiêm nghiệm về thực tế chiến trường với những chi tiết đắt giá đến thế.

Trong một buổi sinh hoạt về chủ đề ngôn ngữ thơ, có sinh viên đã đặt câu hỏi: Câu thơ "Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng" cần được hiểu thế nào?

Chữ và nghĩa: Gió xoa mắt đắng? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Chúng ta biết, động từ "nhìn" trong tiếng Việt có mấy nghĩa: 1. đưa mắt về một hướng nào đó để thấy (VD: ngẩng mặt nhìn trời; xa quá, nhìn không rõ; "Vội sang vườn Thúy dò la/ Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa" - Truyện Kiều); 2. để mắt tới, quan tâm, chú ý tới; 3. xem xét để thấy và biết được (VD: nhìn rõ trắng đen); 4. [công trình xây dựng hay vật được bố trí, sắp xếp] có mặt chính quay về phía hoặc hướng nào đó (VD: khách sạn nhìn ra biển; ngôi nhà nhìn về hướng đông). (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

"Nhìn" trong "nhìn thấy gió" là ở nghĩa 1, tức là động tác quan sát trực tiếp bằng mắt về một đối tượng nào đó. "Nhìn" này đã có ở câu thơ ở khổ trước: "Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng". Sau đó, cũng động tác "nhìn" này, nhà thơ nhìn thấy "con đường chạy thẳng vào tim".

Vậy gió có nhìn được như vậy không? Có thể nói là không. Gió là hiện tượng không khí chuyển động thành luồng trong khí quyển. Ta khó nhận ra bằng thị giác (mắt) mà chỉ cảm nhận qua tác động của nó vào vật khác (khi cờ bay, khi cây cối nghiêng ngả, khi mây vần vũ…). Người lái xe (trong câu thơ Phạm Tiến Duật) còn "nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng" cơ. "Xoa mắt đắng" là xoa thế nào nhỉ? Đây phải chăng là một kết hợp ngẫu nhiên, phi lí?

Có thể suy luận thế này chăng: Gió ngoài trời thổi ngược vào buồng lái, tác động, làm cho mắt người lái xe khó chịu, phản ứng chảy nước mắt. Nước mắt chảy xuống miệng làm cho (người lái xe) thấy có vị như vị đắng.

Nước mắt này, kể ra có vị mặn thì đúng hơn. Nhưng kết hợp mà nhà thơ đưa ra lại được người đọc chấp nhận và nó tạo nên một bất ngờ thú vị. Người lái xe cảm thấy "đắng mắt" và cái "đắng" này cũng giống như trong các kết hợp "đắng miệng", "đắng lòng"… Nhà thơ đã "nhìn" thấy một thứ gió đặc biệt, chỉ có thể cảm thấy khi lái chiếc xe ô tô vỡ hết kính dọc đường chiến trận.

Những kết hợp phi lí như vậy không hiếm trong ngôn ngữ thơ. Lưu Trọng Lư từng viết (trong bài Tiếng Thu): "Em không nghe mùa Thu". Mùa thu có "nghe" được không nhỉ? Các động từ "nhìn" và "nghe" đã có sự chuyển nghĩa trong thơ.

"Gió xoa mắt đắng" nhà thơ

Cho ta cảm nhận bây giờ chưa xong

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm