24/04/2024 17:58 GMT+7 | Văn hoá
Chắc nhiều người còn nhớ những câu thơ sau (trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, viết tháng 5/1954 sau khi quân và dân ta toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ):
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!
Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta
Chúng bay chỉ một đường ra:
Một là tử địa, hai là tù binh.
Đó là lời của nhà thơ nói với đối phương (là quân Pháp) trong trận chiến Điện Biên Phủ. Quân Pháp đã rơi vào vòng vây siết chặt của quân đội, nhân dân Việt Nam và với tình thế (hết đường thoát) này, chúng chỉ còn duy nhất một lựa chọn cho mình.
Nhưng cũng có độc giả cho rằng, xét về mặt câu chữ, nhà thơ Tố Hữu hình như... đã nhầm khi viết: "chỉ một đường ra" nhưng lại có hai "con đường" (mà nhà thơ gợi ý): 1) một là tử địa (chết); 2) hai là tù binh (bị bắt sống). Vậy điều này cần được hiểu ra sao?
Trong logic, có 2 phép liên kết cơ bản. Đó là phép giao và phép tuyển giữa hai (hay nhiều thành tố) với nhau.
Phép giao: A giao B (hay A hội B), ký hiệu: A ∧ B, trong ngôn ngữ biểu hiện bằng từ "và", "với"… (VD: Cơm và cháo; mưa và gió; Tôi với anh hai người xa lạ…).
Phép tuyển, ký hiệu A ∨ B, trong ngôn ngữ biểu hiện bằng từ "hay, hay là" (phép tuyển yếu, VD: Cơm hay cháo; Chúng mình nghỉ hay là làm tiếp?), "hoặc, hoặc là" (phép tuyển mạnh, VD: Chỉ còn cơm hoặc cháo thôi; Trận này chỉ có thắng hoặc thua, không có hòa)...
Tình thế mà Tố Hữu đặt ra trong câu thơ trên thuộc phép tuyển mạnh. Quân Pháp sa vào thế cùng đường, chỉ có một cửa lựa chọn. Ý của nhà thơ là: "Chúng bay" (quân Pháp) chỉ có một khả năng lựa chọn: 1) hoặc là bỏ mạng (tử địa, nếu ngoan cố); 2) hoặc là chấp nhận đầu hàng (chịu bị bắt làm tù binh). Nếu thay câu thơ "Một là tử địa, hai là tù binh" bằng câu "Hoặc là tử địa, hoặc là tù binh" thì sẽ logic, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trong thơ cách diễn đạt sao cho phù hợp với nhịp điệu, thanh điệu và có chất văn chương sẽ hay và ý vị hơn.Việc đưa ra hai khả năng lựa chọn (một là…, hai là…) là một cách diễn đạt bình thường và hoàn toàn chấp nhận được.
Trước mặt là hai ngả đường
Duy nhất một ngả là đương đợi chờ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất