31/07/2024 08:36 GMT+7 | Văn hoá
"Lá hoa bay tháng Tám ấm vai người
cho tôi tựa những chênh chao mùa Hạ
môi khô khát, ngực sầu ủ rũ
chợt xanh về thương nhớ mênh mang".
Đó là khổ thơ trong bài Nguyện cầu tháng Tám (trích từ tập Đêm hoa vàng, 2024) của nhà thơ Bình Nguyên Trang. Sẽ là bình thường nếu không có một khán giả trẻ, đứng lên hỏi chính nhà thơ (trong một cuộc giao lưu giới thiệu tập thơ) về một từ xuất hiện trong khổ thơ ấy: "chênh chao".
Không chỉ khán giả nọ, nhiều người cũng thấy lạ khi đọc từ này. Ngay các nhà từ điển cũng tỏ ra lúng túng khi "chênh chao" chưa hề xuất hiện trong các cuốn từ điển tiếng Việt từ trước tới nay. Nó nên được coi là từ mới, hoặc chỉ là một từ được sáng tạo trong một phút ngẫu hứng của nhà thơ?
"Nói có sách, mách có chứng". Ngôn ngữ học là một ngành khoa học thực chứng, nên mọi vấn đề luận bàn phải xuất phát từ ngữ liệu. Tôi phải lục tìm trong kho ngữ liệu của Trung tâm Từ điển học và phát hiện ra một điều: Từ "chênh chao" đã xuất hiện khá lâu và xuất hiện không phải là ít (dưới đây là mấy ví dụ thống kê theo thứ tự thời gian):
- "Người khen và kẻ chê. Còn anh, bơ phờ sau chặng đường vừa trải, nhưng có vẻ không mấy chênh chao khi nhìn lại mọi điều". (Nguyễn Phương Liên, Tài hoa trẻ, 1999).
- "Tôi chênh chao giữa đôi bờ thực tại, bên bát canh như ngày xưa và bên nỗi nhớ những bữa cơm xưa". (Lê Minh Hà, Thương thế ngày xưa và những giọt trầm, 2005).
- "Tháng Bảy mùa về qua những phút chênh chao/ Là khi gặp em trong những ngày xưa cũ". (Bùi Nhật Lai, Chênh chao (truyện ngắn), báo Thái Nguyên, 2022).
- "Giữa chốn bình yên của kiếp nhân sinh, đọc Giấc mơ bay của Trần Nguyên Hào (NXB Hội Nhà văn) có cảm giác nghe lòng chênh chao. Phải chăng mỗi con chữ ẩn chứa một lẽ đời". (Trần Văn Toản, Chênh chao một giấc mơ bay, báo Công an TP Đà Nẵng, 2023).
v.v…
Như vậy, "chênh chao" đã được dùng khá lâu trong giao tiếp và trên báo chí. Tuy nhiên, nghĩa cụ thể của nó lại là vấn đề cần bàn. Đây có phải là sự kết hợp nghĩa của 2 từ "chênh vênh" (ở vị trí cao mà không có chỗ dựa chắc chắn, gây cảm giác trơ trọi, thiếu vững chãi) và "chao đảo" (nghiêng qua nghiêng lại, không giữ được thăng bằng) không? Tác giả bài "Khi chênh chao đã có gia đình ở đó" ("Tuổi trẻ", 9/7/2023) giải thích: "Chênh chao, có lẽ, có thể không phải là chênh vênh, không phải là cái tư thế bất an, lo lắng về một điều gì không chắc chắn, cũng không phải là cảm giác không an toàn"…
Vậy "chênh chao" là gì nhỉ? Đọc lại bài thơ của Bình Nguyên Trang (vừa dẫn ở trên) độc giả thấy "chênh chao" trở thành một từ phản ánh tâm trạng "bổng chìm, mênh mang bất định, về một nỗi lòng khó tả" của nhà thơ trong toàn bài, nhất là những đoạn "chốt": "Đã khác xưa, là tôi của bây giờ/ cả thương tích cũng nở hoa, vì tôi biết/ rằng hư ảo, mất còn và sự thật/ cũng chập chờn như cánh bướm đêm Thu". Và "tôi đã sống đời mình như cơn lũ/ trôi đi, còn mắc nợ bến bờ"…
Như vậy, qua thơ văn, qua các phát ngôn trong cuộc sống, ta có thể hình dung được ngữ nghĩa cơ bản của từ này. Chính vì vậy, Trung tâm Từ điển học đã quyết định bổ sung mục từ "chênh chao" cho lần xuất bản tới đây:
Chênh chao (t.) ở trạng thái tâm lý không ổn định, làm dấy lên những cảm xúc day dứt không yên trong lòng.
Một bên "chênh", một bên "chao"
Làm nên từ mới với bao nỗi niềm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất