04/09/2024 06:36 GMT+7 | Văn hoá
Đó là một huấn luyện viên giàu kinh nghiệm. Ông ta biết "đọc trận đấu" để kịp thời đưa ra đối sách thích hợp cho trận chung kết này.
Ta vẫn nghe các nhà bình luận bóng đá nói đại ý như vậy, khi đánh giá một nhà cầm quân nào đó trong các trận thư hùng thể thao.
"Đọc trận đấu" là một tổ hợp động ngữ (đoản ngữ có trung tâm là động từ). Muốn phân tích, ta phải bắt đầu từ động từ "hạt nhân" này để hiểu cho ngọn ngành.
"Đọc" trước hết là một hành động "phát thành lời những điều đã được viết ra theo đúng trình tự". Người biết chữ ít nhất phải "biết đọc biết viết". "Nghe - nói - đọc - viết" là 4 kỹ năng cơ bản để kiểm tra năng lực ngôn ngữ của ai đó.
Ngay từ khi học tiếng Việt ở trường phổ thông, mọi học sinh đều phải trải qua các bài kiểm tra đọc một văn bản nào đó. Đầu tiên là một chữ, một từ, sau đó là một câu, một đoạn, một bài văn hoặc bài thơ đơn giản. Người đọc phải nhận đúng mặt chữ, phát âm sao cho "tròn vành rõ chữ" từng âm tiết, đúng vần, đúng thanh điệu và đúng ngữ điệu của câu. Người nghe cảm nhận kỹ năng đọc qua kênh âm thanh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: "Nửa đêm nghe ếch học bài" chính là nghe "ếch" đọc đó.
Đọc bài, đọc chính tả… đều là những cách đọc thành lời như thế. Nhưng có những trường hợp đọc không thành tiếng. Hàng ngày chúng ta phải đọc rất nhiều sách vở, báo chí, truyện, sách giáo khoa, tài liệu chuyên môn… mà cứ oang oang thành tiếng thì thật vô lý, mệt và không thể, cũng không cần thiết. Đọc này là sự cảm nhận con chữ thông qua thị giác. Đó là một cách tiếp nhận thông tin, tri thức phổ biến. Khi ai đó hỏi: "Cậu đã đọc cuốn tiểu thuyết này chưa?" thì người đó muốn biết ta đã cảm thụ nội dung cuốn sách bằng cách "liếc" truyện đó chưa. Có người liếc nhanh, có người liếc chậm (tùy theo thói quen, cách thức) nhưng mục đích cuối cùng là ta nắm được nội dung (cốt truyện, chủ đề, thông điệp, ý nghĩa…) mà cuốn sách kia muốn truyền tải.
Với nhiều văn bản đặc thù thì việc "đọc" chỉ có thể cảm nhận bằng mắt. Chẳng hạn: (nhạc sĩ) đọc nhạc (tiếp nhận giai điệu, tiết tấu của bản nhạc), (chuyên gia) đọc bản đồ (xem bản đồ theo các thông tin chuyên dụng: Bản đồ địa hình, bản đồ đường, bản đồ nhiệt, bản đồ dân số…), (bác sĩ) đọc phim là những chuyên gia chẩn đoán hình ảnh thông qua các sản phẩm X-quang chẳng hạn...
"Đọc trận đấu" hiện được dùng như một thuật ngữ thể thao. Đó là việc ai đó (cầu thủ, huấn luyện viên, bình luận viên) quan sát trận đấu để phán đoán các tình huống và thông qua đó, có thể đánh giá cầu thủ (đẳng cấp cao hoặc bình thường), đánh giá chiến thuật của một đội (thông qua đội hình và cách thức di chuyển cầu thủ trên sân), chính từ đó mà điều chỉnh cách chơi cho từng trận đấu, thậm chí cho từng hiệp đấu. Kỹ năng này phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, được trải nghiệm, trau dồi theo thời gian, qua nhiều tình huống luyện tập cũng như trong các trận đấu, đặc biệt là những trận khó khăn, phức tạp (ở các giải đua tài đỉnh cao). "Đọc" trong "đọc trận đấu" hàm chỉ ai đó theo dõi và nhận thông tin trận đấu trước hết bằng mắt (như các loại đọc thông thường).
Đa số những huấn luyện viên và cầu thủ giỏi trên thế giới đều có khả năng đọc trận đấu và ứng biến sao cho phù hợp. Có thế họ mới thành công và đạt được những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp của họ.
"Đọc trận đấu" không thành lời
Vẫn kịp thay đổi cách chơi cho mình
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất